|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc lo mất sạch dự trữ ngoại hối hàng nghìn tỷ USD nếu Mỹ trừng phạt

16:28 | 07/04/2022
Chia sẻ
Mỹ có thể nhắm đến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc nếu muốn trừng phạt Bắc Kinh vì giúp đỡ Moscow. Trung Quốc buộc phải đầu tư vào tài sản nước ngoài vì có thặng dư thương mại lớn, và nước này có ít lựa chọn ngoài trái phiếu Mỹ.

 Trung Quốc khó có thể đa dạng hóa các loại tài sản trong dự trữ ngoại hối. (Ảnh: Reuters). 

Sức mạnh của Mỹ

Các đòn trừng phạt của Mỹ lên Nga vì cuộc tấn công Ukraine khiến Trung Quốc thấy lo sợ vì nước này sở hữu lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết Trung Quốc không còn lựa chọn khả dĩ nào khác để đầu tư kho dự trữ ngoại hối.

Trong những tuần gần đây, ông Yu Yongding, cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) và ông Wang Yongli, cựu phó chủ tịch Bank of China đã phát đi cảnh báo về tác động tiềm năng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây lên đầu tư của Trung Quốc vào chứng khoán nước ngoài. Mỹ đã đe dọa Bắc Kinh sẽ lãnh “hậu quả” nếu giúp Nga né tránh trừng phạt.

Ông Yu, nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc, đăng trên blog tuần trước: “Nếu Trung Quốc cũng gặp phải các lệnh trừng phạt tương tự như đã giáng vào Nga, tài sản ở nước ngoài của chúng ta có nguy cơ biến thành số 0”.

Sau khi lính Nga tràn vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã tung hàng loạt biện pháp cấm vận, bao gồm loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga cũng bị đóng băng, khiến đồng ruble lao dốc nặng nề.

Ông Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh cho biết một nước có thặng dư thương mại lớn như Trung Quốc phải đầu tư vào tài sản nước ngoài và có rất ít lựa chọn ngoài trái phiếu Mỹ.

Ông giải thích: “Với việc áp đặt trừng phạt, Washington đã chứng tỏ rằng năng lực kiểm soát hệ thống thanh toán toàn cầu mang lại cho Mỹ quyền lực khổng lồ. Các nước như Trung Quốc, Iran, Nga và Venezuela lo ngại về quyền năng đó giờ càng có lý do để nắm giữ loại ngoại tệ khác USD. Nhưng mong muốn chỉ là mong muốn. Các nước này còn có lựa chọn nào khác?”

Trung Quốc đã tích lũy thu nhập nước ngoài từ hoạt động xuất khẩu kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Năm 2021, thặng dư thương mại của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới tăng 29% so với năm trước lên 676,4 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay.

Tuy Trung Quốc không tiết lộ nơi cất giữ nguồn thu từ thương mại, nhưng một phần lớn trong số tiền đó được dùng để đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Tháng 1/2022, Trung Quốc nắm giữ 1.060 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ, trở thành chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ chỉ sau Nhật Bản.

Dựa trên thông tin của Bộ Tài chính Mỹ, trái phiếu chính phủ Mỹ chiếm khoảng 1/3 kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc với quy mô 3.220 tỷ USD vào tháng 1.

 

Bài viết của ông Wang, cựu phó chủ tịch Bank of China trên tạp chí Caixin ghi: “Dự trữ ngoại hối quốc gia của Trung Quốc chủ yếu là tiền tệ của các nước phát triển như USD và đồng euro, và cũng chủ yếu được lưu trữ ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu. Kết quả này là do tình thế bắt buộc, không phải ngẫu nhiên mà thế.

Điều này có nghĩa là một khi mối quan hệ với Mỹ và châu Âu đổ vỡ, sự an toàn của dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ bị đe dọa nghiêm trọng”.

Không có phương án thay thế hợp lý

Trung Quốc từ chối lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và tuyên bố sẽ duy trì hợp tác thương mại và kinh tế với hai nước.

Nguồn tin trong ngành ngoại giao của South China Morning Post (SCMP) ở Bắc Kinh cho biết Trung Quốc lo lắng về “hậu quả” mà Mỹ đe dọa, đồng thời không rõ mối liên hệ kinh tế nào với Nga sẽ kích hoạt lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Vị này cho hay: “Ranh giới đỏ là buôn bán vũ khí. Mỹ đang chơi trò chơi của sự mơ hồ. Họ tin rằng châu Âu có thể không đồng ý trừng phạt Trung Quốc”.

Trung Quốc đã giảm bớt nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ kể từ năm 2015, nhưng chưa tìm được sự thay thế tương tự. Đầu tư vào chứng khoán euro và trái phiếu chính phủ Nhật Bản cũng không phải lựa chọn tốt.

 

Giáo sư Pettis chỉ ra: “Châu Âu cần mua tài sản nước ngoài và sẽ không thích hệ quả của việc quá nhiều tiền chảy khỏi USD sang euro. Bởi điều này sẽ làm tăng giá trị của euro và khiến các nước châu Âu khó mà đạt được thặng dư tài khoản vãng lai. Giống Trung Quốc, châu Âu buộc phải đạt thặng dư tài khoản vãng lai vì nhu cầu nội bộ quá yếu”.

“Nhật Bản cũng dựa vào thặng dư tài khoản vãng lai để hấp thụ nhu cầu nội địa. Như chúng ta đã thấy trước đây, nếu một nước mua quá nhiều yen thì sẽ chọc giận chính phủ Nhật Bản, nênTrung Quốc không thể làm vậy”.

Các nước đang phát triển sẽ hoan nghênh tiền từ Trung Quốc nhưng ông Pettis cho biết các khoản đầu tư này bị coi là quá rủi ro. Đổ tiền vào vàng và các hàng hóa khác cũng có rắc rối tương tự, bởi tài sản dự trữ nên được đặt trong các khoản đầu tư tương đối an toàn trong thời hỗn loạn.

Cả ông Yu và ông Wang đều cho rằng Bắc Kinh cần tính tới biện pháp đối phó nếu Mỹ và châu Âu trừng phạt các khoản đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Ông Wang khuyến khích Trung Quốc tiếp tục mở cửa nền kinh tế và tài chính với thế giới, hình thành “sự hội nhập lợi ích mạnh mẽ hơn hiện nay”. Ông nói Mỹ và châu Âu “không có đủ khả năng” trừng phạt Trung Quốc nặng nề như Nga hay Triều Tiên.

“Sẽ rất khó để Mỹ hoàn toàn tách rời khỏi Trung Quốc. Việc phong tỏa hay thậm chí tịch thu tài sản dự trữ của Trung Quốc chỉ có thể là kết quả điên rồ cực kỳ khó xảy ra”.

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.