|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may lao đao vì COVID-19, đâu là điểm sáng cho nửa cuối năm?

09:07 | 06/08/2020
Chia sẻ
6 tháng đầu năm, doanh nghiệp dệt may lao đao vì đại dịch, đa phần các doanh nghiệp đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Dù vẫn có những điểm sáng, nhưng bức tranh ngành nhìn chung vẫn khá ảm đạm trong những tháng còn lại của năm.

6 tháng ảm đạm của ngành dệt may

Hết quí II/2020, xuất khẩu hàng dệt may đạt 13,18 tỉ USD, giảm 12,7% so với cùng kì năm trước. 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm 14% so với cùng kì năm 2019 còn 15,5 tỉ USD, chủ yếu đơn hàng thời trang bị hoãn/hủy do dịch COVID-19. 

Trong 6 tháng, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 6,19 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kì năm trước; đứng thứ 2 là thị trường Nhật Bản và sau đó là thị trường EU (28 nước) ghi nhận mức giảm mạnh nhất hơn 19%. 

Theo thống kê của người viết với nhóm dệt may niêm yết, giao dịch UPCoM thì quí II và 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT) tiếp tục là đơn vị có doanh thu lớn nhất nhưng giảm lần lượt 36% và 24% so với cùng kì năm 2019.

Ngành dệt may lao đao vì COVID-19, điểm sáng nào cho nửa cuối năm? - Ảnh 1.

Nguồn: HK tổng hợp.

Á quân doanh thu thuộc về Tổng CTCP May Việt Tiến (Mã: VGG) đạt lần lượt 1.761 tỉ đồng quí II và 3.236 tỉ đồng nửa đầu năm; cũng giảm lần lượt 19% và 17% so với cùng kì năm 2019.

Điểm sáng của nhóm dệt may trong quí II là CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) cùng Tổng công ty May 10 – CTCP là hai đơn vị trong nhóm thống kê có doanh thu tăng trưởng trong quí II với mức tăng lần lượt 20% và 23%. 

Tuy nhiên, luỹ kế 6 tháng, chỉ có May 10 vẫn tăng 16% so với cùng kì; doanh thu TCM vẫn giảm nhẹ 2%.

Ngành dệt may lao đao vì COVID-19, điểm sáng nào cho nửa cuối năm? - Ảnh 2.

Nguồn: HK tổng hợp.

Về lợi nhuận sau thuế, Vinatex tiếp tục dẫn đầu ngành với 276 tỉ đồng nửa đầu năm, xếp thứ hai là TCM đạt 115 tỉ đồng. TCM là doanh nghiệp duy nhất tăng trưởng lợi nhuận cả quí II và 6 tháng đầu năm với mức tăng lần lượt 56% và 21%. 

Bên cạnh TCM thì May 10 cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quí II với 36% dù luỹ kế 6 tháng chỉ tương đương cùng kì.

Theo lãnh đạo TCM, kết quả kinh doanh trong quí II tăng trưởng so với cùng kì 2019 nhờ công ty xuất khẩu đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế trong bối cảnh COVID-19 bùng phát.

Ngành dệt may lao đao vì COVID-19, điểm sáng nào cho nửa cuối năm? - Ảnh 3.

Nguồn: HK tổng hợp.

Với nhóm doanh nghiệp sợi thì quí II và 6 tháng đầu năm, CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Mã: FTM) và CTCP Damsan (Mã: ADS) đều ghi nhận lợi nhuận âm.

Còn Sợi Thế Kỷ dù có lãi nhưng quí II lãi sau thuế chưa tới 3 tỉ, giảm 95% so với cùng kì năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình nhận đơn hàng của công ty bị gián tiếp ảnh hưởng khi một số thị trường lớn như Mỹ và EU vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.

Ngành dệt may lao đao vì COVID-19, điểm sáng nào cho nửa cuối năm? - Ảnh 4.

Nguồn: HK tổng hợp.

