|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chiêu trò tinh quái của của các trang bán hàng nhằm thôi thúc người tiêu dùng mua sản phẩm mà họ không muốn

07:50 | 06/07/2019
Chia sẻ
Hiển thị những thông điệp giả về số tiền mà người tiêu dùng đã tiết kiệm khi mua hàng là một trong những cách mà các trang thương mại điện tử thôi thúc người tiêu dùng ra quyết định mua.

Khi những khách hàng tiềm năng truy cập chợ trực tuyến ThredUp, những thông điệp trên màn hình thường xuyên báo với họ số tiền mà người dùng khác trên chợ đang tiết kiệm, The New York Times đưa tin.

"Alexandra ở Anaheim vừa tiết kiệm 222 USD trên đơn hàng" là nội dung một thông điệp bên cạnh ảnh của một bộ trang phục rực rỡ, nhiều màu sắc. Đó là "tiểu xảo" phổ biến trên các trang bán hàng trực tuyến, nhằm tận dụng khao khát "không thua thiệt so với người khác" và tạo cảm giác "sợ lỡ cơ hội".

ThredUp 1

Những thông điệp giả trên chợ điện tử ThredUp. Ảnh: The New York Times

Song "Alexandra ở Anaheim" không hề mua bộ đầm. Cô ấy không tồn tại. Thay vào đó, mã lệnh của trang web liên tục "tung" ra những câu kết hợp từ những tên người, địa điểm và sản phẩm được lập trình sẵn và hiển thị chúng như những giao dịch thực sự gần đây.

Các thông điệp giả là một ví dụ về thủ thuật tinh quái trên mạng nhằm thôi thúc người truy cập web thực hiện những việc mà họ không chọn nếu thông điệp giả không xuất hiện. Chúng là phiên bản kĩ thuật số của những thủ thuật cổ điển để tác động tới hành vi của người tiêu dùng - như đặt sản phẩm gần quầy thanh toán để khách hàng nổi hứng mua hàng, hay những quảng cáo kieur "nhử mồi" để bán xe hơi cũ.

Đôi khi các "thủ thuật đen" gần giống trò lừa, giống như những thông điệp giả của ThredUp. Nhưng thông thường, chúng luôn "chấp chới" trên ranh giới của lừa đảo và thuyết phục. Chẳng hạn, trang web có thể hiển thị nút "Chấp nhận" với màu sắc rực rỡ, trong khi nút "Từ chối" lại ẩn nấp trong menu khiến phần lớn người lướt web chỉ có thể bấm nút "Chấp nhận".

Mối quan tâm của mọi người đối với những công cụ tác động tới hành vi mua hàng trực tuyến đã tăng từ năm 2018, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp công nghệ trong Thung lũng Silicon ở Mỹ thu thập và phân tích thông tin riêng tư của người tiêu dùng. 

Một yếu tố quan trọng mà người ta thảo luận là khái niệm đồng thuận: Các doanh nghiệp có thể thực hiện những hành động nào để kích thích người tiêu dùng quyết định mua hàng.

Một nghiên cứu do Đại học Princeton (Mỹ) công bố gần đây đã thống kê những doanh nghiệp, đặc biệt là hãng bán lẻ, áp dụng chiêu trò để thôi thúc người tiêu dùng ra quyết định mua. Đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét một cách hệ thống số lượng lớn trang web. Nhóm nghiên cứu phát triển một phần mềm có khả năng quét tự động hơn 10.000 trang bán hàng. Kết quả cho thấy hơn 1.200 trang sử dụng những thủ thuật để tác động tới hành vi mua hàng.

Đại học Princeton công bố kết quả nghiên cứu vào thời điểm giới lập pháp Mỹ đang thảo luận về nỗ lực kiểm soát các tập đoàn công nghệ. Hồi tháng 4, hai thượng nghị sĩ Mỹ đã đệ trình dự thảo nhằm hạn chế chiêu trò của các hãng công nghệ, đồng thời trao cho Ủy ban Thương mại Liên bang quyền hạn lớn hơn để giám sát các "thủ thuật đen".

Mặc dù vậy, triển vọng của các dự luật không rõ ràng, một phần vì khái niệm "thủ thuật đen" khá mơ hồ. Mặc dù vậy, các chuyên gia luật pháp nhận định đây là bước đầu tiên để các nhà lập pháp thảo luận về "thủ thuật đen".

"Câu hỏi quan trọng về phương diện chính sách là: Yếu tố nào giúp chúng ta phân biệt một chiêu trò xấu với quảng cáo hợp pháp? Đó là một ranh giới rất khó phân định", Woodrow Hartzog, một giáo sư bộ môn Luật và Khoa học máy tính của Đại học Northeastern (Mỹ), bình luận.

Nhạc Dương