Các sàn thương mại điện tử phạm luật nếu nhận phản ánh về việc bán sách lậu, sách giá nhưng không xử lí
Ngày 18/6, ban lãnh đạo công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) tổ chức buổi họp báo tại khách sạn Continental, TP Hồ Chí Minh với nội dung "Công bố bằng chứng kinh doanh tiêu thụ sách giả vi phạm pháp luật của Shopee, Sendo và Lazada".
Phát biểu trong sự kiện, ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc Trí Việt, công bố hàng loạt bằng chứng về hoạt động tiêu thụ sách giả thông qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Lazada, Sendo và Shopee. Theo ông, khoảng một năm trước, First News đã nhận thấy sách lậu, sách giả lưu thông qua mọi sàn thương mại điện tử. Khi công ty của ông liên hệ với các sàn để phản ánh thực trạng, người đại diện của các sàn bán hàng online đều nói họ chỉ cho thuê cửa hàng và thu mức phí 13% doanh thu nên họ không chịu trách nhiệm nếu người bán phân phối sách lậu, sách giả, song họ sẵn sàng phát hiện sách giả sàn thương mại điện tử sẽ bồi thường 110% giá sách.
Sàn thương mại điện tử không thể vô can
Luật sư Thạc Sỹ Nguyễn Đức Hùng - Phó giám đốc, Hãng Luật TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Nếu hoạt động mua bán sách lậu diễn ra trên các sàn thương mại điện tử (với mức độ thường xuyên nhất trên các sàn Shopee, Lazada và Sendo) như thông tin mà First News đã công bố là đúng, thì đó là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tác giả, nhà xuất bản và người tiêu dùng.
Khoản 6 Điều 37 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử đã quy định người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm: "Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử".
Đồng thời, việc "lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;" cũng là hành vi bị cấm theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Các sàn giao dịch thương mại điện tử có thể lập luận họ chỉ là các đơn vị trung gian, cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Tuy nhiên, Khoản 8 Điều 36 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công thương đã quy định thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử; loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.
"Do đó, nếu các sàn giao dịch điện tử không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những loại sách lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và Luật Xuất bản (đặc biệt là khi đã nhận được cảnh báo hoặc khiếu nại), họ đã vi phạm quy định của pháp luật", luật sư Hùng nhận định.
Các quy định khác của pháp luật
Ngoài ra, hệ thống pháp luật Việt Nam có rất nhiều các văn bản và các quy định bảo vệ quyền tác giả và các nhà xuất bản như: Bộ luật dân sự năm 2015, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật xuất bản năm 2012 và hàng loạt các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan (Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; và Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.v.v..).
Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định về "Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" (Điều 225) và "Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản" (Điều 344).
Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc công ty Luật TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC
Vấn nạn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực quyền tác giả và xuất bản vẫn rất nghiêm trọng. Sự phát triển của mạng intrernet và các trang thương mại điện tử đã tạo ra một kênh phát tán sách lậu mới, khiến cho vấn nạn sách lậu càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Thực trạng đáng buồn đã khiến cho nhiều công ty phát hành, nhà xuất bản và các tác giả nản lòng, khi phải gánh chịu những thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín.
Điều đó cho thấy, các quy định pháp luật trong lĩnh vực xuất bản vẫn có những hạn chế và chưa được thực thi một cách nghiêm minh, đầy đủ trên thực tế. Luật sư Hùng cho rằng các cơ quan chức năng cần phải tích cực vào cuộc hơn nữa, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, kiêm quyết đấu tranh, xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi vi phạm.
"Bạn đọc và toàn xã hội cũng phải nâng cao nhận thức, không sử dụng các ấn phẩm, sách lậu để ngăn chặn một cách hiệu quả vấn nạn sách lậu", ông Hùng bình luận.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/