Cảnh báo sàn TMĐT Việt thành chợ hàng Trung Quốc
“Đến một ngày nào đó bạn có tin trên Lazada hay một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) khác không còn hoặc còn rất ít người Việt Nam bán hàng?”. Ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink Media (ảnh bên) trò chuyện với Báo Giao thông về những rủi ro khi các sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc (Báo Giao thông số 71 ra ngày 14/6/2019) phản ánh. Và việc người Trung Quốc xâm chiếm kênh phân phối TMĐT để dọn chỗ bán hàng của họ cũng không khác cách người Thái, người Hàn, người Nhật đã làm tại Việt Nam.
Cuộc đua gay cấn
Thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đang trong cuộc đua “đốt tiền” nghìn tỷ. Khoản lỗ đó, theo ông “chảy” vào đâu?
Cuộc chiến TMĐT là cuộc chiến phải tiêu diệt “thằng” khác, để thâu tóm thị trường. Muốn vậy, phải bằng mọi cách thu hút người bán (seller) lẫn người mua (buyer), từ quảng cáo rầm rộ, miễn nhiều khoản phí, giảm giá “sập sàn”…
Để thu hút các seller, các sàn đang miễn cho họ nhiều loại phí như: Phí mở tài khoản trung bình 1 triệu đồng/gian hàng; phí thuê gian hàng trung bình 1 triệu đồng/năm; phí doanh thu (3-5%), một số đơn vị còn miễn cả phí kho bãi, thậm chí miễn cả phí ship…
Ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink Media.
Đặc biệt, một khoản chi phí khổng lồ là đổ tiền vào chạy quảng cáo miễn phí cho các chủ gian hàng (như Lazada, Shopee), thậm chí còn chạy bám đuổi. Do nhiều doanh nghiệp, cá nhân chọn bán trên tất cả các sàn. Vì vậy, sàn nào hỗ trợ tốt hơn, doanh số tốt hơn thì người bán sẽ ưu tiên, lựa chọn nên các sàn phải tìm mọi cách bán hàng cho họ.
Để thu hút người mua, cách thức hiệu quả nhất vẫn là giảm giá, khuyến mại, có sản phẩm mức giảm tới 50%. Đây cũng là khoản “muối bỏ bể”, khiến các doanh nghiệp TMĐT càng tăng người bán, người mua, càng tăng đơn hàng thì mức lỗ càng “khủng” và cuộc đua trên thị trường này không khác cuộc đua “đốt tiền” là vì vậy!
Cuộc chiến này mang lại lợi ích thấy ngay cho cả người bán, người mua, đồng thời cũng thúc đẩy thói quen kinh doanh, mua sắm trực tuyến khi đạt tới con số 1 triệu seller. Nhưng về lâu dài, có gì bất lợi cho chúng ta, nhất là khi các “ông lớn” TMĐT hiện đều đang thuộc sở hữu nước ngoài, trong đó phần lớn là của Trung Quốc?
Cuộc đua gay cấn đến hồi tìm cách tăng doanh số bằng mọi giá, như rao bán cả những sản phẩm có giá trị rất lớn như đất đai, nhà ở, biệt thự… Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ người bán cũng dễ bị “lách”. Ví dụ như một sàn tung chương trình khuyến mãi khách hàng mua váy áo được tặng son chẳng hạn. Các seller có thể chơi bài hạ giá toàn bộ sản phẩm, bỏ tiền, cho người mua váy áo để lấy quà của sàn là son. Như vậy, doanh số trong trường hợp này là ảo, hàng hóa không luân chuyển, không thúc đẩy tiêu dùng thực sự. Tất nhiên, ngay cả như thế thì người bán, người mua Việt Nam cũng vẫn có lợi, chỉ các sàn là “đốt tiền” nhanh hơn.
