Chờ đợi bước ngoặt mới trên cuộc đua thị phần môi giới cổ phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) - chiếm phần lớn giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) - đã công bố top thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ quý II/2024, với không quá nhiều thay đổi so với quý I.
Quan sát diễn biến thị phần 5 năm trở lại (từ 2019 đến nay), nổi bật là sự vươn lên dẫn đầu của Chứng khoán VPS (từ 2021). Đến quý II/2024, VPS đang chiếm hơn 19% (gần 1/5) thị phần HOSE, cách biệt 8,6 điểm phần trăm so với Chứng khoán SSI (10,4%) ở vị trí thứ hai.
Ngược với đà tiến của VPS, các công ty chứng khoán (CTCK) từng thống trị top 3-4 thị phần gồm SSI, VNDirect (Mã: VND), HSC Vietcap (Mã: VCI) đã chững lại.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo HSC (Mã: HCM) bày tỏ thị phần cá nhân bị thụt lùi khá mạnh năm 2023 nguyên nhân chính do không đủ vốn.
“Vấn đề thứ hai làm giảm thị phần là yếu tố tuân thủ. HSC chú trọng ngoài việc đánh giá trên khía cạnh cơ bản, doanh nghiệp còn phải không làm giá, không làm trái với quy định, để giữ vững tuân thủ, tránh bị phạt, tổn hại uy tín, đặc biệt là mảng cá nhân. Vấn đề thứ ba là HSC không cho vay cổ phiếu bị làm giá, thiếu thanh khoản. Thứ tư hệ thống giao dịch của HSC chưa được tốt”, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc HSC chia sẻ.
Hay trường hợp Vietcap, Tổng Giám đốc Tô Hải cho biết năm 2023 lần đầu tiên công ty tụt thị phần về thứ 8.
“Chúng tôi từng sai lầm về chiến lược. Sau COVID-19, xu hướng nhà đầu tư cá nhân tăng lên so với nhà đầu tư tổ chức, hiện chiếm khoảng 90% giao dịch thị trường. Ban lãnh đạo đã không nhận ra xu hướng này sớm. Theo tôi, xu hướng này sẽ tiếp diễn. Bây giờ việc tiếp cận thông tin, phân tích của nhà đầu tư cá nhân ngày càng thu hẹp với tổ chức, thêm vào đó là áp dụng AI để ra quyết định.
Vietcap đã đầu tư nhiều cho hệ thống. Từ đầu năm, Vietcap đã cải thiện thị phần môi giới. Hy vọng cuối năm 2024 công ty sẽ vào top 5 để tạo đà cho 2025”, Tổng Giám đốc Vietcap chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên.
Ngành chứng khoán trước xu hướng zero-fee
Việc công ty chứng khoán chiếm thị phần cao đồng nghĩa với doanh thu môi giới tích cực, và từ đó đem về hiệu quả kinh doanh trực tiếp (từ mảng môi giới) tương ứng. Tuy nhiên, điều này đã dần thay đổi kể từ khoảng 3 năm trở lại đây, khi xu hướng cạnh tranh giảm phí giao dịch ập tới.
Đến 2024, đa phần lãnh đạo CTCK nhìn nhận zero-fee (miễn phí giao dịch) là xu hướng tất yếu. Từ đây cũng đặt ra hai hướng đi chính cho các đơn vị trong ngành đối với mảng môi giới: Chạy đua giảm phí hay là không?
VPS là minh chứng điển hình cho trường hợp thứ nhất. Công ty này đã thành công thu hút nhà đầu tư để dẫn đầu thị phần. Đây cũng chính là CTCK sở hữu đội ngũ tư vấn viên đông đảo nhất thị trường.
Cái tên mới nổi lên gần đây nữa là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS). Việc mạnh tay áp dụng zero-fee đã giúp thị phần TCBS vươn mình trong 2023 và đến quý II/2024 giữ vị trí thứ ba tại HOSE, và thứ hai tại HNX.
Với các đơn vị lựa chọn “chạy đua” miễn/giảm phí giao dịch, rõ ràng điều này làm thu hẹp doanh thu môi giới (xét cùng một lượng giá trị giao dịch), do tỷ lệ phí giao dịch thu hẹp. Dù vậy, khối lượng giao dịch cao hơn sẽ bù đắp doanh thu môi giới. Cùng với đó, các CTCK có thị phần cao sẽ thuận lợi hơn khi cung cấp và kiếm lời từ các dịch vụ đi kèm khác như cho vay margin hay quản lý tài sản...
Một số đơn vị lựa chọn hướng đi thứ hai là không chạy đua giảm phí giao dịch, mà tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cũng tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng Giám đốc HSC Trịnh Hoài Giang cho biết để nâng thị phần, công ty phải cải thiện nhiều yếu tố. Thứ nhất phải cải thiện về vốn. Năm 2024 được đánh giá khá thuận lợi khi ngân hàng không khắt khe trong cho vay, lãi suất cũng tốt hơn. Thứ hai là vấn đề tuân thủ, làm dịch vụ tốt hơn, tuân thủ nhưng không làm khách hàng khó chịu.
Thứ ba, về hoàn tất hệ thống giao dịch mới, khi KRX đi vào hoạt động, HSC sẽ nâng cấp hệ thống. Thứ tư là yếu tố sản phẩm dịch vụ. Với hệ thống giao dịch mới, HSC hy vọng khi vận hành, có sản phẩm mới công ty có thể chủ động trên nền tảng công nghệ mới.
