|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phủ nhận cáo buộc thao túng cổ phiếu FTM, ông Lê Mạnh Thường nói muốn quay lại ghế Chủ tịch Fortex

10:22 | 21/09/2019
Chia sẻ
Ông Lê Mạnh Thường - cựu Chủ tịch Fortex phủ nhận việc tham gia thao túng cổ phiếu FTM và đề cập khả năng ông sớm quay lại làm Chủ tịch HĐQT để giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) thu hút được nhiều sự chú ý của giới đầu tư trong thời gian qua khi giảm sàn 26 phiên liên tiếp từ 15/8 đến 20/9.

Xuất phát từ một tài liệu được cho là biên bản cuộc họp của đại diện các công ty chứng khoán bị thiệt hại vì cổ phiếu FTM, trên thị trường xuất hiện thông tin cổ phiếu FTM bị thao túng và người đứng sau là ông Lê Mạnh Thường – cựu Chủ tịch của Fortex.

Ông Thường còn là người sáng lập và hiện vẫn là cổ đông lớn sở hữu hơn 10% cổ phần tại công ty. Tính cả những người trong gia đình ông Thường, tỉ lệ sở hữu khoảng 40%.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Lê Mạnh Thường để trao đổi về diễn biến giá cổ phiếu FTM, vai trò của ông Thường trong các giao dịch bị nghi vấn, cũng như hoạt động của công ty Fortex.

img20171215093907446

Ông Lê Mạnh Thường - Người sáng lập và Cựu Chủ tịch Fortex. Ảnh: Fortex.

"Tôi đang xem xét quay lại vị trí Chủ tịch Fortex"

Cảm ơn ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn. Thời gian qua giá cổ phiếu FTM giảm sàn hơn 20 phiên liên tiếp từ vùng giá 25.000 đồng/cp xuống dưới mức 4.000 đồng. Theo đánh giá của ông, nguyên nhân là gì?

Ông Lê Mạnh Thường: Tôi nghĩ có một phần là do hoạt động của công ty đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như biến động của tỉ giá.

Ông có thể nói rõ hơn về ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung đối với Fortex?

Sản phẩm chính của công ty là sợi cotton chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm tới khoảng 90% doanh thu. Khoảng 10% còn lại chúng tôi xuất khẩu sang Hàn Quốc, Thái Lan và có một phần tiêu thụ trong nước.

Khi đồng nhân dân tệ mất giá, giá xuất khẩu sợi qua Trung Quốc bị giảm, tính theo USD. Cụ thể, nửa đầu năm 2018 giá sợi ở mức trên 3 USD/kg nhưng đến nay chỉ còn khoảng 2,2 - 2,35 USD.

Ngoài ra, các sản phẩm thành phẩm từ bông sợi cotton của Trung Quốc khi xuất khẩu sang Mỹ cũng bị tăng thuế, nên sản lượng xuất khẩu giảm. Điều này cũng ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Fortex, tồn kho tăng.

Kế đó là việc cổ phiếu FTM bị Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa vào danh sách không được giao dịch kí quĩ, các công ty chứng khoán cắt margin do lỗ liên tiếp 2 quí.

Fortex thời gian gần đây có một số thay đổi về lãnh đạo cấp cao. Đầu tiên là bản thân ông từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau đó ngày 16/9 vừa qua, người kế nhiệm ông là ông Nguyễn Hoàng Giang cũng từ chức giữa lúc giá cổ phiếu 'nằm sàn' liên tục. Lí do đằng sau là gì thưa ông?

Tháng 4 năm nay tôi từ nhiệm Chủ tịch công ty vì lí do thời gian và công việc cá nhân. Tôi sống ở TP HCM trong khi công ty ở ngoài Bắc, đi lại khá vất vả. Hơn nữa, các cộng sự cũng đã đảm đương được công việc điều hành, nên tôi muốn giao lại công việc này.