So sánh về mức biên lợi nhuận gộp quí II thì CTCP Everpia (Mã: EVE) là đơn vị có biên lợi nhuận gộp cao nhất là 27%. Everpia là doanh nghiệp chuyên sản xuất chăn, ga, đệm, bông tấm, khăn… Trong đó riêng sản phẩm chăn ga đệm đem về khoảng 58% doanh thu cho công ty nửa đầu năm. Everpia nổi tiếng với thương hiệu Everon và các sản phẩm chăn ga gối đệm được xuất khẩu sang Hàn Quốc, UAE, Dubai.

Bên cạnh EVE thì TCM, Tổng công ty May Nhà Bè – CTCP (Mã: MNB), CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) là những doanh nghiệp có biên lợi nhuận trong khoảng từ 16 – 20%.

Xét về qui mô tài sản thì Vinatex đứng đầu và trội hơn hẳn các doanh nghiệp khác khi đạt 18.625 tỉ đồng tại ngày 30/6, sau đó là May Việt Tiến. Vinatex vay nợ nhiều nhất nhưng May Nhà Bè và TNG mới là hai doanh nghiệp có hệ số tổng nợ đi vay/tổng tài sản cao nhất trong nhóm thống kê, xấp xỉ 0,5 lần.

Ngành dệt may lao đao vì COVID-19, điểm sáng nào cho nửa cuối năm? - Ảnh 5.

Nguồn: HK tổng hợp.

Ngành dệt may ngóng EVFTA nhưng vẫn e dè COVID-19

Theo báo cáo của Bộ Công thương thì tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho hai quí cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp. 

Trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp may trong quí II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Vinatex dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14 - 18% so với cùng kì năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỉ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Dù còn nhiều khó khăn, trong báo cáo triển vọng ngành quí III/2020 vừa được công bố, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán BSC nhận định doanh nghiệp dệt may vẫn có những điểm sáng trong nửa cuối năm.

Điểm sáng BSC nêu ra là việc Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả cũng giúp cho nguồn cung nguyên vật liệu ổn định hơn.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020 là điểm tích cực với ngành dệt may.

Hiện tại, thị trường chiếm EU chiếm 10,8% thị phần kim ngạch dệt may và BSC kì vọng kim ngạch sang EU được hưởng lợi theo lộ trình giảm thuế với các mặt hàng dệt may (42,5% mặt hàng giảm về 0% ngay năm đầu tiên).

Bên cạnh điểm sáng thì BSC cho rằng rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp dệt may là việc mất cân đối dòng tiền kinh doanh.

Rủi ro này tăng cao khi quốc gia xuất khẩu tái phong tỏa trong tình hình dịch COVID-19 quay trở lại. Việc tái phong tỏa sẽ khiến các đơn hàng truyền thống đang được sản xuất bị hoãn/hủy như giai đoạn làn sóng COVID-19 lần thứ nhất.

Ngành dệt may lao đao vì COVID-19, điểm sáng nào cho nửa cuối năm? - Ảnh 6.

Nguồn: HK tổng hợp.

Theo thống kê, TNG, May Sông Hồng, Everpia, FTM và Damsan là các doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền thuần từ kinh doanh âm trong 6 tháng đầu năm.

May Sông Hồng ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm tới 387 tỉ do tăng mạnh phải thu còn TNG âm 475 chủ yếu do tăng mạnh khoản phải chi cho người cung cấp hàng hoá dịch vụ và tiền trả cho người lao động.

Một rủi ro khác là các khách hàng gặp khó khăn về vấn đề tài chính phải đệ đơn phá sản như trường hợp của May Sông Hồng. Công ty New York & Co, khách hàng của May Sông Hồng đã đệ đơn phá sản do dịch bệnh. Giá trị phải thu của May Sông Hồng với New York & Co tại ngày 30/6 là 219 tỉ đồng.

Hiện, công ty đang tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục phá sản của toà án Mỹ để thu hồi các khoản phải thu.

Hoàng Kiều

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.