FTM lỗ quí thứ 6 liên tiếp, cạn tiền và gánh hơn 800 tỉ đồng nợ ngân hàng
CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex – Mã: FTM) đã công bố báo cáo tài chính quí II/2020.
Quí II, FTM đạt hơn 8 tỉ đồng doanh thu, giảm 96% so với cùng kì năm 2019. Thu không bù chi khiến doanh nghiệp báo lỗ gộp 1,4 tỉ đồng.
Trong cơ cấu chi phí thì chi phí lãi vay chiếm tỉ trọng lớn nhất với 27 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với quí I và cùng kì 2019 do doanh nghiệp đẩy mạnh vay nợ.
Đáng lưu ý trong quí II chi phí khác của doanh nghiệp ghi nhận hơn 23 tỉ đồng, cụ thể là chi phí dừng sản xuất. Trong báo cáo tài chính quí I, FTM cũng ghi nhận 23,5 tỉ đồng chi phí sản xuất dưới định mức. Chi phí chồng chi phí, hết quí II FTM lỗ gần 57 tỉ đồng.
6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt gần 40 tỉ đồng doanh thu, giảm 91% và lỗ 101 tỉ đồng, tăng so với con số lỗ 31 tỉ cùng kì năm 2019.
Năm 2020, FTM đặt mục tiêu 799 tỉ đồng doanh thu, gần 5 tỉ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau nửa năm, FTM mới chỉ thực hiện được 5% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.
Đây là quí thứ 6 lỗ liên tiếp của FTM. Doanh nghiệp bắt đầu lỗ từ quí I/2019, trước đó quí IV/2018 lợi nhuận của FTM chỉ vẻn vẹn 38 triệu đồng.
FTM lỗ từ đầu năm 2019 là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc thận trọng, kìm hãm sản xuất vải e ngại việc áp thuế trong khi 70% lượng sợi của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc, giá xuất khẩu lại giảm mạnh do Trung Quốc phá giá nhân dân tệ khiến FTM rơi vào thua lỗ.
Ông Đỗ Văn Sinh, Tổng giám đốc FTM từng chia sẻ thua lỗ là vậy, nhưng Fortex không thể dừng sản xuất bởi khi đó tình hình thậm chí có thể tồi tệ hơn.
"Nếu dừng lại, doanh nghiệp không có dòng tiền, hơn nữa là hơn 1.000 công nhân sẽ thất nghiệp, chưa kể sẽ mất khách hàng…".
Việc thua lỗ của FTM đã tiếp diễn 6 quí qua và ngày càng gia tăng. Chưa kể đến đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp xuất khẩu. Tới hết quí II, FTM lỗ luỹ kế gần 98 tỉ đồng.
Tại ngày 30/6 tổng tài sản của FTM là 1.543 tỉ đồng, không có biến động quá lớn so với đầu quí.
Đáng lưu ý, khoảng tiền, tương đương tiền ghi nhận chỉ còn 4,4 tỉ đồng tại ngày 30/6, giảm 3 tỉ so với ngày 31/3. Đầu năm 2019, khoản tiền và tương đương tiền của FTM còn gần 122 tỉ đồng, nhưng sau đó ngày càng cạn kiệt. Khoản phải thu khách hàng chiếm một nửa trong cơ cấu tài sản với 792 tỉ đồng hết quí II.
Dù đẩy mạnh vay nợ nhưng tại ngày 30/6 FTM cho CTCP Tập đoàn Đại Cường, CTCP Bất động sản New City vay tới gần 110 tỉ đồng, trong đó Đại Cường vay 98 tỉ đồng. Các khoản cho vay này đều không có tài sản đảm bảo.
Tập đoàn Đại Cường có mối liên hệ chặt chẽ với cựu Chủ tịch FTM là ông Lê Mạnh Thường. Ông Thường là cổ đông sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc nắm 47,9% vốn Đại Cường trước khi thoái vốn vào thời điểm 21/2/2017. Ngay sau khi thoái vốn ông không còn giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn.
Hết quí II, FTM nợ ngân hàng tổng cộng 809 tỉ đồng, gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm hơn nửa cơ cấu nguồn vốn.
Không chỉ kết quả kinh doanh lao dốc mà cựu Chủ tịch của FTM là ông Thường còn dính vào nghi án thao túng giá cổ phiếu FTM trong đợt tăng nóng 65% trước khi đổ đèo và bị 11 công ty chứng khoán, 1 ngân hàng liên quan tố cáo vào tháng 9/2019.
Các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay cầm cố cổ phiếu FTM đã không thể bán giải chấp thu hồi vốn dẫn đến thiệt hại ước tính lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất vốn đến 80 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Tuy nhiên cho tới hiện tại là 10 tháng thì phía Uỷ ban và HOSE vẫn chưa đưa ra được kết luận điều tra.
Thông tin mới nhất liên quan tới vụ thao túng giá cổ phiếu FTM là Uỷ ban Chứng khoán đã xử phạt Chứng khoán KB Việt Nam do không lưu giữ đầy đủ bằng chứng chứng minh việc đặt lệnh giao dịch thỏa thuận cổ phiếu FTM trong giai đoạn từ ngày 2/1/2019 đến ngày 30/8/2019 của hai tài khoản giao dịch chứng khoán.