Chủ đầu tư đã rót gần 3.000 tỷ đồng vào dự án Cát Bà Amatina, nhận hơn trăm tỷ tiền đặt cọc của khách hàng
Báo cáo tài chính quý II/2022 của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC - Mã: VCR) cho thấy công ty tiếp tục chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản.
Trong kỳ, Vinaconex ITC ghi nhận gần 275 triệu đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay. Bù lại, công ty phải chịu chi phí hoạt động tài chính 632 triệu đồng do phải trả tiền lãi cho khoản vốn góp đầu tư Lô BT4-79 trong 12 năm. Cộng thêm khoản chi phí quản lý 5,5 tỷ đồng, Vinaconex ITC lỗ sau thuế 5,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 3,5 tỷ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty lỗ sau thuế hơn 9 tỷ so với số 5,2 tỷ đồng cùng kỳ. Lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6 gần 246 tỷ đồng.
Vinaconex ITC là doanh nghiệp bất động sản gắn với Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng (Cát Bà Amatina) có quy mô 172 ha với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD. Đây được xem là dự án trọng điểm của Vinacontex ITC, cũng như của Tổng công ty Vinaconex (công ty mẹ của Vinaconex ITC) từ hơn chục năm trước.
Dự án được tái khởi động cuối tháng 11 năm ngoái. Theo quy hoạch, dự án có 7 khu resort với khoảng 800 biệt thự, hai bến du thuyền, một bến tàu du lịch, trung tâm hội nghị quốc tế, khu thương mại dịch vụ quốc tế, khu thể dục thể thao, các dịch vụ giải trí đa chức năng, 6 khách sạn 5 sao và 1 khách sạn 4 sao.
Chi tiết hơn về 3 giai đoạn của dự án Cái Giá, lãnh đạo Vinaconex ITC từng cho biết giai đoạn 1 là giai đoạn đầu tư, triển khai (4 sao), giai đoạn 2 là thành phố trung tâm (5 sao) và giai đoạn cuối cùng là khu nghỉ dưỡng (6 sao).
Trong hai năm 2021 – 2022, Vinaconex ITC sẽ kinh doanh những khu đất mà trước đã bán và đã có chủ sở hữu, nhưng chiếm một phần rất nhỏ trên tổng thể quy hoạch. Sang năm 2023, ông Thanh kỳ vọng có thể đưa một phần giai đoạn 1 của dự án vào kinh doanh.
"Hy vọng trong năm 2021 công ty có thể triển khai những hạng mục hạ tầng cốt lõi để tiến tới triển khai những công trình trọng điểm như trung tâm thương mại, hai khu căn hộ khách sạn ở biển 2.000 phòng và sẽ đưa vào kinh doanh trong năm 2023. Sẽ có những tòa nhà, biệt thự nằm một nửa trên nước một nửa trên cạn hoặc hoàn toàn trên mặt nước", Chủ tịch HĐQT Vinaconex kiêm Chủ tịch HĐQT Vinaconex ITC cho hay.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của Vinaconex ITC hơn 6.780 tỷ đồng, trong đó chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận cho dự án Cái Giá nói trên hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ so với đầu năm.
Số tiền mà Vinaconex ITC trả trước dài hạn cho người bán là 3.619 tỷ đồng, giảm hơn 440 tỷ so với đầu năm. Đây chính là khoản tiền mà Vinaconex ITC phải trả cho Công ty mẹ Vinaconex và Vinaconex xây dựng.
Khách hàng trả tiền trước cho dự án Cái Giá nói trên là 101 tỷ đồng, đồng thời công ty phải trả thêm cổ tức cho cổ đông - là các khách hàng góp vốn để mua đất dự án Cái Giá hơn 103 tỷ đồng.
Tính đến 30/6, Vinaconex chỉ còn hơn 28 tỷ đồng tiền mặt trên tài khoản, giảm so với con số 44 tỷ đồng hồi đầu năm. Vinaconex ITC cũng đem tiền đi đầu tư chứng khoán với loạt cổ phiếu như HPG, ITA, CTN, KDC, SDT, VTV với giá trị gốc là 266 triệu đồng, nhưng phải trích lập dự phòng 143 triệu đồng.
Tổng dư nợ tính đến cuối tháng 6 hơn 2.300 tỷ đồng, đa số là vay dài hạn từ các tổ chức.
Con số lãi vay thực tế mà doanh nghiệp phải trả trong 6 tháng đầu năm là 130 tỷ đồng, tăng so với con số 89 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp nhiều khả năng đã vốn hóa khoản này vào chi phí dở dang của dự án.