|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chống đứt gãy chuỗi sản xuất tại khu công nghiệp (Bài 1): Doanh nghiệp chạy đua '3 tại chỗ'

22:30 | 15/07/2021
Chia sẻ
Trước tình hình dịch bệnh bao vây, các doanh nghiệp vốn đầu tư trong và ngoài nước hoạt động tại Bình Dương nỗ lực xây dựng kịch bản tránh tác động của dịch.

Tỉnh Bình Dương tập trung hơn 50.000 doanh nghiệp với trên 1,2 triệu lao động. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp hoạt động trong 29 khu công nghiệp tạo ra giá trị doanh thu sản xuất 16,8 tỷ USD, đóng góp 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. 

Các nhà máy sản xuất ở Bình Dương được mệnh danh là công xưởng sản xuất của cả nước. Thế nhưng, hiện công xưởng lớn nhất nước tại Bình Dương đang đương đầu với khó khăn chưa từng có. 

Dịch COVID-19 “bủa vây” nhà máy, cản trở chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa. Các doanh nghiệp phải “gồng mình” xoay sở trong điều kiện mới để bảo vệ “thành trì” khu công nghiệp, duy trì sản xuất. Cả hệ thống chính trị địa phương chung sức, đồng lòng cùng với chủ đầu tư các doanh nghiệp, người lao động khắc phục khó khăn, kiên trì đạt “mục tiêu kép” mà Chính phủ đặt ra.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương hồi cuối tháng 6 vừa qua, địa phương này đã yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp bố trí cho công nhân vừa ăn ở, vừa sản xuất trong nhà máy để ứng phó dịch bệnh, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn. 

Trước tình hình dịch bệnh bao vây, các doanh nghiệp vốn đầu tư trong và ngoài nước hoạt động tại Bình Dương nỗ lực xây dựng kịch bản tránh tác động của dịch. Điển hình là việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" (cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất) vào thực hiện trong nhà máy, để đảm bảo không ngừng sản xuất và chăm lo sức khỏe người lao động.

Chống đứt gãy chuỗi sản xuất tại khu công nghiệp (Bài 1): Doanh nghiệp chạy đua '3 tại chỗ' - Ảnh 1.

Một góc nghỉ ngơi sau giờ làm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Foster (Việt Nam) thực hiện "3 tại chỗ" cho 700 người lao động. (Ảnh: TTXVN).

Bảo vệ "thành trì" nhà máy

Công ty TNHH Điện tử Foster (Việt Nam) chuyên sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư nước ngoài đóng nhà máy tại đường số 5, KCN Việt Nam – Singapore II (phường Hoà Phú, TP Thủ Dầu Một) là đơn vị thực hiện "3 tại chỗ" khá nhanh nhạy. 

Theo đó, sau khi test nhanh sàng lọc COVID-19 cho tất cả người lao động. Ngày 4/7, công ty đã đón 700 nhân viên, người lao động vào lưu trú trong nhà máy để vừa ăn ở, vừa sản xuất.

Ông Trần Hưng Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster cho biết, để phòng dịch và đảm bảo hoạt động sản xuất không bị đứt gãy, đơn vị bố trí toàn bộ công nhân viên lưu trú và làm việc tại công ty. Dự kiến, người lao động ăn ở trong nhà máy khoảng 15 ngày và đợi đến khi tình hình dịch ngoài cộng đồng được kiểm soát.

Theo Chủ tịch công đoàn Công ty Foster Việt Nam Nguyễn Trung Tính, những ngày qua, công ty đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh một khu vực nhà máy để trang bị máy lạnh, mua nệm, màn và chuẩn bị đầy đủ về vật chất để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động ở vào sinh sống. 

Ngoài chăm lo mỗi ngày 3 bữa ăn miễn phí, người lao động được đảm bảo đầy đủ lương, thưởng và công ty hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng/ngày trong thời gian lưu trú tại nhà máy.

Chủ tịch Công đoàn KCN Việt Nam – Singapore Đặng Thị Kim Chi cho biết, hiện không chỉ Công ty Foster Việt Nam thực hiện mô hình "3 tại chỗ" đưa hàng trăm công nhân vào ở luôn trong nhà máy mà nhiều công ty khác bắt đầu sắp xếp và thực hiện mô hình này nhằm chống đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng tiêu thụ hàng hóa.

Ghi nhận tại Công ty Gunzetal Việt Nam vốn đầu tư nước ngoài chuyên về sản xuất nguyên liệu mặt hàng may mặc đóng tại KCN Việt Nam – Singapore 2 (TP Thủ Dầu Một) cho thấy, đơn vị này đã tổ chức cho hơn 100 công nhân vào nhà máy ăn ở khá sớm từ những ngày đầu dịch đang diễn ra khó lường (từ 28/6). Ngoài chăm lo 3 bữa ăn, công ty còn chuẩn bị các đồ dùng thiết yếu như xà phòng, màn, nệm ngủ cho công nhân ở lại.

Anh Hiếu làm ở bộ phận bảo trì Công ty Gunzetal Việt Nam chia sẻ, hiện công ty lo chi phí ăn ở, sinh hoạt đồ dùng cá nhân đây đủ cho người lao động, tạo môi trường làm việc an toàn, yên tâm tham gia sản xuất.

