|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngấm đòn vì COVID-19 nhưng dệt may chưa phải đóng cửa sản xuất DN nào

13:29 | 09/05/2020
Chia sẻ
Xuất khẩu 4 tháng chỉ đạt 10,7 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng kì 2019. Dù tăng trưởng sụt giảm đáng kể, nhưng mức giảm 6,6% trong 4 tháng qua vẫn thấp hơn các quốc gia xuất khẩu khác, với mức giảm 14-15%.

Tại Hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" diễn ra ngày 9/5, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) thông tin, giống như nhiều ngành sản xuất khác, ngành dệt may đã "ngấm đòn" dịch COVID-19.

Cụ thể xuất khẩu 4 tháng chỉ đạt 10,7 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng kì, thặng dư thương mại 4 tháng đầu năm đạt 5,38 tỉ USD, giảm 3,19%.

Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia xuất khẩu dệt may lớn ngành dệt may vẫn đang nỗ lực cầm cự. Thời gian qua, khó khăn là thế nhưng doanh nghiệp dệt may vẫn chưa phải đóng cửa sản xuất. 

Dù tăng trưởng sụt giảm đáng kể, nhưng mức giảm 6,6% trong 4 tháng qua vẫn thấp hơn các quốc gia xuất khẩu khác, với mức giảm 14-15%.

Đặc biệt, số lượng lao động mất việc làm hiện đang dừng ở mức 20.000 lao động, thay vì mức 40.000 lao động mất việc như dự báo đưa ra từ trước đó.

Ông Lê Tiến Trường cho rằng thành công của giai đoạn phòng chống dịch COVID vừa qua có 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là do sự kiểm soát rất tốt của chính phủ. Thứ hai là Thông tư 01 của Ngân hàng nhà nước mở cửa cho các Ngân hàng thương mại được làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để hỗ trợ, với nhiều chính sách tốt.

Đặc biệt là hệ thống của Vietcombank đồng hành với doanh nghiệp trong giảm lãi suất trực tiếp đối với tất cả các khoản đang vay nợ . 

Đồng thời đi cùng doanh nghiệp để cơ cấu theo doanh nghiệp, theo tính chất, vị trí của họ trong chuỗi cung ứng và khả năng có thể phục hồi. Doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt thì được ngân hàng ưu tiên.

"Chúng tôi cho rằng đây là cách làm rất tốn thời gian của các ngân hàng và đặc biệt Tập đoàn dệt may Việt Nam (VinaTex) không phải là khách hàng lớn của Vietcombank nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đồng hành với chúng tôi", ông Trường nhận định.

Dự báo về tính hình thời gian tới, đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng hành vi tiêu dùng của thế giới chưa biết biến chuyển như thế nào. 

Cầu dệt may chắc chắn sẽ giảm mạnh sau khi dịch bệnh được khống chế, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2020 dự báo có thể giảm 20%.

Theo đó, tại hội nghị, ông Trường nêu hai kiến nghị cho ngành dệt may. Thứ nhất, xin được miễn bảo hiểm xã hội, công đoàn phí từ tháng 5 đến hết tháng 12 năm 2020, bởi đây là chi phí rất lớn của các doanh nghiệp, trong khi còn gặp rất nhiều khó khăn

Thứ hai, kiến nghị phê duyệt và chuẩn bị nhanh các hướng dẫn để EVFTA có hiệu lực, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi.

"Quốc hội phê duyệt nhưng chưa đủ các hướng dẫn, thông tư thì cũng không tận dụng được qui tắc xuất xứ này và không tận dụng được giảm thuế", ông Trường nói.

Tăng trưởng sụt giảm vì COVID-19 nhưng dệt may chưa phải đóng cửa sản xuất DN nào - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" diễn ra ngày 9/5. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước đó, Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Hiệp hội cho biết Chính phủ đã kịp thời ban hàng Nghị quyết 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng giảm giá điện cho một số đối tượng và đã thực hiện từ tháng 4 đến tháng 7/2020.

Theo đó, VITAS đã kiến nghị các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương có hướng dẫn và triển khai đồng bộ để thực hiện Nghị định và chính sách rất thiết thực và kịp thời này.

Ngoài ra hiện nay có nhiều doanh nghiệp nợ đọng thuế, nhưng khó khăn do dịch COVID-19 nên chưa nộp được. Theo qui định của ngành thuế nếu nợ đọng quá 90 ngày thì doanh nghiệp sẽ bị phong tỏa tài khoản ngân hàng và hóa đơn.

Do đó, Hiêp hội đề nghị cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng và khống tính lãi chậm nộp.

Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ cho phép cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giãm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, Hiệp hội kiến nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời để doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.

Đồng thời đề nghị ngân hàng nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng không yêu cầu doanh nghiệp chứng minh trên báo cáo kế toán các ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm suy giảm khả năng trả nợ, vì những tác đọng của dịch đối với doanh nghiệp thực tế hiện hữu. 

Chính sách hỗ trợ là để doanh nghiệp tồn tại, phục hồi sau dịch chứ không nên để doanh nghiệp đóng cửa rồi mới hỗ trợ, Hiệp hội dệt may Việt Nam cho hay.

Ngoài ra theo VITAS cho đến nay các chính sách hỗ trợ lĩnh vục ngân hàng mới chỉ tập trung chó các khoản vay bằng tiền VNĐ, trong khi các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lại có nhu cầu vay vốn bangwb tiền USD rất nhiều.

Do đó Hiệp hội kiến nghị Nhà nước có các chính sách hỗ trợ cho cả khoản vay bằng USD và cho phép doanh nghiệp áp dụng cơ chế vay hoán đổi.

Như Huỳnh