|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trong bê bối cổ phiếu FTM, Fortex lỗ hơn 12 tỉ đồng trong quí III, phải thu chiếm gần nửa tổng tài sản

06:51 | 20/10/2019
Chia sẻ
Đây là quí thứ ba liên tiếp Fortex làm ăn thua lỗ, nâng số lỗ lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2019 lên 43,3 tỉ đồng.

Quí III/2019, CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex - Mã: FTM) ghi nhận doanh thu cao kỉ lục kể từ khi lên sàn với 360,4 tỉ đồng, tăng trưởng 54,2% so với cùng kì năm 2018.

Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng mạnh lên 361,5 tỉ đồng khiến công ty chịu lỗ gộp 1,2 tỉ đồng, đây là quí thứ hai Fortex chứng kiến hoạt động kinh doanh chính bị thua lỗ sau quí IV/2018.

ftm

Doanh thu của Fortex trồi sụt thất thường kể từ khi lên sàn, trong khi lợi nhuận đang có xu hướng co hẹp trong khoảng một năm trở lại đây. (Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC)

Trao đổi với phóng viên vào cuối tháng 9/2019, ông Đỗ Văn Sinh – Tổng giám đốc Fortex cho biết giá bán sợi sang Trung Quốc đã giảm khoảng 20% từ mức đỉnh trong khoảng một năm nay, đồng thời giá bán cũng được quyết định chủ yếu từ phía khách hàng.

Với mức giá bán như hiện nay, CEO của Fortex cho biết công ty đang lỗ từ 7.000 – 10.000 đồng trên mỗi kg thành phẩm, tương đương số lỗ hơn chục tỉ đồng mỗi tháng. Trong quí III/2019, Fortex lỗ sau thuế 12,3 tỉ đồng; trước đó công ty cũng lỗ sau thuế 31 tỉ đồng nửa đầu năm 2019.

Mặc dù phải chịu thua lỗ, Fortex vẫn không thể dừng sản xuất bởi khi đó tình hình thậm chí có thể tồi tệ hơn. "Nếu dừng lại, doanh nghiệp sẽ không có dòng tiền, hơn nữa là hơn 1.000 công nhân sẽ thất nghiệp, chưa kể sẽ mất khách hàng…", ông Sinh chia sẽ.

Trên thực tế, rất có khả năng công ty đã cắt giảm nhân sự trước tình trạng sản xuất bị thua lỗ, cụ thể chi phí quản lí doanh nghiệp trong quí III năm nay đã giảm 41% so với cùng kì năm trước, xuống còn 4,3 tỉ đồng; chi phí bán hàng cũng giảm từ 1,4 tỉ đồng xuống 1,2 tỉ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Fortex ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ xuống 810,4 tỉ đồng, chủ yếu do giảm mạnh trong quí I và quí II.

Đáng chú ý, tình hình kinh doanh khó khăn khiến công ty chịu lỗ sau thuế 9 tháng là 43,3 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước lãi 31,7 tỉ đồng. Kết quả này cũng nằm ngoài dự tính của ban lãnh đạo khi Fortex đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 22,5 tỉ đồng trong năm nay.

ftm (2)

Dây chuyền sản xuất sợi của Fortex. (Ảnh: ST)

Gánh nặng tài chính khi nợ vay chiếm 42% tổng nguồn vốn

Ngoài hoạt động kinh doanh chính đi xuống, vay nợ nhiều đi kèm với khoản chi phi lãi vay lớn cũng khiến gánh nặng tài chính của Fortex trở nên khó khăn hơn.

Tính đến 30/9, Fortex đang vay nợ ngân hàng 723,9 tỉ đồng, chiếm gần 42% cơ cấu nguồn vốn với qui mô 1.732 tỉ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn 490,3 tỉ đồng và vay dài hạn 233,6 tỉ đồng, chủ yếu từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo đó, chi phí lãi vay trong quí III/2019 tăng gần 30% so với cùng kì năm trước lên mức 17,8 tỉ đồng, đồng thời là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lỗ ròng của công ty.

