|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đòn đau giáng xuống ngành du lịch, ô tô, dệt may

07:30 | 13/05/2020
Chia sẻ
Không ít doanh nghiệp du lịch, dệt may, da giày, ô tô... đã phải giảm công suất, đóng cửa vì chỉ tập trung vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc.

Dịch bệnh COVID-19 đang phơi bày nhiều vấn đề của nền kinh tế thế giới khi quá lệ thuộc vào Trung Quốc (TQ). Hàng loạt nhà kinh doanh Việt Nam (VN) cũng bị giáng đòn đau khi “bỏ hết trứng vào một giỏ TQ”.

Không kiếm được đồng nào vì mất khách Trung Quốc

Ông Đinh Việt Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH và Dịch vụ du lịch Sài Gòn Hoàn Cầu, cho hay công ty chuyên đón khách du lịch nước ngoài đến VN (Inbound), trong đó khách TQ chiếm đến 80%-90%. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch nên công ty gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, một tháng công ty đón khoảng 3.700 khách TQ. Từ khi dịch xảy ra đến nay, tất cả tour của thị trường này đều đã bị hủy hết. Chính vì vậy, công ty không có nguồn thu nào.

“Trước đây, doanh thu từ thị trường TQ đạt hơn 10 tỉ đồng mỗi tháng, nay thì đã năm tháng trôi qua không có đồng nào, thiệt hại vô cùng lớn. 

Bởi thế, tôi rất đồng tình với quan điểm không bỏ hết trứng vào trong một giỏ mà phải đa dạng thị trường. Càng nhiều thị trường càng tốt, không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường khách du lịch nào” - ông Thanh đúc kết.

Để cụ thể hóa chủ trương trên, hiện nay công ty của ông Thanh đang mở rộng thị trường nội địa trên cơ sở xây dựng các sản phẩm mới mang tính trải nghiệm cho khách hàng. 

“Chúng tôi đa dạng điểm đến ở các vùng miền, tận dụng nguồn tài nguyên du lịch phong phú của Việt Nam nhằm tạo ra sản phẩm mới để phục vụ khách du lịch” - ông Thanh chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho hay khách TQ chiếm khoảng 80% trong cơ cấu thị trường khách quốc tế mà công ty phục vụ. 

Bình quân một năm công ty đón khoảng 4.000-5.000 khách TQ, song từ khi xảy ra dịch đến nay, khách từ thị trường này và các thị trường khác đều không đến khiến doanh thu bằng 0. 

Trong khi đó, một tháng công ty vẫn phải chi ra gần 400 triệu đồng để trả lương cho nhân viên, chi phí mặt bằng, điện, nước.

“Chúng tôi có quỹ dự phòng nên xem đây là chi phí đầu tư để kéo dài hoạt động chờ cho đến khi dịch được kiểm soát hoàn toàn, tái khởi động trở lại” - ông Thành nói.

Trong khi đó, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu và tư vấn giải pháp du lịch Outbox Consulting, phân tích: Nhiều quốc gia đều xem TQ là thị trường mục tiêu quan trọng để thu hút và phục vụ. 

Do đó, không có lý do gì khi VN với lợi thế vị trí địa lý nằm sát cạnh “giỏ hàng” lớn nhất của ngành du lịch thế giới lại từ chối, thậm chí bài trừ thị trường khách này.

Tuy nhiên, ông Phước lưu ý rằng vấn đề của du lịch VN đối với thị trường khách TQ cũng như với các thị trường khác là dường như không có giải pháp hiệu quả trong quản lý mà để cho thị trường khách phát triển một cách tự nhiên theo sự chi phối của một số doanh nghiệp gửi khách. 

Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra rất nhiều hệ lụy trong thời gian qua như tour 0 đồng, tour khép kín, cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Đòn đau giáng xuống ngành du lịch, ô tô, dệt may - Ảnh 1.

Thời gian qua, ô tô là một trong những ngành bị ảnh hưởng tiêu cực do dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc. Ảnh: QH

Nhà máy đóng cửa, công nhân bị sa thải

Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm ngoái ngành dệt may và da giày, túi xách của VN nhập khẩu đến gần 60% nguyên phụ liệu từ thị trường TQ. 

Trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, nhất là sản xuất ô tô tải và xe buýt trong nước hiện nay có đến hơn 70% số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp dựa vào nguồn linh kiện chính từ TQ.

Đáng chú ý, trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mặt hàng khẩu trang được quan tâm nhiều nhất. Thế nhưng màng lọc kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang nhập khẩu từ TQ chiếm đến 70%.

Chính vì thế, ngay khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TQ, các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại nước này tạm thời ngừng hoạt động thì cùng lúc nhiều công ty dệt may, sản xuất khẩu trang, da giày, lắp ráp ô tô... của VN lao đao vì thiếu nguyên liệu.

