|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ đông FTM, SMD Holdings, công ty chứng khoán và miếng gân gà trên bàn tiệc (Phần 2)

07:59 | 08/10/2019
Chia sẻ
Các công ty và cá nhân trung gian có vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới giao dịch margin, giúp các công ty chứng khoán kiếm tiền từ lãi cho vay và phí giao dịch. Nhưng chưa dừng lại ở đó...

LTS: Cuộc khủng hoảng cổ phiếu FTM đang tạo ra những giằng co kéo dài giữa các bên liên quan, đồng thời được giới đầu tư quan tâm. Chúng tôi giới thiệu loạt bài phản ánh thực tế cách thức tạo lập những chuỗi giao dịch ẩn chứa rủi ro trên thị trường chứng khoán, với hi vọng giúp các nhà đầu tư tránh được nguy cơ cho đồng tiền của mình.

Margin-Call-Cropped1

Ảnh minh họa về bộ phim Margin Call được trình chiếu ở Mỹ năm 2011, bối cảnh nói về một ngày tại một ngân hàng đầu tư lớn của Phố Wall trong giai đoạn đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008. Ảnh minh họa: BullDog-film.

Phần 2: Những kế hoạch không phải luôn hoàn hảo

Sau khi các cam kết được thống nhất, các hợp đồng được kí, mọi thứ tiếp theo sẽ bắt đầu vận hành. Các giao dịch, trong đó có sử dụng nguồn tiền từ margin, sẽ được thực hiện. Điều đó hoàn toàn bình thường và được phép.

Các nguồn margin hợp pháp sẽ giúp tăng sức mua, đồng nghĩa với tăng khối lượng giao dịch. Các CTCK sẽ tăng nguồn thu phí, các khoãn lãi trong và ngoài được thanh toán đúng hạn.

Thông thường, với các cổ phiếu mới - nơi cơ cấu sở hữu khá cô đặc, sự pha loãng sẽ dần diễn ra với sự tham gia của các cổ đông mới (thường là cổ đông nhỏ lẻ). Nguồn tiền đầu tư từ cổ đông mới sẽ giúp cổ đông hiện hữu thoái vốn và chi trả đầy đủ các khoản lãi, phí.

Nhưng vấn đề sẽ xảy ra nếu như nhà đầu tư mới chưa xuất hiện. Khi đó, để tạo thêm sức hấp dẫn cho cổ phiếu, bài toán giá và thanh khoản sẽ lại được đặt ra ở mức độ cao hơn và các cổ đông hiện hữu có thể cần thêm nguồn tạo sức mua.

Đây cũng là lúc các nhu cầu vốn vượt hạn mức margin xuất hiện. Nhà trung gian sẽ gợi mở cho cổ đông hiện hữu những nguồn cung mới, thường gọi là "kho". Tất nhiên, vay từ "kho" thì lãi suất không thể thấp, vì "thủ kho" không thể không hiểu rủi ro.

Khi mà mức lãi suất tín dụng từ ngân hàng cho nền kinh tế chỉ quanh mức 10%, những khoản vay từ "kho" có thể gấp đôi, như một liên tưởng đến lãi chợ đen.

Nhà trung gian có vai trò quan trọng trong việc kết nối "kho" và cổ đông, khó có thể nói là làm không công. Còn CTCK, họ biết điều này hay không, có lẽ khó chứng minh hơn một chút.

Nhưng có một cách khác để tạo thêm sức mua mà bớt sự phụ thuộc vào "kho", đó là việc CTCK cho phép nhà đầu tư mua "khống": mua vào hôm nay, trả tiền ngày mai, khấu trừ vào dòng tiền T+2 từ việc bán cổ phiếu vào ngày hôm qua trên cùng tài khoản sẽ về vào cuối ngày mai. Việc này khiến sức mua tăng lên đáng kể. Điều này, nếu xảy ra, dễ chứng minh hơn.

Việc hạch toán lệch một ngày này không gây ra vấn đề gì đáng kể, cũng như việc "kho" hay ngân hàng tham gia vào chuỗi cho vay bổ sung bên cạnh nguồn margin hợp pháp, nếu mọi việc suôn sẻ và các tài khoản margin vẫn đón được dòng tiền.

Nhưng khi có sự cố xảy ra, mọi thứ sẽ trở nên rất phức tạp. Mà sự cố thì hoàn toàn có thể xảy ra trong nhiều tình huống: cổ đông mới không xuất hiện, cổ phiếu bị ngừng giao dịch margin, hoặc một trong các bên không thực hiện cam kết.

