Xuất nhập khẩu dệt may lao dốc trong 4 tháng đầu năm 2020
Số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm 2020 đạt 17,04 tỉ USD.
Trong đó, xuất khẩu đạt 10,64 tỉ USD, giảm 6,6%, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 6,4 tỉ USD, giảm gần 9% so với cùng kì năm 2019. Giá trị thặng dư thương mại đạt 5,38 tỉ USD, giảm 3,19% so với 4 tháng đầu năm 2019.
Trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của ngành dệt may, giảm sâu nhất là mặt hàng vải không dệt giảm hơn 22%, chỉ đạt 162 triệu USD và xơ sợi với mức giảm gần 12%, đạt 1,18 tỉ USD.
Nhóm hàng dệt may đạt 6,269 tỉ USD, giảm gần 6%, xuất khẩu các loại nguyên phụ liệu cũng giảm 6,02%, đạt 354 triệu USD
Ở chiều nhập khẩu, nhóm hàng vải giảm mạnh nhất gần 11%, giá trị đạt hơn 3,63 tỉ USD, bông nguyên liệu cũng giảm 8%, trị giá 893 triệu USD.
Theo Bộ Công Thương trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Đông chưa được kiểm soát, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng tiêu dùng như: dệt may và giày dép, đồ gỗ… tại nhiều thị trường giảm.
Hiện tại, xu hướng chính của các đối tác nhập khẩu của Việt Nam thông báo là là hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm thời chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian đàm phán cho các đơn hàng cuối năm).
Nguyên nhân chủ yếu được các nhà nhập khẩu vận dụng điều khoản Bất khả kháng (Force Majeure) khi nhiều nước yêu cầu đóng cửa các thành phố, thậm chí toàn quốc, người dân được yêu cầu ở nhà.
Chính lí do này, đã khiến các mặt hàng đang hứng chịu tác động kép từ dịch COVID-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.