Đơn cử như Công ty cổ phần Tanaphar chuyên sản xuất khẩu trang tiệt trùng sử dụng cho các cơ sở y tế. Để sản xuất khẩu trang, công ty nhập khẩu vải lọc kháng khuẩn từ TQ. 

Nhưng khi ấy, nguồn nguyên liệu từ TQ không còn nữa do nước này cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu sản xuất khẩu trang, máy móc sản xuất khẩu trang. Không còn cách nào khác, công ty phải tìm nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ.

Tương tự, Tổng giám đốc Công ty TNHH Como - ông Nguyễn Hữu Phúc nhớ lại: Do ảnh hưởng của dịch nên phía đối tác TQ chậm giao hàng, bị vướng mất một, hai tháng. 

“Trước thì lo lắng về nguồn cung nguyên phụ liệu, nay có nguyên liệu để sản xuất thì lại lo lắng về đầu ra sản phẩm” - ông Phúc cho biết.

Gần như tê liệt

Lượng khách du lịch TQ đến Việt Nam riêng trong năm ngoái đạt 5,8 triệu lượt, chiếm gần 32% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Cá biệt có địa phương như Khánh Hòa, lượng khách TQ chiếm tới hơn 60% tổng lượng khách quốc tế.

Nhưng ngay từ đầu năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, các công ty lữ hành chuyên phục vụ khách TQ gần như không kiếm được đồng nào.

Để không còn bị động

Rõ ràng, việc quá tập trung vào một thị trường khó tránh khỏi rủi ro như trong đợt dịch COVID-19 đang xảy ra. 

Ông Đào Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty CP Dệt lụa Nam Định (Nasilkmex), cho biết tại các đơn vị may gia công, nguồn nguyên liệu đầu vào nhập từ thị trường TQ chiếm đến 80%.

“Thực ra, việc quá tập trung vào thị trường TQ là bởi xu hướng cạnh tranh ngày càng mãnh liệt. Khách hàng hướng vào nguồn nguyên liệu từ thị trường TQ vì có giá thành thấp. 

Nhưng sau đợt dịch này, chắc chắn các doanh nghiệp dệt may sẽ tìm thêm các thị trường khác để tránh rủi ro chỉ tập trung một thị trường như hiện nay” - ông Nghĩa nói.

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM về vấn đề đa dạng hóa thị trường, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng các doanh nghiệp cần tìm kiếm các đối tác khác để dự phòng, thay thế dần dần để tránh bị gián đoạn khi một thị trường gặp khó khăn. 

Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều có thể chuyển một chuỗi cung ứng. Đơn cử như thời gian để tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào của các ngành có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao như điện tử hay ô tô thường mất từ ba tháng đến một năm.

“Không chỉ VN mà một số quốc gia khác, kể cả các nước phát triển ở châu Âu cũng phải tìm kiếm thêm các nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào mới để tránh tình trạng bị động” - vị đại diện Cục Công nghiệp nói.

Không nên chạy theo thành tích đón khách Trung Quốc

PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho hay trong khoảng 10 năm trở lại đây, TQ luôn là thị trường khách du lịch quốc tế đứng đầu ở VN.

Một trong những nguyên nhân là do TQ là quốc gia liền kề với VN và nhu cầu về sản phẩm du lịch của khách nước này phù hợp với khả năng cung cấp của nước ta.

Tuy nhiên, hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường từ việc đón khách TQ không được như kỳ vọng, đặc biệt ở những địa phương có các tour du lịch 0 đồng.

Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch phụ thuộc vào thị trường chi phối TQ ngày một tăng, cùng với đó là nguy cơ khủng hoảng khi thị trường này có vấn đề. Sự suy giảm khách TQ gần như về 0 ở VN do đại dịch COVID-19 là một minh chứng.

Nha Trang là một trong những địa phương thu hút rất đông khách Trung Quốc trước khi xảy ra dịch. Ảnh: Tú Uyên

"Cho dù đã có nhiều cảnh báo về việc không để du lịch rơi vào tình trạng phụ thuộc vào một vài thị trường chi phối. Song do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là bệnh thành tích phải thu hút đông khách nên chúng ta vẫn phụ thuộc vào TQ.

Khi thị trường này vỡ bong bóng khiến nhiều công ty phá sản, nhiều người lao động mất việc làm" - PGS-TS Phạm Trung Lương nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng sau đại dịch COVID-19, du lịch VN cần phải thay đổi tư duy. Chẳng hạn kiên quyết nói không với bệnh thành tích để du lịch VN phát triển hài hòa, không bị lệ thuộc vào thị trường chi phối để giảm thiểu rủi ro.

Đồng thời, thực hiện đúng quan điểm của chiến lược phát triển du lịch VN là "phát triển từ diện rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang hiệu quả".

Bên cạnh đó, cần chuyển từ khai thác phân khúc cấp thấp thị trường TQ sang phân khúc cao cấp, có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày, thái độ văn minh và tuân thủ pháp luật VN.

Tú Uyên - An Hiền