Top10 cổ phiếu tăng giảm mạnh nhất năm 2019: Xuất hiện cơ hội tăng 77 lần tài khoản, nguy cơ cháy tài khoản với FTM, YEG, ROS, thậm chí CTD, FRT
Đóng cửa năm 2019, VN-Index ở 960,99 điểm, tăng 7,67% so với cuối năm 2018; UPCoM-Index tăng 7,08% lên 56,56 điểm; trong khi đó HNX-Index chứng kiến năm 2019 kém sắc khi giảm 1,65% xuống 102,51 điểm.
Trong bối cảnh biến động mạnh, thị trường vẫn xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư khiến tài khoản nhà đầu tư có thể tăng bằng lần. Tuy nhiên, không ít cổ phiếu khiến NĐT đứng trước nguy cơ cháy tài khoản. Dưới đây là Top10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất năm 2019 trên hai sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM.
HOSE: Hai mã penny dẫn đầu chiều tăng, nhà đầu tư "cháy tài khoản" với FTM, YEG thậm chí CTD, FRT
Thống kê trên sàn HOSE, hai cổ phiếu penny là FIT và CCL dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá, lần lượt đạt hiệu suất 294,53% và 202,72%. Cổ phiếu CCL của Dược Cửu Long - công ty con của Tập đoàn FIT (Mã: FIT) đứng thứ ba về tỉ lệ tăng giá với 199,47% trong năm 2019.
Trong năm qua, một số cổ phiếu thị giá nhỏ khác cũng "dậy sóng", tăng giá bằng lần như TSC (138,76%), IJC (129,65%) và NAV (95,9%).
Với "sóng" cổ phiếu khu công nghiệp, cổ phiếu D2D của Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 cũng nằm trong nhóm 10 mã tăng giá mạnh nhất sàn HOSE với 132,71%. Đóng cửa phiên 31/12, giá cổ phiếu này ở 79.000 đồng/cp.
Top10 mã tăng giá mạnh nhất sàn HOSE còn có các cổ phiếu khác như NHH (tăng 168,68%), HOT (149,08%) và TNA (114,73%).
Chiều ngược lại, cổ phiếu FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân dẫn đầu về tỉ lệ giảm giá. Theo đó, cổ phiếu này đã mất 88,1% giá trị trong năm vừa qua, xuống còn 1.940 đồng/cp. Cùng kịch bản lao dốc hàng chục phiên giảm sàn như FTM, mã TTB của Tập đoàn Tiến Bộ cũng giảm 80,68% trong năm 2019.
Đứng thứ hai trong nhóm giảm giá mạnh nhất sàn HOSE là mã YEG của Tập đoàn Yeah1. Giá cổ phiếu này giảm từ 235.000 đồng/cp xuống còn 37.000 đồng/cp, mất giá 84,26% năm vừa qua do dình lùm xùm với đối tác Youtube.
Đáng chú ý, năm 2019 chứng kiến đà lao dốc của hàng loạt cổ phiếu lớn trong ngành xây dựng như CTD, HBC. Cổ phiếu CTD của Coteccons giảm 66,91% trong vừa qua, xuống còn 51.300 đồng/cp. Mã ROS của Xây dựng FLC Faros cũng giảm 55,3%, còn 17.300 đồng/cp.
Top 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HOSE năm 2019 ghi nhận các trường hợp khác như SJF (giảm 74,8%), YBM (69,42%), FRT (65,7%), DRH (60,98%) và ATG (59,24%).
HNX: MBG liên tục giảm sàn vẫn dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá
Trên sàn HNX, cổ phiếu MBG của Tập đoàn MBG dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá với 412,5. Theo đó, giá cổ phiếu này tăng từ 4.000 đồng/cp lên 20.500 đồng/cp. Trong những phiên giao dịch cuối năm 2019, cổ phiếu MBG liên tục giảm sàn.
Bên cạnh đó, sàn này còn chứng kiến hàng loạt cổ phiếu penny tăng giá mạnh trong năm vừa qua như LM7 (tăng 254,29%), TIG (200,84%), VCR (179,07%), PPP (154,37%), TBX (150%) và L35 (139,13%).
Nhóm 10 mã tăng giá mạnh nhất sàn HNX ghi nhận một số cái tên khác trong nhóm vốn hóa trung bình, đơn cử VCM, PBE và HLY. Tuy nhiên, đây là các mã có thanh khoản rất thấp, không được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Chiều ngược lại, cổ phiếu TKC của Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ dẫn đầu về tỉ lệ giảm giá. Cụ thể, giá cổ phiếu TKC giảm từ mức gần 30.000 đồng/cp xuống còn 3.400 đồng/cp, tương dương tỉ lệ mất giá 88,62%. Đây là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên thị trường năm vừa qua.
Trong Top10 về giảm giá trên HNX, hai mã HVA và TTZ giảm lần lượt 71,43% và 70,59% năm vừa qua. Các cổ phiếu penny khác mất giá trên 50% như DPS, DST và UNI.
UPCoM: Xuất hiện cơ hội nhân 77 lần tài khoản năm 2019
Thống kê trên thị trường UPCoM, cổ phiếu VNX của Quảng cáo và Hội chợ Thương mại dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá với 7.617,24% trong năm 2019. Giá cổ phiếu này tăng từ mức gần 800 đồng/cp lên 60.000 đồng/cp. Nếu NĐT sở hữu mã này, tài khoản có thể tăng 77 lần trong vòng một năm. Đây cũng là mã tăng giá mạnh nhất thị trường năm qua.
Đứng sau VNX, cổ phiếu HCS của Thông tin Tín hiệu Đường sắt Hà Nội tăng gần 16 lần trong năm 2019. Từ mức giá 6.735 đồng/cp, mã HCS đóng cửa năm ở 107.600 đồng/cp.
Ngoài ra, thị trường UPCoM còn ghi nhận một số trường hợp đạt mức tăng giá trên 200 - 600% như DTN, HCI, KSE, VIM, TVM, SCC, TTJ và BTH.
Chiều giảm giá, cổ phiếu BLN của Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh dẫn đầu với 82,48%. Hai cổ phiếu DCR và CTN theo sau với tỉ lệ giảm lần lượt là 82,29% và 80%.
Các cổ phiếu khác trong nhóm 10 mã giảm giá mạnh nhất thị trường UPCoM ghi nhận tỉ lệ mất giá 70 - 80% như KSH, HBW, KIP, HAF, PIV, C12 và VVN.