Còn việc ông Nguyễn Hoàng Giang mới từ chức Chủ tịch Fortex, tôi được biết là ngoài Fortex, ông Giang còn làm việc tại một doanh nghiệp khác. Nếu ông Giang tiếp tục làm Chủ tịch Fortex trong bối cảnh có thông tin xấu thì không thể tiếp tục quan hệ lao động với doanh nghiệp đó vì họ lo sợ ảnh hưởng lan truyền. Do đó ông Giang từ nhiệm tại Fortex vì lựa chọn cá nhân.

Hiện nay tôi vẫn là cổ đông lớn và là cổ đông sáng lập. Tôi đang xem xét việc quay lại vị trí Chủ tịch HĐQT để cùng Fortex vượt qua khó khăn.

Ông dự kiến bao giờ làm việc này?

Tôi nghĩ cũng sớm thôi. Công ty có thể tổ chức đại hội cổ đông bất thường trong thời gian tới để thực hiện việc này. Fortex như là con đẻ của tôi, do tôi gây dựng nên. Thái Bình [nơi Fortex đặt trụ sở] là quê hương của tôi nên tôi không thể bỏ mặc công ty được.

Nếu quay lại làm Chủ tịch, ông dự định làm gì để cải thiện hoạt động công ty?

Hiện tại còn quá sớm để nói về việc đó, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ có biện pháp cụ thể để tái cấu trúc công ty. Chẳng hạn chúng tôi có thể sản xuất những đơn hàng mang lại dòng tiền nhanh như các loại sợi khác ngoài sợi cotton.

Fortex là công ty làm thật ăn thật, sản xuất mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên nói chung không đáng ngại.

Sắp tới sẽ có đoàn đối tác Trung Quốc sang khảo sát để tiếp tục mở rộng hợp tác với Fortex. Ngoài ra, hiện nay dù tôi không phải là Chủ tịch nhưng thời gian qua tôi vẫn tích cực hỗ trợ Fortex tìm kiếm các thị trường mới để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Quí I/2019, Fortex lỗ sau thuế 14,4 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước vẫn có lãi 11,3 tỉ đồng. Doanh thu giảm gần 60 tỉ đồng (19,5%) xuống còn 245 tỉ đồng. Theo giải trình của công ty, kết quả kinh doanh sa sút là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm cho sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh.

Sang quí II, công ty tiếp tục thua lỗ. Lũy kế nửa đầu năm nay, công ty lỗ sau thuế 31 tỉ đồng, trong khi nửa đầu năm 2018 vẫn có lãi 25 tỉ đồng.

Ngày 16/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đưa cổ phiếu FTM của Fortex vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch kí quĩ.

Tổng tài sản của Fortex thời điểm 30/6 là 1.728 tỉ đồng, nợ phải trả là 1.178 tỉ đồng - tương đương 68,2%. Giá trị tài sản ngắn hạn là 1.023 tỉ đồng, trong đó các khoản phải thu là 641 tỉ đồng.

"Cáo buộc thao túng cổ phiếu chỉ là tin đồn"

Mới đây có cáo buộc đích danh rằng ông Lê Mạnh Thường là người đứng sau thao túng giá cổ phiếu FTM, cá nhân ông có bình luận gì về điều này?

Tôi có nghe tin đồn này nhưng tôi cũng chưa nhận được thông tin chính thức đơn vị nào tố cáo cả, cũng không thấy có bằng chứng nào. Tất cả chỉ là tin đồn. Tôi khẳng định là tôi không tham gia thao túng cổ phiếu FTM, không tham gia trực tiếp mà cũng không ủy quyền cho ai làm.

Thế còn nhóm cổ đông quê Thái Bình được cho là có quan hệ chặt chẽ với ông và đứng tên cổ đông dùm ông thì sao?

Tôi có xem những thông tin đó. Họ là những cán bộ công nhân viên đang làm việc hoặc đã nghỉ tại Fortex. Họ là cổ đông qua các đợt ESOP của Fortex, chứ không phải đứng tên dùm ai.