Nhưng lâu dài thì các seller Việt Nam đừng đùa! Tôi lấy dẫn chứng thế này. Lâu nay chúng ta cứ lên sàn đặt hàng, nhưng khi hàng ship đến có mấy khi nhìn địa chỉ người gửi hàng cho chúng ta là ai không? Nhưng nếu để ý, có không ít món hàng được gửi từ nước ngoài, bởi người gửi ở nước ngoài, trong đó một tỷ lệ không nhỏ là từ Trung Quốc. Tức là bán hàng theo hình thức dropship (người bán không có hàng). Cụ thể, nhiều seller lên sàn rao bán sản phẩm, có khách đặt mua, họ mới đặt hàng từ người có hàng thật (ở nước ngoài), để hàng chuyển thẳng đến người bán, ở giữa ăn chênh lệch giá. Tức là các seller Việt Nam đang làm “đại diện bán hàng” cho sản phẩm, hàng hoá từ nước ngoài. Đây là trường hợp thứ nhất.
Trường hợp thứ hai (điều này mới nguy hiểm), là sản phẩm đó được gửi từ các seller đăng ký tại các quốc gia khác, mà hiện giờ chủ yếu là Trung Quốc (Taobao, 1688, AliExpress, Alibaba, Tmall…) hay Amazon… Tức là người Trung Quốc hoàn toàn có thể đăng ký tài khoản trên các sàn Lazada, Shopee hay Tiki..., mở gian hàng trên đó và bán hàng trực tiếp cho người Việt Nam, chứ không cần chờ người Việt Nam sang Trung Quốc mua về rồi bán lại.
Đến một ngày nào đó bạn có tin trên Lazada hay một số sàn TMĐT khác không còn hoặc còn rất ít người Việt Nam bán hàng không? Tại sao? Vì doanh nghiệp, thương nhân người Trung Quốc có thể bán hàng thẳng từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng Việt Nam mà không cần qua trung gian, với mức giá rất rẻ. Tôi lấy ví dụ, một chiếc cốc sản xuất tại Trung Quốc hết 1 đồng, nếu bán trực tiếp cho người Việt Nam giá 2 đồng là họ đã có lãi rồi. Nhưng nếu seller Việt Nam nhập về bán, chắc phải bán 3 đồng, vì còn phải công, lương, lãi…
Hay như bộ nồi đang được một seller Việt Nam bán trên Lazada giá 180.000 đồng - có thể nói là thấp nhất (một số trang khác bán 200.000 đồng, có nơi còn bán gần 500.000 đồng). Tôi chụp ảnh chiếc nồi này, đưa vào tìm kiếm thì cho kết quả: Một seller Trung Quốc đang bán trên một sàn TMĐT của họ giá 19 nhân dân tệ, tương ứng khoảng 70.000 đồng. Như vậy, nếu seller Trung Quốc đó đăng ký tài khoản trên Lazada hay các sàn TMĐT của Việt Nam, chỉ cần bán giá 100.000 đồng (vì họ đang bán 70.000 đồng ở Trung Quốc đã có lãi rồi, về Việt Nam sẽ chỉ thêm chút chi phí thuế, vận chuyển…). Như vậy, khi ấy seller Việt Nam bán giá 180.000 đồng thì ai mua? Không còn ai mua, người bán cũng sẽ phải rời bỏ sàn.
Và cứ dần dần như thế, đến một ngày nào đó, các seller Việt Nam còn lại trên sàn chủ yếu là bán một số sản phẩm Việt Nam sản xuất, với số lượng không đáng kể. Khi đó, người mua vẫn là người Việt Nam, nhưng người phân phối phần lớn là người Trung Quốc. Như vậy, cuộc chơi của TMĐT khi ấy không kích thích được kinh tế tăng trưởng. Vì nó tạo ra doanh số nhưng chỉ có người tiêu dùng Việt Nam, tức là mình chỉ có mua, chỉ có tiêu chứ không kinh doanh sinh lời.
“Cửa” phân phối hàng Việt Nam còn rất hẹp
Kênh phân phối truyền thống của chúng ta, nhiều thương hiệu lớn trong tay người Thái (Metro Cash & Carry, BigC); người Hàn (Lotte); người Nhật (Aeon)… Việc chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ cũng là nhằm dọn chỗ cho hàng của họ xâm nhập thị trường Việt Nam. Giờ là người Trung Quốc nắm trong tay kênh phân phối TMĐT. Có vẻ như “cửa” phân phối hàng Việt Nam còn rất hẹp, thưa ông?