Đáng chú ý, ngoài các khoản vay từ hợp đồng tín dụng, Fortex vẫn còn nợ chi phí lãi vay giai đoạn trước tháng 11/2014 đối với VDB Thái Bình tổng số tiền 218,3 tỉ đồng. Theo hợp đồng sửa đổi bổ sung được kí giữa Fortex và VDB, khoản chi phí này sẽ được thanh toán kéo dài đến năm 2025.

Ngoài ra, Fortex cũng đang nợ người bán hơn 208 tỉ đồng, chủ yếu do nhập nguyên liệu từ các đối tác nước ngoài như Qingdao Sunrise Link, Uday Cotton Industries và D.V.Exports.

Dấu hỏi về doanh thu và chất lượng tài sản

Trong khi vay nợ chiếm tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tài sản của Fortex lại tập trung khá nhiều vào các khoản phải thu, một loại tài sản thường gắn với nhiều rủi ro về tính thanh khoản.

Cụ thể, giá trị phải thu tại ngày 30/9 là 858,5 tỉ đồng, chiếm gần một nửa trong cơ cấu tài sản. Trong đó, khoản phải thu từ khách hàng là 362,8 tỉ đồng, tăng thêm 166,8 tỉ đồng so với thời điểm 30/6 trong khi doanh thu quí III/2019 đạt 360,4 tỉ đồng, điều này cho thấy 46,2% giá trị doanh thu trong quí III của Fortex hiện vẫn chưa thu được tiền.

Như đã trình bày ở trên, việc vay nợ nhiều cùng chi phí lãi vay lớn đã tạo nên sức ép về tài chính, tuy nhiên Fortex vẫn có các khoản cho vay đối với các tổ chức và cá nhân khác giá trị lên tới gần 300 tỉ đồng. Trong đó, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn có giá trị 104,3 tỉ đồng, chủ yếu cho CTCP Tập đoàn Đại Cường và Công ty TNHH Bất động sản Newcity vay.

Theo hợp đồng vay vốn, các khoản cho vay của Fortex đối với hai tổ chức trên có thời hạn 12 tháng; lãi suất được công bố là 9%/năm.Tuy nhiên, khả năng nhận được lãi vay vẫn là một dấu hỏi khi các khoản phải thu về lãi cho vay tại thời điểm kết thúc quí III đã tăng lên mức 16,3 tỉ đồng, trong khi tại thời điểm cuối quí trước là 9,3 tỉ đồng.

Ngoài ra, Fortex cũng có khoản phải thu ngắn hạn khác đối với Tập đoàn Đại Cường và đối với Bất động sản Newcity do góp vốn đầu tư vào dự án Khu thương mại số 55 Trần Nhật Duật (TP HCM) và dự án Khu đô thị phía Nam TP Thái Bình; giá trị khoản phải thu lần lượt là 115 tỉ đồng và 50 tỉ đồng.

Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9 vừa qua, cổ phiếu FTM của Fortex có 30 phiên giảm sàn liên tiếp. Với diễn biến bất thường này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau đó đã vào cuộc để nắm bắt thông tin:

"Đây là sự việc nhận được sự quan tâm của thị trường và dư luận, do đó, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quán triệt tinh thần với các đơn vị chuyên môn là tiến hành một cách nghiêm túc, cẩn trọng, tuân thủ các quy định pháp luật và xử lí nghiêm nếu phát hiện các sai phạm", UBCK cho hay.

Một số công ty chứng khoán còn cáo buộc cổ đông lớn và cựu Chủ tịch của Fortex là ông Lê Mạnh Thường đã đứng sau thao túng khiến giá cổ phiếu FTM rớt thảm. Trao đổi với chúng tôi, ông Thường phủ nhận mọi cáo buộc nói trên đồng thời cho biết ý định quay lại ghế chủ tịch Fortex.

Ngày 29/10 tới đây, Fortex sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT với ông Nguyễn Hoàng Giang đồng thời bầu ông Lê Mạnh Thường và hai cá nhân khác vào HĐQT.

Sơn Tùng

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.