Công ty Accredo Asia đóng tại Khu công nghiệp VSIP II-A (Bình Dương) cũng vừa đón 156 công nhân vào ở trong nhà máy kéo dài đến hết tháng 7. Mỗi ngày công ty lo cho công nhân ăn 3 bữa miễn phí và một bữa phụ; ngoài ra, hỗ trợ thêm 15.000 đồng/công nhân/ngày.

CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam có nhà máy tại thị xã Tân Uyên cũng đã bố trí cho gần 500 công nhân ăn ở luôn bên trong khuôn viên để vừa phòng dịch, vừa tập trung sản xuất. 

Ông Hoàng Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc công ty cho biết, sau khi toàn bộ thị xã Tân Uyên thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban giám đốc đã họp bàn phương án cho toàn bộ công nhân viên ở lại luôn trong nhà máy để họ an tâm sản xuất.

Những ngày qua, công ty đã mua sắm lều trại, màn, nệm ngủ cho gần 500 người lao động; phối hợp với ngành y tế tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân để bảo đảm an toàn khi vào nơi nhà máy ở.

Nhân rộng mô hình "3 tại chỗ"

Chiều 13/7 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng đoàn công tác của tỉnh và thị xã Tân Uyên đã đến thăm mô hình " 3 tại chỗ" ở Công ty TNHH Response Việt Nam vốn đầu tư nước ngoài đóng nhà máy tại Cụm công nghiệp Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao mô hình " 3 tại chỗ" của doanh nghiệp. Sự chủ động, sáng tạo để đảm bảo duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp là việc làm tốt, vừa giúp tổ chức sản xuất an toàn vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. 

Mô hình "3 tại chỗ" tại Response Việt Nam cần nhân rộng cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh để thực hiện duy trì sản xuất, chống đứt gãy cung ứng hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến kéo dài, khó lường.

Trước khi đưa công nhân vào nhà máy cần tổ chức lấy mẫu test nhanh, làm xét nghiệm để vừa bảo đảm an toàn sức khỏe sau khi công nhân ở tập trung, vừa bảo đảm an toàn cho nhà máy – Bí thư Nguyễn Văn Lợi nhắn nhủ.

Công ty TNHH Response Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Đan Mạch, chuyên sản xuất mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu với khoảng 760 công nhân làm việc tại nhà máy. Hiện công ty có hơn 200 công nhân đã đăng ký ở lại nhà máy.

Kịp thời động viên tinh thần người lao động, Công ty đã hỗ trợ mỗi trường hợp ở lại nhà máy 1 triệu đồng/tháng; tạo điều kiện tăng ca theo quy định để tăng thu nhập; hỗ trợ ăn sáng 28.000 đồng/người cho công nhân ở lại làm việc; trao tặng học bổng cho con công nhân lao động khó khăn của Công ty có thành tích học tập xuất sắc, mỗi suất 4 triệu đồng. Sau 2 tuần test nhanh COVID-19, toàn bộ công nhân ở lại nhà máy đều âm tính và hiện chưa ghi nhận ca mắc COVID-19.

Đại diện Công ty TNHH Response Việt Nam cho biết, những tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là không thể hoàn thành các đơn hàng theo kế hoạch giao cho khách hàng. Việc duy trì 1/3 lượng lao động ở lại nhà máy là nỗ lực lớn của doanh nghiệp với mong muốn cùng chính quyền địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Truy vết "tách" F0 ra khỏi nhà máy

Sau chuyến thị sát mô hình "3 tại chỗ" tại cụm công nghiệp Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đề nghị các khu công nghiệp, doanh nghiệp phối hợp với lực lượng y tế khẩn trương truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để sớm phát hiện các trường hợp F0 trong cộng đồng, " tách bóc" hết F0 ra khỏi nhà máy, xí nghiệp; đồng thời cách ly F1 để sàng lọc giúp công nhân tại các nhà máy an tâm làm việc.

Về giải pháp áp dụng mô hình " 3 tại chỗ", tỉnh Bình Dương đề nghị chủ đầu tư khu công nghiệp, doanh nghiệp cùng phối hợp với ngành chức năng kịp thời truy vết, phân loại, giải phóng nhanh công nhân để tránh tình trạng nhiễm chéo sau khi có phát hiện các ca liên quan đến F0.

Cùng đó, tỉnh đề nghị kiểm soát điều kiện đi lại của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp (từ huyện này sang huyện khác) để đảm bảo phòng chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; sớm thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...

Cùng với việc áp dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, tỉnh Bình Dương còn thúc đẩy tiêm vaccine, khai báo y tế, thu thập dữ liệu công nhân, truy vết và đánh giá dịch, giám sát hành trình di chuyển phương tiện vận tải...

Tỉnh Bình Dương yêu cầu các chủ đầu tư khu công nghiệp tăng cường hỗ trợ việc đảm bảo an ninh trật tự trong phòng chống dịch tại khu công nghiệp; không cho phép tụ tập tại cổng nhà máy trước và sau giờ làm việc; đảm bảo an toàn khu cách ly và phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp trong việc thực hiện mô hình "3 tại chỗ".

Chí Tưởng

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.