Đúng như vậy. Nhưng “cục diện” sau cuộc xâm chiếm trên kênh phân phối thương mại truyền thống nó vẫn thay đổi chậm hơn. Cụ thể, kênh phân phối truyền thống dù của ngoại, vẫn có người Việt, doanh nghiệp Việt bán hàng ở đó. Còn kênh phân phối TMĐT, cuộc đổ bộ của seller ngoại nhanh hơn, đồng nghĩa seller Việt cũng phải rời bỏ sớm hơn, vì nó không có biên giới. Người Trung Quốc không cần sang Việt Nam thuê nhà, bán hàng, nộp thuế… Họ vẫn có thể ngồi ở nước họ, bán cho người Việt qua: Lazada, Shopee, Tiki, thậm chí ngay cả Sendo, Adayroi, Điện máy xanh… Và trong cuộc chiến này, người mua Việt Nam tự loại người bán Việt Nam, chứ họ chẳng phải là gì cả.
Rất nhiều bạn trẻ đang dùng điện thoại thông minh, đây cũng là một trong những nhóm khách hàng thường xuyên mua sắm trực tuyến. Ảnh: Khánh Linh
TMĐT xóa mờ biên giới, cũng là cơ hội cho chính người Việt Nam mang sản phẩm đi khắp thế giới. Tuy nhiên, đáng buồn là, người Việt Nam có khoảng 10.000 tài khoản bán hàng trên Amazon, song 90% trong số họ bán hàng Trung Quốc. Vậy gốc rễ câu chuyện vẫn là có gì để bán chứ không hẳn là kênh phân phối?
Đó là một câu chuyện buồn! (cười). Toàn bộ hàng Trung Quốc bán trên Amazon mang lại doanh số 100 tỷ USD/năm (trong đó bao gồm cả doanh số từ 10.000 tài khoản của seller Việt Nam). Hàng Việt Nam trên Amazon vừa ít về số lượng, vừa thấp về giá trị (phần lớn là sản phẩm truyền thống, lưu niệm, du lịch…). Và trên các kênh TMĐT lớn tại Việt Nam hiện nay, hay sau này, dù người bán là Việt Nam hay Trung Quốc thì sản phẩm bán ra phần lớn cũng vẫn có nguồn gốc Trung Quốc. Bởi bản chất nằm ở chỗ nền sản xuất của chúng ta còn yếu, không cạnh tranh nổi với họ cả về số lượng lẫn giá cả.
Lợi thế về vị trí địa lý, thói quen, tâm lý tiêu dùng… không giúp gì cho các doanh nghiệp, các seller Việt Nam hay sao? Theo ông, “cửa” nào cho chúng ta trên kênh TMĐT?
So với các seller ngoại, seller Việt Nam có lợi thế lớn nhất là dịch vụ hậu mãi. Hàng rẻ tiền thì không cần nhưng xe máy ô tô, hay máy tính, điện thoại, hàng điện tử, máy lạnh… thì phải có. Nên cơ bản bán sản phẩm đi kèm dịch vụ, người nước ngoài không cung cấp được, vẫn phải người Việt Nam. Bên cạnh đó là thực phẩm cần nhanh, tươi như trà sữa, cá kho, hay ngay cả thịt kho Tàu, cũng là “sân” của chúng ta. Ngoài ra còn các sản phẩm truyền thống như văn hóa địa phương, dịch vụ tại chỗ, khách sạn nhà hàng… không thể thay thế được, không thể mang sang được, nên TMĐT sẽ đi mạnh vào các dịch vụ như vé máy bay, nghỉ dưỡng du lịch, đào tạo... Ước chừng, các sản phẩm, dịch vụ này chiếm khoảng 30% thị trường và chúng ta phải bằng mọi cách phát huy thế mạnh của nhóm sản phẩm này.
Cảm ơn ông!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/