|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc nỗ lực giảm phụ thuộc vào USD, tránh vết xe đổ của Nga

11:24 | 25/05/2022
Chia sẻ
Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga và hiệu ứng lan tỏa từ việc Mỹ tăng lãi suất đã thúc đẩy Trung Quốc tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hệ thống USD và biến nhân dân tệ thành một đồng tiền dự trữ mạnh.

Thay đổi chính sách

Theo SCMP, đã có nhiều lời kêu gọi Trung Quốc tạo ra một thể chế tài chính độc lập hơn trong bối cảnh quan hệ với phương Tây đang có dấu hiệu rạn nứt. 

Với những lo ngại ngày càng tăng ở Trung Quốc về nguy cơ từ hệ thống USD, một số cố vấn chính phủ đang thúc giục các nhà chức trách điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái và biến nhân dân tệ thành một đồng tiền dự trữ, đặc biệt là tại châu Á.

Ông Huang Qifan, Cựu Thị trưởng thành phố Trùng Khánh cho biết: “Nhân dân tệ hiện đang được neo vào USD. Việc neo giá không phải là giải pháp dài hạn cho vị thế quốc tế và nhu cầu phát triển trong tương lai của Trung Quốc”.

Nhân dân tệ nên được gắn với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tín dụng quốc gia của Trung Quốc, ông Huang cho biết. “Một mỏ neo tiền tệ độc lập sẽ cung cấp cho Trung Quốc công cụ để tính toán đường cong lợi suất và chính sách tiền tệ, cũng như việc định giá các tài sản tài chính trong nước”.

Mối đe dọa từ Mỹ

Sau hai năm kể từ khi COVID bùng phát, chính sách tiền tệ của Mỹ và Trung Quốc đang đi theo hai hướng khác nhau. Bắc Kinh đang nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại thắt chặt nhằm kìm hãm lạm phát.

Kết quả là lợi thế của Trung Quốc về lợi suất trái phiếu so với Mỹ đã biến mất, khiến dòng vốn ồ ạt chảy ra và đồng nhân dân tệ yếu đi.

Fed nâng lãi suất giúp làm cho đồng nội tệ của Mỹ tăng giá.   

Nhận xét của ông Huang phản ánh quan điểm phổ biến ở Trung Quốc rằng môi trường quốc tế đang trở nên bất lợi hơn.

Sau khi Nga hứng chịu hàng loạt trừng phạt vì hành động quân sự tại Ukraine, nhiều lo lắng cho rằng Trung Quốc cũng có thể bị loại khỏi hệ thống thông tin tài chính SWIFT và từ chối tiếp cận USD nếu quan hệ với Mỹ xấu đi.

Ông Liu Shengjun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Cải cách Tài chính Trung Quốc, cho biết các lệnh trừng phạt đối với Nga đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với Bắc Kinh. Tuy nhiên việc nước này tiếp xúc nhiều với USD, thị trường và công nghệ Mỹ đồng nghĩa với việc có rất ít cơ hội để thay đổi chính sách.

Mối đe dọa từ Mỹ đã buộc Bắc Kinh phải xây dựng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), một hệ thống tương đương với SWIFT, và tăng cường hợp tác trong việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trên phạm vi quốc tế.

Nhưng Trung Quốc sẽ cần phải làm nhiều hơn. Mức độ tín nhiệm của đồng tiền phụ thuộc vào quy mô kinh tế, chính sách tiền tệ và sự chấp nhận quốc tế, ông Liu nói.

Ông cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc phải tiếp tục phát triển nền kinh tế, xây dựng các thị trường tài chính phức tạp hơn và thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài.

Ông nói: “Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không hiệu quả nếu nhiều quốc gia muốn chấp nhận nhân dân tệ”.

Việc Bắc Kinh tham gia vào hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế do Mỹ đứng đầu, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa Trung Quốc từ một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn vào những năm 1970 thành nước xuất khẩu hàng đầu và nền kinh tế số hai thế giới.

Trung Quốc sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% của những năm 2010.

Tuy nhiên, số USD mà Trung Quốc kiếm được thông qua cỗ máy xuất khẩu khổng lồ của mình thường chảy ngược trở lại Mỹ hoặc được Ngân hàng trung ương đầu tư vào các tài sản bằng USD.

Do nhân dân tệ không thể tự do chuyển đổi, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) in nhân dân tệ để mua tài sản ở nước ngoài thông qua quỹ ngoại hối, công cụ chính để quản lý thanh khoản trước năm 2015. Vào cuối tháng 4, số dư của quỹ ngoại hối Trung Quốc là 21.100 tỷ nhân dân tệ (3.100 tỷ USD).

Cắt giảm dự trữ

Bất chấp các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, nền kinh tế Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn tài chính quốc tế. 

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến 20 triệu người mất việc. Trong giai đoạn 2015-17, Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ khiến biến động lớn trong tỷ giá hối đoái và làm giảm giá nhân dân tệ.

 Nhân dân tệ đã yếu đi so với USD do khác biệt về chính sách tiền tệ. 

Gần đây hơn, Trung Quốc đã phàn nàn về ảnh hưởng từ việc in tiền chưa từng có tiền lệ của Mỹ để chống dịch COVID.

