Liệu nền kinh tế toàn cầu có đang lao đầu vào suy thoái?
4 rắc rối cùng lúc
Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đang bị đè nặng bởi các biện pháp chống COVID nghiêm ngặt. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nguy cơ đặt dấu chấm hết cho đà bùng nổ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các hộ gia đình ở châu Âu thì đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tình hình ở nhiều thị trường mới nổi còn tồi tệ hơn, khi khủng hoảng lương thực và thậm chí cả nạn đói đang manh nha xuất hiện.
4 rắc rối khủng khiếp trên đang đeo bám nền kinh tế thế giới, và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tâm lý của nhiều người trở nên u ám. Thị trường tài chính đang thực sự hoang mang. Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI lần lượt giảm hơn 1,5% trong tuần vừa rồi, khoảng 5% trong tháng 5 và hơn 18% kể từ đỉnh hồi tháng 1.
Ông Robin Brooks, kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế, nói sự kết hợp của những cú sốc trên cho thấy kinh tế thế giới đang gặp rắc rối lớn. Ông nhấn mạnh: “...lần này chúng tôi cho rằng nỗi sợ là chính đáng”.
Trao đổi với Financial Times, ông Dhaval Joshi, trưởng bộ phận đầu tư tại BCA Research chỉ ra rằng không chỉ cổ phiếu mà cả trái phiếu, trái phiếu chống lạm phát, kim loại công nghiệp, vàng và tiền mã hóa cũng bị bán tháo.
Vị chuyên gia nói tiếp: “Lần cuối cùng hiện tượng 'mọi thứ bị bán tháo' diễn ra là vào đầu năm 1981, khi Chủ tịch Fed Paul Volcker cố chế ngự lạm phát và biến cú sốc lạm phát đình trệ thành suy thoái”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) thường định nghĩa suy thoái toàn cầu là năm mà thu nhập thực tế của một công dân toàn cầu bình thường đi xuống. Hai tổ chức này xác định 1975, 1982, 2009 và 2020 là các năm diễn ra suy thoái kinh tế.
Thực tế u ám như thế nào?
Trung Quốc là nền kinh tế lớn mà hầu hết các nhà kinh tế quan ngại. Dữ liệu tuần vừa rồi lại càng củng cố thêm những lo sợ về triển vọng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc lần lượt đi xuống 11% và 3% trong tháng 4. Doanh số bán nhà cũng suy yếu, giảm còn mạnh hơn đầu năm 2020, thời điểm tăng trưởng của Trung Quốc chuyển thành mức âm.
Hoạt động kinh tế suy yếu bất chấp việc ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ để khuyến khích tiêu dùng và vay nợ. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp thì lại gia tăng.
Tại Mỹ, nền kinh tế đang gánh chịu hậu quả từ những chính sách thời đại dịch. Đặc biệt, kích thích tài khóa thừa mứa có thể coi là thứ đã khiến kinh tế tăng trưởng quá nóng và kéo lạm phát lên cao. Fed đã phải thừa nhận sai lầm và đang mạnh mẽ tiến vào giai đoạn thắt chặt tiền tệ để giảm tốc tăng trưởng và hạ nhiệt lạm phát.
Tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell nói rõ rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi thấy bằng chứng “rõ ràng và thuyết phục” rằng lạm phát đang quay trở về mức mục tiêu 2%.
Ông Powell không lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp “tăng chút ít” so với mức hiện nay là 3,6%. Ông cũng cho biết đang nhắm đến việc đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, nhưng nhiều chuyên gia tài chính cho rằng điều này khó có thể được thực hiện.
Ông Krishna Guha, Phó Chủ tịch Evercore ISI, phân tích: “Chủ tịch Jerome Powell nói hạ cánh mềm là điều khả thi, nhưng cũng không đồng nghĩa rằng Fed chắc chắn làm được...”
Tuy không dự đoán Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, nhưng ông Guha cảnh báo: “Đưa lạm phát về tầm kiểm soát mà không gây ra suy thoái và khiến thất nghiệp tăng mạnh sẽ là cả một thử thách”.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, châu Âu đang đương đầu với một vấn đề khác, và khó khăn không kém. Ngoài Anh, lạm phát tại các nước châu Âu hầu như đều bắt nguồn từ giá năng lượng đắt đỏ và có thể nói nguyên nhân trực tiếp là việc Nga tấn công Ukraine.
Không may cho Liên minh châu Âu (EU), hiểu rõ nguồn cơn tai ương không làm giảm hậu quả của nó. Với lạm phát chạm mức 7,4% trong tháng 4, giá cả tại khu vực đồng euro đang tăng nhanh hơn nhiều thu nhập công dân. Cú đánh vào mức sống sẽ khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, tác động tiêu cực đến cuộc phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Các dự báo mới từ Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước ngầm ám chỉ nền kinh tế sẽ bị đình trệ trong quý II năm nay. EC kỳ vọng nền kinh tế sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn và quay trở lại mức tăng trưởng hợp lý khoảng 0,5 % mỗi quý từ mùa hè.
Nhưng ông Christian Schulz, nhà kinh tế tại Citi, nói rằng dự báo chính thức có vẻ quá lạc quan. Ông cho rằng rất có thể châu Âu “sẽ không tăng trưởng chút nào cho đến hết năm nay”.
Những nước nghèo hơn thậm chí còn phải đương đầu với thử thách nghiêm trọng hơn, đó là tìm cách xoay xở với sự gia tăng chóng mặt của giá lương thực. Tờ Financial Times cho biết lương thực chiếm hơn 30% chi tiêu của các nền kinh tế mới nổi.
Trong bối cảnh các cảng ở Biển Đen mà Ukraine sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc bị đóng cửa, lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực vào cuối năm nay đang gia tăng. Ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nói rằng xung đột Nga-Ukraine cộng với áp lực sẵn có của giá thực phẩm “đe dọa đẩy hàng chục triệu người vào bờ vực mất an ninh lương thực, sau đó là suy dinh dưỡng và nạn đói hàng loạt”.
Trường hợp của Sri Lanka cho thấy những lựa chọn thảm khốc mà nhiều nước nghèo nhất thế giới có thể phải đối mặt. Chính phủ Sri Lanka cho biết họ không còn cách nào khác vì phải ưu tiên dùng đồng tiền mạnh để nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.
Trong khi đó, Ấn Độ lại làm trầm trọng thêm vấn đề tại các nước mới nổi khác với việc đi ngược lại lời cam kết không cấm xuất khẩu lúa mì. Giá mặt hàng này đã tăng hơn 60% trong năm 2022.
Dù tin xấu đến ồ ạt là vậy, đa phần các chuyên gia đều nhận định rằng hệ thống phòng thủ của nền kinh tế thế giới vẫn sẽ trụ vững trong năm 2022. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người trở nên thận trọng hơn.
Ông Innes McFee, chuyên gia cấp cao tại Oxford Economics, cho biết gần như chắc chắn rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã tiến gần tới đỉnh, có thể đang đi chậm lại và các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải tính toán xem họ cần thắt chặt bao nhiêu.
Song, ít nhất là đến bây giờ, suy thoái vẫn là kịch bản khó xảy ra vì các nước vẫn còn công cụ để ngừng thắt chặt chính sách và kích thích nền kinh tế nếu tình hình xấu đi. Ông McFee kết luận: “Rủi ro suy thoái sẽ gia tăng từ nay đến cuối năm, nhưng ở thời điểm này thì nguy cơ không cao”.