“TTCK như hiện nay có cuộc đua về giá, nhiều công ty giảm phí môi giới để đạt thị phần cao, được bù từ lãi cho vay, đây là cách hầu hết đơn vị áp dụng để cạnh tranh thị phần. HSC không cách nào khác, không giảm giá về 0 nhưng đảm bảo phí cạnh tranh, linh động. HSC có một cách đi riêng, kết hợp nhiều yếu tố chứ không phải giảm giá tăng thị phần. Cá nhân tôi kỳ vọng thị phần cá nhân cuối năm nay sẽ tăng gấp đôi so với năm 2023”, CEO của HSC chia sẻ.
HSC vẫn đang giữ hạng 5 thị phần HOSE nhưng tỷ trọng đã cải thiện từ 5,32% năm 2023 lên 6,17% trong 6 tháng đầu 2024. Ban lãnh đạo kỳ vọng khi lượng vốn mới huy động được phát huy tử nửa cuối 2024 sẽ đem lại bộ mặt khả quan hơn cho mảng môi giới.
Hay tại Chứng khoán FPT (FPTS - Mã: FTS), ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ với cổ đông xu hướng phí và lãi suất đang giảm đi. Cạnh tranh trên thị trường rất lớn, nhiều công ty chứng khoán đang thực hiện chính sách zero-fee. FPTS xác định đây (miễn/giảm phí) là xu hướng, không thể đi ngược được. Công ty cũng sẽ đưa ra các sản phẩm mới phục vụ khách hàng, nhằm tìm kiếm thị phần cao hơn so với năm trước.
Lãnh đạo FPTS cũng cho rằng khi thị trường Việt Nam được nâng hạng, dòng tiền nhà đầu tư ngoại tốt hơn, giao dịch sôi động hơn, thanh khoản dự kiến sẽ tốt hơn nhiều. Không chỉ FPTS, các đơn vị cùng ngành cũng đang mong đợi việc nâng hạng này.
“Trong bối cảnh nâng hạng hay không, công ty vẫn luôn định hướng thực hiện tốt các công việc của mình, bao gồm đảm bảo an toàn tài sản, thông tin của khách hàng... Từ đó, khách hàng sẽ tin tưởng, giao dịch, sử dụng dịch vụ tại FPTS”, ông Dũng nói thêm về chiến lược để tăng thị phần môi giới.
Chờ đợi những bước ngoặt mới từ cuộc đua tăng vốn
Một khía cạnh nhà đầu tư quan tâm với ngành chứng khoán là cuộc đua tăng vốn. Nhiều phương án tăng vốn rầm rộ hàng nghìn tỷ đồng liên tục được đưa ra từ 2023 đến nay, kể đến SSI, VNDirect, ACBS, TPS, HSC...
Cùng với đó, một số phương án đã hoãn/hủy triển khai giai đoạn 2022 khi thị trường tiêu cực cũng rục rịch lăn bánh trở lại. Theo đó, bức tranh vốn ngành chứng khoán vẫn đang biến động liên tục ở cả nhóm quy mô lớn, vừa hay nhỏ.
Đa phần trường hợp công bố sẽ dùng tiền huy động từ phương án chào bán cổ phần cho mục đích bổ sung vốn hoạt động tự doanh và cho vay margin. Trong đó, cho vay margin gắn liền với mảng môi giới. Lý do là một CTCK sở hữu dư địa cho vay và chính sách cạnh tranh tốt hơn sẽ nắm lợi thế trong thu hút khách hàng giao dịch cổ phiếu.
Tại hội thảo đầu tư mới đây với chủ đề “Đón đầu chu kỳ phục hồi nửa cuối năm 2024”, các chuyên gia đã đưa một số nhận định về diễn biến cạnh tranh thị phần khốc liệt giữa nhóm các CTCK và câu chuyện tăng vốn trước thềm nâng hạng.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC, hiếm có thị trường nào có tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân cao như Việt Nam. Ở các thị trường lớn, nhà đầu tư cá nhân thường rót tiền vào các quỹ đầu tư hay dịch vụ ủy thác. Với CTCK, câu chuyện phí giao dịch “0 đồng” đang đến gần.
“Các CTCK tôi tiếp xúc đều muốn đi theo hướng quản lý tài sản, đó là xu hướng tất nhiên, không thể đảo ngược. Điều đó có nghĩa khi cuộc chiến phí giao dịch hướng về 0 thì CTCK phải “sống” bằng quản lý tài sản”, ông Huy chia sẻ.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ NTP-AM, nhận định thị trường chứng khoán thời gian qua đã có sự hồi phục về điểm số và thanh khoản. Dư nợ margin đã tạo đáy vào quý I/2023. Doanh thu môi giới của các CTCK có xu hướng tăng trở lại. Đồng thời, quy mô tài sản của nhà đầu tư (tại các CTCK) tiếp tục tăng.
Trong khi đó, kỳ vọng câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ giúp dòng vốn ngoại quay trở lại. Hiện tại, thị trường Indonesia đã hút ròng trở lại, Malaysia cũng có tín hiệu khởi sắc. Theo đó, nhà quản lý quỹ kỳ vọng áp lực bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam sẽ chậm lại, và có thể bắt đầu mua ròng trở lại trong quý IV.
Tại Hội thảo "Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán" đầu tháng 7, đại diện cơ quan quản lý thị trường nhận định việc tăng vốn của các CTCK mục đích chính là để đón đầu dòng vốn ngoại từ triển vọng nâng hạng trong thời gian tới.