Ông Yu Yongding, một cựu cố vấn Ngân hàng trung ương, cho biết lợi suất tài sản ngoại hối của Trung Quốc từ lâu đã âm. Việc ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng cho thấy loại tài sản này không còn an toàn.

Ông Yu cho rằng Trung Quốc nên giảm tài sản bằng USD, bao gồm cả số trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 1.040 tỷ USD đang nắm giữ.

“Xung đột giữa Mỹ và Nga cho Trung Quốc thấy rằng tài sản của cả Ngân hàng trung ương Nga và giới tài phiệt đều có thể bị tịch thu. Tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức an ninh nghiêm trọng”, ông nói trong một bài phát biểu trước diễn đàn Thanh Hoa đầu tháng này.

“Trung Quốc nên cân bằng tài sản và nợ nước ngoài, đồng thời hạn chế sở hữu quá nhiều tài sản bằng USD. Trung Quốc nên tránh không trở thành chủ nợ trong điều kiện địa chính trị hiện nay”, ông nói thêm.

Trung Quốc và Nhật Bản đang là hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ

Bắc Kinh hiếm khi công bố cấu phần tài sản ngoại hối của mình, nhưng nỗ lực đa dạng hóa có vẻ như đang được tiến hành. Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc chỉ ra rằng tài sản bằng USD chiếm 59% dự trữ ngoại hối của nước này vào năm 2016, giảm so với mức 79% của năm 1995.

Các nhà chức trách đã tiếp tục thu hẹp quy mô nắm giữ trong vài tháng qua. Dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh đã giảm 130,4 tỷ trong 4 tháng liên tiếp xuống còn 3.120 tỷ USD. Việc nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ của Trung Quốc cũng đã sụt giảm trong 4 tháng liên tiếp, với mức giảm tổng cộng là 41,2 tỷ USD.

Tham vọng của Trung Quốc

Bắc Kinh đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao tiếng nói của mình trong hệ thống tài chính quốc tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ông Chu Tiểu Xuyên, Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương PBoC, đã kêu gọi sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán thương mại từ năm 2009. 

Ông cũng ủng hộ việc sử dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, một tài sản dự trữ quốc tế, trong việc định giá của các sản phẩm tài chính, cho rằng động thái này sẽ giúp ổn định tiền tệ toàn cầu.

Để tiếp tục tham vọng quốc tế, Trung Quốc muốn biến Thượng Hải thành một trung tâm tài sản bằng nhân dân tệ. Đồng thời, Bắc Kinh đang đẩy nhanh việc thử nghiệm tiền kỹ thuật số và biến nhân dân tệ trở thành đồng tiền neo cho Đông Nam Á và các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường.

Hai năm trước, ông Ding Zhijie, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, cho biết nhân dân tệ có tiềm năng trở thành đồng tiền neo giá trong khu vực vì kết nối thương mại và đầu tư rộng lớn của Trung Quốc, dự trữ ngoại hối khổng lồ và tính ổn định.

“Chúng ta nên tập trung vào việc xây dựng khu vực đồng nhân dân tệ”, ông nói.

 

Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm quốc tế hóa nhân dân tệ đã đạt được những tiến bộ chậm chạp. Trong tương lai gần, đồng nội tệ của Trung Quốc vẫn chưa đủ sức thách thức USD.

Nhân dân tệ chiếm 2,2% thanh toán toàn cầu trong tháng 3/2022, thấp hơn nhiều so với 41,07% của USD và 35,36% của EUR.

Về dự trữ ngoại hối toàn cầu, đồng tiền Trung Quốc chiếm 2,79% vào cuối năm 2021. Nhân dân tệ trở thành đồng tiền được nắm giữ nhiều thứ 5 trên thế giới, nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ so với tỷ lệ 58,8% của USD hay 20,6% của EUR.

Tỷ trọng của nhân dân tệ trong rổ tiền tệ SDR của IMF đã tăng 1,36 điểm % lên 12,28%. Tuy nhiên thành công của nhân dân tệ bị lu mờ bởi mức tăng 1,65 điểm % của USD, hiện chiếm tới 41,73% rổ tiền tệ IMF.

Ông Ronald Anderson, giáo sư danh dự về tài chính tại Trường Kinh tế London, cho biết: “Thành tích duy trì tăng trưởng ổn định, tương đối cao và giữ lạm phát trong tầm kiểm soát của Trung Quốc đồng nghĩa rằng nhân dân tệ có thể là một lựa chọn hấp dẫn để đa dạng hóa tài sản tài chính ở nước ngoài”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo triển vọng trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu của nhân dân tệ sẽ đối mặt với nhiều thách thức nếu Mỹ tăng cường ngăn chặn. Ông nói: “Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ rất tốn kém cho Trung Quốc, Mỹ và hầu hết đối tác thương mại của hai nước”.

“Tuy nhiên, cuộc chiến này có thể sẽ đẩy nhanh sự xuất hiện của một hệ thống thương mại thế giới dựa trên hai loại tiền tệ, USD và nhân dân tệ”, giáo sư Anderson nói thêm.

Minh Quang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.