Tỉ dụ, một cổ đông A sau khi chốt lời trong chuỗi thanh khoản đầy phấn khích đột nhiên đổi ý không mua vào nữa, khiến cổ đông B không thể bán ra.

Một tình huống khác, nhà trung gian vốn là người rất hiểu kịch bản giá và thanh khoản, chợt nảy ra ý định làm ăn. Nhà trung gian dùng tài khoản của mình để mua vào, sau đó bán chốt lời trong ngắn hạn để kiếm lời vài "line" rồi rút khỏi chuỗi giao dịch.

Đơn cử, với một tài khoản "lạ" mua vào 1 triệu cổ phiếu và sau đó bán ra với giá chênh lệch 1.000 đồng/cp, thì đã có 1 tỉ đồng được rút ra khỏi chuỗi giao dịch.

Những hiện tượng này thường gọi là "rút lõi", và sẽ làm bào mòn sức mua của chuỗi giao dịch. Và khi một mắt xích đứt gãy, chuỗi tạo lập thanh khoản sẽ lung lay.

Ai là "con mồi", ai là "thợ săn"?

Các hợp đồng vay margin đều là thỏa thuận kinh tế - dân sự. Xét về hiểu biết về đầu tư, các CTCK và nhà trung gian khó lòng kém hiểu biết hơn nhà đầu tư.

Khi duyệt cấp margin cho các mã cổ phiếu có rủi ro cao (thường thể hiện ở các biểu hiện: công ty có tỉ suất sinh lời kém, chất lượng tài sản và doanh thu không tốt, cổ phiếu có thanh khoản tự nhiên thấp, cơ cấu sở hữu tương đối cô đặc…), các CTCK có bộ phận thẩm định để hiểu được rủi ro này.

Nhưng sự đánh đổi là lợi nhuận lớn nhờ việc thu phí giao dịch, và lãi suất cho vay thường cao hơn mặt bằng cho lãi suất tín dụng ngân hàng.

Tùy vào qui trình và sự dồi dào của dòng vốn, lãi suất cho vay margin có thể dao động từ hơn 10% đến 15, 16%. Chưa kể những thỏa thuận ngoài.

Ý thức về rủi ro còn thể hiện trên các hợp đồng cho vay, khi CTCK thường lồng vào các điều khoản trói buộc nhà đầu tư khá hà khắc.

Điển hình là việc nếu tài sản đảm bảo là cổ phiếu rớt giá, CTCK sẽ được phép bán giải chấp. Nếu số tiền thu về  từ giải chấp không đủ bù đắp khoản vay, nhà đầu tư phải bổ sung thêm tài sản khác để đảm bảo khả năng trả nợ.

Về lí thuyết, những điều khoản như vậy sẽ giúp CTCK bảo toàn lợi ích trong kịch bản xấu.

Các ngân hàng, những nhà cho vay chuyên nghiệp, cũng có những điều khoản tương tự. Chặt chẽ hơn, nhà băng thường ủy quyền cho CTCK làm đại diện quản lí các nguồn trả nợ và tài sản đảm bảo, cũng như quyền xử lí tài sản khi xảy ra vấn đề với nghĩa vụ trả nợ của nhà đầu tư.

Các "kho", những nhà cho vay mỏng manh nhất về pháp lí, thường ý thức được rủi ro nhưng có tín chấp niềm tin vào các nhà trung gian, những người thường xuyên đưa khách hàng đến với họ và có lịch sử hợp tác thành công.

Hơn hết, các "kho" thường thu lãi suất cao nhất trong số các nhà cho vay, và họ chấp nhận rủi ro như một phần cuộc chơi.

Còn các nhà trung gian, chính là những người tạo lập chuỗi quan hệ này, luôn được hưởng lợi trong kịch bản tốt do họ tạo ra, và nghĩ rằng cổ đông sẽ phải gánh chịu mọi nghĩa vụ trong kịch bản xấu vì nhà trung gian là "người vô hình" trong các hợp đồng, thỏa thuận.

Các cổ đông, người kì vọng vào lợi ích từ việc giá cổ phiếu tăng và khả năng chốt lời thông qua việc trao tay được cổ phiếu cho các nhà đầu tư mới, chấp nhận chi trả cho mọi bên liên quan khác để đạt được kì vọng của mình.

Vì vậy, sẽ thật khó để có được câu trả lời: ai là "thợ săn", ai là "con mồi" trong những kịch bản xấu nếu không xác định được cụ thể những khoản tiền mặt đã chảy đi đâu, ai là người hưởng lợi (hợp pháp hay không hợp pháp, trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng).

(Còn tiếp)

T.C.C