|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thương mại điện tử toàn cầu: Hướng đi mới cho doanh nghiệp

13:53 | 13/04/2019
Chia sẻ
Với những lợi ích lớn mà Thương mại điện tử mang lại, Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến Thương mại hứa hẹn sẽ đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp nhằm xúc tiến xuất khẩu.

Thương mại điện tử toàn cầu dự kiến đạt 43% tổng giá trị thương mại điện tử trong 2 năm tới

Phát biểu tại "Diễn đàn xúc tiến xuất nhập khẩu Việt Nam 2019" ông Gijae Seong, Giám đốc phát triển bán hang toàn cầu, Amazon Global Selling Đông Nam Á và châu Úc cho rằng với đà phát triển này, thương mại điện tử sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 6 lần so với bán buôn bán lẻ thông thường.

Năm 2014, thương mại điện tử toàn cầu chỉ chiếm 17% tổng giá trị thương mại điện tử nói chung nhưng đến năm 2020 được dự đoán sẽ đạt tới 43%. 

Ông Gijae cũng cho biết thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng được ưa chuộng hơn thương mại điện tử bình thường nhờ giảm thiểu những hạn chế trước đây bằng cách thắt chặt mối quan hệ trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Với nền tảng trực tuyến, doanh nghiệp không còn cần thiết thành lập các chi nhánh, đại lí khắp nơi trên thế giới, các nhà sản xuất có thể trực tiếp kiểm soát giá, doanh nghiệp cũng có thể nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng theo thời gian thực mà không cần dựa vào các báo cáo tổng hợp hàng năm nữa. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu một cách tốt hơn.

Thương mại điện tử: định hướng mới cho xúc tiến xuất khẩu Việt Nam

Cũng tại diễn đàn, Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho rằng vai trò của Cục Xúc tiến Thương mại , cơ quan quản lý, Bộ Công Thương trong vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến một cách hiệu quả, giảm sức ép chi phí nguồn lực cho doanh nghiệp đang là câu hỏi được đặt ra. 

Dù doanh nghiệp đã rất chủ động, tuy nhiên từ đặc điểm của nền kinh tế, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc phải tự đi bươn chải, luồn lách vào các phân khúc thị trường ngách là quá sức so với họ. 

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia mở cửa toàn cầu, để duy trì phát triển bền vững, Bộ Công Thương cần phải có những định hướng mới. Một trong số những định hướng ông Phúc đưa ra là thương mại điện tử.

Ông Phú cũng chia sẻ: "Trong thời gian tới, Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến Thương Mại sẽ cố gắng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu".

Cụ thể hơn, theo ông Phú, nói đến hoạt động Xúc tiến Thương Mại của Việt Nam, đa phần doanh nghiệp thường nói về hội chợ, triển lãm. Tuy nhiên, khái niệm về Xúc tiến Thương Mại rộng hơn nhiều, là sự kế nối giữa người mua và người bán trên thị trường. Hoạt động cung cấp tư vấn thị trường, kết nối đối tác với thị trường quan trọng hơn nhiều.

Thương mại điện tử toàn cầu: Hướng đi mới cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Hình ảnh tại Diễn đàn xúc tiến xuất nhập khẩu Việt Nam 2019.

Trong khi đó, công nghệ thông tin là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, bên cạnh mặt hàng truyền thông, Việt Nam được tiếng là cường quốc về công nghệ thông tin, trong đó sản phẩm số, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin truyền thông cũng là một mặt hàng để xuất khẩu.

Ông cũng cho biết thêm nền kinh tế của Việt Nam với xu thế chuyển hướng đẩy mạnh phát triển dịch vụ thì việc xuất khẩu dịch vụ, những sản phẩm công nghệ thông tin cũng là một định hướng cần được chú trọng.

Như vậy, thương mại điện tử chính là một giải pháp xúc tiến thương mại và Bộ Công Thương sẽ phải tăng cường hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn thông tin thị trường, kết nối giữa người mua và người bán một cách hiệu quả hơn nữa, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp.

Thảo Dương