|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp du lịch: Cần được vay vốn sớm để phục hồi

13:17 | 27/04/2020
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch dự kiến sẽ không có doanh thu trong quí II/2020. Vì vậy, mong muốn của họ là có được khoản vay hỗ trợ sớm từ Chính phủ để nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.

Trong 3 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh hưởng của dịch Covid - 19 khiến ngành du lịch "đóng băng", ước tính thiệt hại tới 7 tỷ USD.

Doanh nghiệp du lịch: Cần được vay vốn sớm để phục hồi  - Ảnh 1.

Dự báo quý III/2020 hoặc đến năm 2021, kinh doanh du lịch mới có thể phục hồi

Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) - cho biết, trước tình hình “tê liệt” như hiện nay của ngành du lịch, TAB và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng) quyết định khảo sát các DN du lịch trong cả nước về những khó khăn, các thách thức của đại dịch Covid - 19, từ ngày 13-17/4, nhằm cập nhật tình hình kinh doanh của ngành, để báo cáo Chính phủ.

Theo đó, DN được khảo sát cung cấp thông tin về ngành nghề kinh doanh, doanh thu, số lượng nhân viên, những thay đổi về chính sách tài chính trong đại dịch, mức độ quan tâm đến khoản vay từ Chính phủ để hỗ trợ duy trì hoạt động... Bên cạnh đó, DN cũng chia sẻ một số giải pháp tích cực để duy trì và thúc đẩy hiệu quả công việc trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, qua đó xây dựng đề xuất giải pháp thực hiện 3 mục tiêu: Kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát suy thoái và kiểm soát thất nghiệp lên Chính phủ.

Cuộc khảo sát thực hiện trong một hoàn cảnh chưa có tiền lệ, vì vậy nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của DN. Giai đoạn đầu thực hiện đã có 394 DN tham gia khảo sát, bao gồm 51% DN lữ hành, 15% là khách sạn và 14% là DN vận tải; 92% DN trong số đó là DN nhỏ và vừa, có số lượng nhân viên dưới 100 người. Kết quả cho thấy, để “sống sót” sau đại dịch, 65,7% DN đã phải cắt giảm hơn 50% số lượng nhân viên, gần 20% DN cắt giảm toàn bộ nhân viên, 75% DN đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho nhân viên bị nghỉ việc, 8,9% DN chọn phương án cực đoan hơn là đóng cửa kinh doanh…

Mặc dù hoạt động bị đình trệ, ngay cả khi không có doanh thu hoặc doanh thu thấp hơn so với kinh doanh bình thường, song DN vẫn phải thực hiện chi phí phát sinh, như: Chi phí cho vệ sinh và khử trùng, tiền thuê nhà, tiền lương, lãi vay ngân hàng phát sinh. Với thực tế đó, ông Hoàng Nhân Chính cho biết, trong số các phản hồi nhận được, 71% DN cho biết doanh thu của họ trong quý I/2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, 77% DN dự kiến doanh thu quý II sẽ giảm hơn 80% so với quý II/2019. Doanh thu giảm sâu, gần 90% DN quan tâm tới việc nhận được một khoản vay từ Chính phủ để phục hồi kinh doanh sau dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng đã nhận được dự báo về các yếu tố sẽ thay đổi so với thời điểm trước đại dịch. Theo đại diện TAB, 70,3% DN cho rằng thay đổi về lao động, 80% DN đề cập về cơ cấu khách hàng, 50% về cơ cấu dịch vụ. Qua số liệu này cho thấy, sau đại dịch ngành du lịch cần phải cơ cấu lại mạnh mẽ để phát triển, ưu tiên cơ cấu lại DN (về số lượng nhân viên, về loại hình dịch vụ) và cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm soát chi phí, hỗ trợ của nhà nước trong việc giảm hoặc cho phép trả chậm thuế, trích nộp bảo hiểm; hỗ trợ tín dụng giúp DN vay vốn lưu động...

82,7% DN nhận định thời điểm hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường vào đầu quý III/2020, thậm chí 41,1% DN dự đoán phải đến năm sau mới có thể phục hồi trở lại.

Hoa Quỳnh