|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chịu áp lực trên bàn đàm phán thương mại, Bắc Kinh nhanh chóng mở cửa thị trường tài chính?

12:08 | 15/10/2019
Chia sẻ
Hôm 11/10, Ủy ban Quản lí Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã đưa ra khung thời gian cụ thể nhằm loại bỏ giới hạn đối với tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty hợp đồng tương lai, quĩ tương hỗ và công ty chứng khoán.
105693485-1548209385081gettyimages-936152088

Ảnh: Getty Images

Dự kiến triển khai vào tháng 1/2020, kế hoạch trên sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% nhiều doanh nghiệp.

Năm ngoái, CSRC đã bắt đầu cho phép một số tổ chức tài chính nước ngoài nâng tỉ lệ sở hữu của mình tại các liên doanh ở Trung Quốc lên 51%.

"Các nhà quản lí Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện nhiều cải cách mang tính xây dựng trong lĩnh vực quản lí quĩ trong nước", phát ngôn ngôn của liên doanh Invesco khẳng định. "Thông báo mới nhất giúp tăng cường cạnh tranh và cho phép tất cả doanh nghiệp mang đến nhiều dịch vụ hấp dẫn cho thị trường Trung Quốc".

Theo CNBC, một trong các khiếu nại của Washington trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính là nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc đang đóng chặt cửa với doanh nghiệp nước ngoài hoặc bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước, khiến doanh nghiệp Mỹ khó cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ Trung Quốc.

Cuộc tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm gia tăng áp lực lên hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, khi hai nước đồng loạt áp thuế lên hàng tỉ USD hàng hóa của nhau.

Mỹ cũng liệt nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, đơn cử là Huawei Technologies, vào danh sách đen thương mại, cấm doanh nghiệp Mỹ cung cấp linh kiện hoặc phần mềm cho các công ty này.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại muốn thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường nội địa và giúp ngành tài chính trong nước ổn định hơn.

Động thái mở cửa thị trường tài chính sẽ giúp thúc đẩy quá trình quốc tế hóa thị trường hợp đồng tương lai của Trung Quốc, tăng ảnh hưởng quốc tế của đất nước tỉ dân và giúp Trung Quốc trở thành một trung tâm định giá hàng hóa quốc tế.

Đây là nhận định của ông Yanghui Cao, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Hợp đồng Tương lai Nanhua (Hàng Châu).

Ông Cao cũng chỉ ra, thị trường quốc tế có kinh nghiệm tương đối sâu rộng với các sản phẩm phái sinh, do đó sự gia nhập của các "tay chơi" nước ngoài vào thị trường Trung Quốc sẽ làm gia tăng mức độ cạnh tranh trong nước.

Nếu các công ty có thể nhận được chấp thuận và giấy phép kinh doanh cần thiết, động thái trên sẽ tiến gần hơn đến tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 9 năm ngoái.

Cụ thể, ông Lý Khắc Cường cho biết ông hi vọng trong thời gian ba năm sẽ có nhiều liên doanh nước ngoài đủ điều kiện cấp giấy phép chính thức và hoạt động trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc với toàn quyền sở hữu doanh nghiệp.

Khung thời gian của Thủ tướng Lý Khắc Cường:

Ngày 1/1/2020: Các công ty hợp đồng tương lai

Ngày 1/4/2020: Các công ty quản lí quĩ tương hỗ

Ngày 1/12/2020: Các công ty chứng khoán

Vào tháng 7 năm nay, ông Lý Khắc Cường cũng cho biết Trung Quốc sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với quyền sở hữu nước ngoài ở các công ty chứng khoán, công ty hợp đồng tương lai và công ty bảo hiểm nhân thọ vào năm 2020, sớm hơn một năm so với kế hoạch trước đó.

"Điều đáng chú ý là lộ trình thực hiện chính sách nhanh chóng. Việc này cho thấy cuộc đàm phán thương mại đang gây một số áp lực nhất định lên quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc", ông Tianjun Wu, nhà kinh tế tại Economist Intelligence Unit, cho hay.

Bắc Kinh từng cố tình chậm mở cửa thị trường vì doanh nghiệp trong nước?

Trung Quốc từng rất chậm trong mở cửa thị trường nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài, vì họ thường đợi cho đến khi các công ty địa phương có thời gian phát triển đủ lớn.

Một số người từng khiếu nại rằng trong khi công ty xử lí thanh toán của Trung Quốc - UnionPay có thể mở rộng nhanh chóng ra nước ngoài, Visa và Mastercard vẫn phải đối mặt với thách thức khi tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Vào cuối tháng 9 năm ngoái, PayPal cho biết họ đã trở thành nền tảng thanh toán nước ngoài đầu tiên được cấp phép cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc. Còn hồi tháng 11 cùng năm, American Express đã nhận được phê duyệt thành lập liên doanh để xử lí giao dịch thẻ ngân hàng ở thị trường tỉ dân.

Các công ty nước ngoài khác đang đợi thời cơ để nhảy vào Trung Quốc vào năm tới.

Fidelity International, chi nhánh quốc tế độc lập của gã khổng lồ ngành quản lí tài sản Mỹ Fidelity Investment, mong muốn "mang dịch vụ nghiên cứu đầu tư đặc biệt" của họ đến cho khách hàng Trung Quốc.

Còn vào tháng 4, bảng xếp hạng thường niên 25 công ty quản lí đầu tư nước ngoài tốt nhất ở Trung Quốc của Z-Ben Advisor cho thấy khoảng cách lớn giữa 6 công ty ở top đầu và 19 công ty còn lại.

Z-Ben Advisor nhận định UBS, Invesco và JPMorgan là ba doanh nghiệp hàng đầu thị trường. Tháng 11/2018, UBS cho biết họ đã trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên giành quyền kiểm soát đa số trong một liên doanh chứng khoán tại Trung Quốc, với 51% cổ phần.

Còn trong mùa hè này, JP Morgan Asset Management đã trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tiến gần đến việc tăng cổ phần sở hữu trong một công ty quản lí tài sản Trung Quốc từ 49% lên 51%.

Yên Khê