|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinatex: Xuất khẩu dệt may có thể giảm 20% do ảnh hưởng bởi COVID-19

09:15 | 01/05/2020
Chia sẻ
Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự báo quí 2 sẽ là giai đoạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, sau đó giảm dần từ quí 3 và sớm nhất có thể trở lại giao dịch bình thường vào quí 4.
Vinatex: Xuất khẩu dệt may có thể giảm 20% do ảnh hưởng bởi COVID-19 - Ảnh 1.

Ngành dệt may chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành dệt may của Việt Nam trong quý đầu năm. Không chỉ đơn hàng sụt giảm mà hệ lụy kéo theo là doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, từ đó kéo giảm hiệu quả kinh doanh.

Thương hiệu càng cao tỷ lệ cắt giảm càng lớn

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong quý 1/2020 đạt 8,4 tỷ USD, giảm 2,02% so với cùng kỳ 2019. Riêng tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đã chứng kiến mức sụt giảm 7,42%.

Lo ngại hơn, dịch bệnh nếu kéo dài sẽ kéo theo khó khăn của ngành trong nhiều tháng tới, trong đó Vinatex dự kiến quý 2 sẽ là giai đoạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, sau đó giảm dần từ quý 3 và sớm nhất có thể trở lại giao dịch bình thường vào quý 4.

Thông tin thêm, theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện tại tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu và Mỹ dù đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất, song các nước này vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, các cửa hàng bán lẻ chưa được mở cửa cho đến đầu tháng 5, dẫn đến các đơn hàng tiếp tục bị hoãn, trong khi đơn hàng mới giảm mạnh, gần như không có.

“Những đơn hàng bị hoãn phần lớn là cho dịp Xuân-Hè, đúng thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát, dự kiến hết dịch thì thời tiết đã sang Thu nên khả năng cao đơn hàng dừng hoãn sẽ trở thành hủy, thời gian hoãn hợp đồng cũng cũng kéo dài lên đến 3-6 tháng,” ông Hiếu nói.

Theo khảo sát mới nhất của Liên minh các nhà sản xuất dệt may quốc tế, các đơn hàng dệt may trên thế giới ước tính doanh số năm 2020 có thể giảm 29% so với trung bình của năm trước.

Đáng lưu ý, chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến, đánh giá do tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, các đối tác nhập khẩu tại các nước như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…đã giảm lượng lớn các đơn hàng.

Đặc biệt tại 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, EU, Nhật Bản (chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may) do dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, nhiều chỉ tiêu tài chính được dự báo sẽ không được khả quan. Đơn cử, tổng doanh thu đặt ra cho năm nay chỉ đạt 6.300 tỷ đồng (bằng 70% so với thực hiện năm 2019), còn lợi nhuận trước thuế đạt 150 tỷ đồng, bằng 39% so với năm 2019.

- Kim ngạch xuất khẩu dệt may quý 1 giai đoạn 2018-2020:

Đánh giá của Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho thấy gần như 100% các đơn vị trong tập đoàn đã thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5 với tỷ lệ từ 30-70% công suất cũng như phụ thuộc đang làm cho khách hàng nào. Đặc biệt, thương hiệu càng cao tỷ lệ cắt giảm càng lớn.

“Với tình hình này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 thấp hơn năm 2019 khoảng 20%, doanh nghiệp sẽ có tỷ lệ hoạt động cả năm chỉ ở mức 70-75% công suất với giả thiết sản xuất bình thường từ tháng 6, áp lực thiếu hụt đơn hàng quy về tương ứng 2-3 tháng sản xuất,” đại diện Vinatex thông tin thêm.

Chuyển hướng bù đắp phần thiếu hụt

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vì vậy để giảm bớt những tác động xấu từ các thị trường lớn thì việc linh hoạt trong các phương án sản xuất kinh doanh là giải pháp và hướng đi hiệu quả nhất.

Nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy một số cơ hội ở các thị trường ngách như khẩu trang, quần áo bảo hộ chuyên dụng, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu phục vụ xuất khẩu đi thị trường quốc tế.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên trong tháng 4/2020, doanh nghiệp sẽ thiếu hụt gần 30% đơn hàng. Tuy nhiên, việc may khẩu trang hy vọng sẽ bù đắp phần nào.

Vì thế, song song với may khẩu trang vải, May 10 đã quyết định sản xuất khẩu trang y tế và hiện đã nhập máy sản xuất về để lắp đặt.

Hiện có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020). Mặt khác, có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế.

Còn theo ông Trần Việt, Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân, do sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, tự sản xuất được vải nguyên liệu (vải kháng khuẩn đang xuất sang Nhật Bản), nên công ty chớp cơ hội tăng doanh số từ việc may khẩu trang và tăng sản lượng vải cung cấp cho các doanh nghiệp trong ngành để cùng sản xuất mặt hàng này.

Vinatex: Xuất khẩu dệt may có thể giảm 20% do ảnh hưởng bởi COVID-19 - Ảnh 2.

Sản xuất các đơn hàng dệt may phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tính đến giữa tháng 4/2020, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam là gần 416 triệu chiếc, trị giá hơn 63 triệu USD.

Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã cung ứng ra thị trường trong nước khoảng 80 triệu chiếc khẩu trang và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước. Việc sản xuất khẩu trang hiện tại đang giúp Tập đoàn giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đang tìm kiếm giải pháp mới nhằm đẩy nhanh năng suất lao động, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, sắp xếp lại nhân sự cũng như mô hình quản lý, tổ chức sản xuất, cải tiến tiền lương, đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ sản xuất mới…

"Với tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải lao động, tận dụng thời gian để sáng tạo, tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, thay đổi phương thức làm việc hiệu quả hơn, chúng tôi đã chuẩn bị hành trang để sẵn sàng bắt tay vào lao động sản xuất ngay khi tan dịch,” Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Năm 2019 xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng 7,22% so với 2018. Trong số đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là EU đạt 4,4 tỷ USD tăng 2,23%, chiếm 11,28%...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Duy

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.