|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu FTM lao dốc: Agriseco nhận thế chấp giá 7.000 đồng/cp, hé lộ khoản khó đòi trên BCTC của Chứng khoán Rồng Việt

09:21 | 24/10/2019
Chia sẻ
Khác với sự im lặng từ các công ty chứng khoán khi cổ phiếu FTM lao đốc, BCTC quí III của Agriseco thể hiện rõ đang nhận thế chấp cổ phiếu FTM với giá gần 7.000 đồng/cp. Trong khi đó, BCTC của Chứng khoán Rồng Việt quí này xuất hiện thêm 4 cá nhân trong danh sách phải thu khó đòi trùng tên với tên cổ đông lớn của Fortex.

Đang mắc kẹt với CDO và FID, Agriseco nhận tài sản thế chấp cổ phiếu FTM với giá gần 7.000 đồng/cp

Hơn hai tháng trôi qua, câu chuyện cổ phiếu FTM "đổ đèo" cùng với lùm xùm liên quan đến việc cầm cố cổ phiếu và cấp margin của các công ty chứng khoán vẫn là chủ đề hấp dẫn giới đầu tư. Được biết, chuỗi giảm sàn trong gần 30 phiên của cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) đã lấy đi gần 90% thị giá của mã này trên sàn.

Tại thời điểm cổ phiếu FTM lao dốc, người viết theo dõi sát những diễn biến giá và những thông tin được phát đi từ các bên liên quan. Dường như các công ty chứng khoán được đồn đoán là có liên quan đến việc cầm cố hay cấp margin cho cổ phiếu FTm lại lựa chọn quyền im lặng trong cơn bão giảm giá.

Tuy nhiên, khi báo cáo tài chính quí III của các công ty chứng khoán được công bố, những vấn đề liên quan đến việc đánh giá lại tài sản, trích lập dự phòng trong hoạt động cho vay, cầm cố đối với cổ phiếu FTM dần được hé lộ.

AGR

Chứng khoán Agribank cầm cố cổ phiếu FTM với giá gần 7.000 đồng/cp. Nguồn: BCTC Agriseco

Thể hiện rõ nhất khoản cầm cố cổ phiếu FTM, trên báo cáo tài chính quí III của CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco, Mã: AGR) cho biết đơn vị này đang nhận tài sản thế chấp gần 2,4 triệu cổ phiếu FTM của Fortex, với giá trị 16,53 tỉ đồng. Với giá trị trên, Agriseco đang nhận thế chấp cổ phiếu FTM với giá gần 7.000 đồng/cp.

Ghi nhận tại ngày 30/9, giá cổ phiếu FTM ở mức 3.180 đồng/cp. Theo đó, công ty chứng khoán này đang đánh giá lại với mức giảm giá trị tài sản thế chấp hơn 9 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trên báo cáo tài chính của Agriseco cho thấy, không chỉ với mã FTM, công ty này hiện còn mắc kẹt với khoản cho vay với tài sản thế chấp là 790.540 cổ phiếu CDO với giá 9.611 đồng/cp. Mã này cũng từng ghi nhận chuỗi giảm sàn dài nhất trên TTCK Việt Nam với 34 phiên giảm sàn liên tiếp, khiến giá cổ phiếu giảm từ 35.000 đồng/cp xuống còn 1.000 đồng/cp tại ngày 30/9. 

Liên quan đến cú "đổ đèo" của cổ phiếu CDO,  nguyên Giám đốc của Chứng khoán Đông Á - ông Nguyễn Văn Giang bị khởi tố về tội thao túng giá chứng khoán. Cùng với đó, từ việc giao dịch trên sàn HOSE với hàng trăm nghìn đơn vị mỗi phiên, hiện cổ phiếu CDO hủy niêm yết trên sàn này và giao dịch trên thị trường UPCoM với khối lượng giao dịch vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên. 

AGR3

Nguồn: BCTC Agriseco

Với việc đánh giá giảm giá trị tài sản thế chấp với các cổ phiếu FTM, FDI và CDO. Dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính và tài sản thế chấp của Agriseco - các khoản cho vay margin của Agriseco tăng từ 7,35 tỉ đồng tại đầu kì lên gần 16,4 tỉ đồng tại thời điểm 30/9.

BCTC của Chứng khoán Rồng Việt xuất hiện nhiều cái tên giống với tên cổ đông lớn của Fortex

Không thể hiện rõ ràng như Agriseco, báo cáo tài chính quí III của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, Mã: VDS) lại bất ngờ xuất hiện những cái tên khiến giới đầu tư gợi nhớ đến những cổ đông lớn nắm giữ cổ phiếu FTM của Fortex.

VDSC3

Nguồn: BCTC quí III của Chứng khoán Rồng Việt

Cụ thể, trên báo cáo tài chính được Chứng khoán Rồng Việt công bố trước đó, giá trị phải thu khó đòi của công ty chứng khoán này tăng từ 27,3 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2018 lên 52,9 tỉ đồng tại ngày 30/9/2019.

Nguyên nhân của việc gia tăng khoản dự phòng trên là Chứng khoán Rồng Việt xuất hiện thêm 4 cá nhân mới trong danh sách những khách hàng có khoản phải thu khó đòi đó là Lê Quốc Quân (5,115 tỉ đồng), Nguyễn Thị Ngọc Huyền (8,24 tỉ đồng), Nguyễn Thanh Hà (5,28 tỉ đồng) và Nguyễn Chí Cường (6,97 tỉ đồng).

Đáng chú ý, cả 4 cá nhân này đều trùng tên với 4 cổ đông lớn của Fortex. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền mua vào 58.110 cp ngày 3/12/2018 và trở thành cổ đông lớn sở hữu 5,01% vốn điều lệ của Fortex. Sau thời điểm đó, bà Huyền chưa có thông báo về thay đổi tỉ lệ sở hữu tại công ty.

Thời điểm sau đó, ngày 8/4, cổ đông Nguyễn Thanh Hà công bố mua vào 46.270 cp, nâng tỉ lệ nắm giữ lên 5,07% vốn điều lệ của Fortex và trở thành cổ đông lớn của công ty. Từ đó đến hiện tại, cổ đông này chưa có giao dịch được công bố đối với cổ phiếu FTM.

Khác với hai cổ đông trên, ông Lê Quốc Quân và Nguyễn Chí Cường liên tục có những giao dịch cổ phiếu FTM. Gần đây nhất, vào ngày 27/9, ông Nguyễn Chí Cường bán ra gần 2,4 triệu cổ phiếu FTM, giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 5,89%.

Với việc phát sinh khoản thu khó đòi gần 25,6 tỉ đồng với 4 cá nhân trên, Chứng khoán Rồng Việt trích lập 6 tỉ đồng với các khoản phải thu khó đòi này trong quí III. 

Việc trích lập dự phòng với những khoản cho vay với các cổ đông trùng với tên cổ đông lớn của Fortex phát sinh sau thời điểm cổ phiếu FTM liên tục lao dốc khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc công ty chứng khoán này có liên quan đến các khoản cho vay bằng việc thế chấp cổ phiếu FTM.

Cho đến nay, vẫn chưa có một thông tin chính thức nào từ các bên. Tuy nhiên, trên website của Chứng khoán Rồng Việt, một bản báo cáo tài chính khác được công bố. Tại bản cập nhật mới nhất, chi tiết các khoản dự phòng hay phải thu khó đòi không còn được chi tiết như những gì mà báo cáo tài chính công bố trước đó thể hiện.

VDSC4

Báo cáo tài chính mới được công bố trên Website của Chứng khoán Rồng Việt. Nguồn: VDSC

Phan Quân

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.