Cổ phiếu FTM giảm sàn liên tục 26 phiên, từ 15/8 đến 20/9. Thanh khoản của cổ phiếu trong giai đoạn "nằm sàn" này cũng gần như biến mất, trong khi trước đó mỗi phiên đều có 1 triệu đơn vị được khớp lệnh.

ftm

Diễn biến giá cổ phiếu FTM từ đầu năm đến nay. Nguồn: VNDirect.

Ngày 18/9, báo Đầu tư Chứng khoán dẫn nguồn tin riêng cho biết có 11 công ty chứng khoán và một ngân hàng bị thiệt hại vì diễn biến nói trên của cổ phiếu FTM.

Ngày 4/9, đại diện 12 tổ chức trên đã nhóm họp và đưa ra nhận định: Cổ phiếu FTM có nhiều dấu hiệu bị thao túng giá bởi cổ đông lớn Lê Mạnh Thường (Cựu Chủ tịch HĐQT công ty Fortex, đã từ nhiệm từ tháng 4/2019) và các cá nhân là các chủ tài khoản tại 13 công ty chứng khoán.

Vẫn theo báo Đầu tư Chứng khoán, các CTCK cho rằng các cá nhân mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường, hầu hết các chủ tài khoản nêu trên đều có địa chỉ cư trú tại Thái Bình và có liên quan trực tiếp tới ông Lê Mạnh Thường, cụ thể là người thân, bạn bè, nhân viên, người lao động tại FTM.

Thông tin này có hẳn là tin đồn không, khi xuất một biên bản họp ngày 4/9, được cho là giữa các công ty chứng khoán đang thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng vì cổ phiếu FTM mất thanh khoản? Trong văn bản đó có xác nhận việc chúng tôi vừa hỏi.

Tôi có nhìn qua biên bản này, những người tham dự họp chỉ là các nhân viên, không có quyền đại diện cho công ty chứng khoán, biên bản không được đóng dấu công ty. Tôi chỉ làm việc với các Chủ tịch hoặc Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của các công ty chứng khoán.

Tôi đang xem xét biện pháp pháp lí một số cá nhân mượn danh tổ chức để đưa các thông tin sai, qui chụp. Đồng thời, tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ bản chất sự việc.

Khi ông làm việc với lãnh đạo các công ty chứng khoán, họ có trao đổi với ông về việc này không?

Không ai đặt vấn đề này. Hiện chúng tôi đang bàn các giải pháp để hạn chế thiệt hại cho các bên liên quan, nhưng đến nay chưa đưa ra được hướng giải quyết chung.

Những khó khăn của Fortex đã có thể được tiên lượng khi quí I/2019 công ty báo lỗ và tình hình thương chiến, thị trường sợi không khả quan. Nhưng các công ty chứng khoán vẫn cấp margin khá lớn cho FTM. Liệu có gì đó khác thường ở đây?

Tôi không đi xin margin và cũng không tham gia giao dịch nên tôi không rõ điểm này. Nhưng tôi nghĩ mỗi công ty đều có qui trình đánh giá và thẩm định, quản trị rủi ro riêng khi ra quyết định.

Văn bản ngày 4/9 cũng chỉ rõ tên một công ty thứ ba tổ chức mở tài khoản, mua bán cổ phiếu FTM để thao túng giá. Ông có quan hệ gì với công ty này?

Tôi không có quan hệ gì với công ty này.

Còn các cổ đông được cho là thân thiết với ông thì sao?

Tôi có nghe nói một số cổ đông giao tài khoản cho công ty đó giao dịch mua bán. Nhưng như tôi nói trên, biên bản trên không đảm bảo chính xác, nên tôi nghĩ việc này để các cơ quan chức năng làm rõ.

Trước các thông tin về việc cổ phiếu FTM bị thao túng giá và cáo buộc chỉ đích danh, ông đã làm gì trong thời gian qua?

Tôi đã báo cáo việc này đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Hiệp hội doanh nghiệp. Cần nói rõ, ở đây tôi là người thiệt hại nhiều nhất, cả về uy tín và vật chất do giá cổ phiếu giảm sâu và tôi là cổ đông lớn của Fortex.

Tôi cho rằng hiện nay cổ phiếu FTM đang ở dưới giá trị thực, công ty vẫn hoạt động bình thường, các dây chuyền sản xuất vẫn chạy và cho ra sản phẩm.

Cụ thể, ông nêu nội dung gì trong báo cáo?

Tôi báo cáo tình hình giá cổ phiếu sụt giảm mạnh vì hai nguyên nhân, kết quả kinh doanh không tốt và việc bị cắt margin như trên. Đồng thời tôi bác bỏ các tin đồn qui chụp vô căn cứ về việc thổi giá hay thao túng.

Mới đây ngày 19/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã nắm được thông tin và sẽ vào cuộc để xem xét thêm về cổ phiếu FTM, ông có bình luận gì về việc này?

Tôi đã nắm được thông tin và cũng hiểu là hoạt động này tất yếu xảy ra. Tôi sẽ hỗ trợ hoạt động thanh tra với vai trò là cổ đông lớn và người sáng lập công ty.

Hiện tại hoặc sắp tới, ông có ý định mua hay bán cổ phiếu FTM hay không?

Tôi và Ban Lãnh đạo công ty đang xem xét mua thêm cổ phiếu. Có thể mua lại cổ phiếu do các công ty chứng khoán bán giải chấp hoặc mua trực tiếp trên sàn.

Ngoài câu chuyện liên quan đến giá cổ phiếu FTM thời gian qua, nhà đầu tư cũng quan tâm đến các hoạt động tài chính và dòng tiền của công ty khi các khoản mục cho vay, trả trước người bán, các khoản phải thu lên tới hàng trăm tỉ đồng với các bên liên quan trong đó có các công ty bất động sản. 

Tại sao một công ty sản xuất lại tham gia vào ngành không liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính như vậy?

Trong giai đoạn tôi làm chủ tịch, công ty có tham gia góp vốn đầu tư vào các đơn vị bất động sản. Đó là những hoạt động đầu tư bình thường. Lúc đó tôi đánh giá các công ty và dự án này rất có triển vọng. Thực tế một số dự án có vốn đầu tư của Fortex vẫn đang triển khai.

Triển vọng thu hồi hoặc sinh lãi của các khoản đầu tư này thế nào?

Một số dự án như ở TP HCM đang được chủ đầu tư xúc tiến chuyển nhượng. Một số dự án khác đang triển khai các công đoạn quan trọng và sớm có doanh thu. Triển vọng phát sinh doanh thu là hoàn toàn khả thi.

Theo số liệu báo cáo tài chính quí II/2019, công ty đang nợ hơn 1.100 tỉ đồng trong đó phần lớn là nợ các ngân hàng. Số nợ ngắn hạn chiếm tỉ trọng khoảng 80%. Trong bối cảnh Fortex báo lỗ và các thông tin tiêu cực trên thị trường chứng khoán, các ngân hàng đã có ý kiến gì với ông?

Các ngân hàng và Fortex có quan hệ cho vay sản xuất đã lâu. Chúng tôi cũng đang làm việc để các ngân hàng có thể hoãn trả lãi trong vòng 1-2 năm để hỗ trợ công ty trong lúc khó khăn.

Nhìn chung, về tổng thể tôi và công ty đang làm việc với các đối tác để cơ cấu lại danh mục bán hàng, xử lí tồn kho, cơ cấu nợ, tích cực xử lí các khoản phải thu để giải quyết khó khăn. Tôi kì vọng cuối năm nay công ty sẽ hết lỗ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoành San - Song Ngọc