|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thương mại điện tử Việt Nam đang 'bùng nổ', nhưng phần lớn doanh nghiệp chưa sẵn sàng tận dụng thời cơ

18:02 | 28/03/2019
Chia sẻ
Sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô thị trường của lĩnh vực thương mại điện tử đang là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển hàng đầu Đông Nam Á

Đây là nhận định của ông Đặng Hoàng Hải, người đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam, do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/3 tại TP HCM.

"Với hơn 64 triệu người, tương đương 66% dân số đang sử dụng internet, 58 triệu người sử dụng các mạng xã hội và với tốc độ tăng trưởng của quy mô thị trường, Việt Nam sẽ có tốc độ phát triển hàng đầu Đông Nam Á về thương mại điện tử", ông Hải nói.

Khảo sát của VECOM cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam khá cao, đặc biệt ở một số lĩnh vực như bán lẻ trực tuyến.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của VECOM, năm 2018 là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%. Với điểm xuất phát thấp (khoảng 4 tỉ USD) vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới 7,8 tỉ USD.

Thương mại điện tử Việt Nam đang bùng nổ, nhưng phần lớn doanh nghiệp chưa sẵn sàng tận dụng thời cơ - Ảnh 1.

Với chủ đề "Scaling Up", Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2019 thu hút sự quan tâm của hơn 800 doanh nghiệp và diễn giả. Ảnh: Như Huỳnh

Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỉ USD vào năm 2020 - cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020. Theo mục tiêu này, quy mô thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỉ USD vào năm 2020.

Đồng quan điểm về cơ hội phát triển của thương mại điện tử Việt Nam, bà Lê Thị Thùy Trang, người đại diện của Nielsen Việt Nam, nhận định mức độ thâm nhập internet của người Việt chiếm hơn 53%, thời gian sử dụng hàng ngày là 6,5 tiếng, 33% người tiêu dùng Việt mua sắm trực tuyến, dùng thẻ để giao dịch, chuyển khoản chứ không dùng tiền mặt.

"Xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, dư địa còn rất nhiều. Thời gian hơn 6,5 tiếng sử dụng internet mỗi ngày của người Việt chính là cơ hội của thương mại điện tử trong thời gian tới. Hoạt động mua sắm online sẽ bùng nổ hơn", bà Lê Thị Thùy Trang nhấn mạnh.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, tiềm năng của thương mại điện tử chính là do dân số trẻ của Việt Nam và lượng người dùng điện thoại thông minh chiếm tỉ trọng lớn. 

Còn người đại diện Nielsen Việt Nam lại cho rằng động lực mua hàng online là yếu tố quyết định "Động lực là vấn đề giá cả, các chương trình khuyến mại, các chính sách bán hàng, giao hàng mà các sàn thương mại điện tử dành cho người tiêu dùng. Đây là sự kích thích tăng trưởng quan trọng của thương mại điện tử Việt Nam", bà Trang nói.

Làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu 13 tỉ USD vào năm 2020

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng của TMĐT khá cao nhưng chỉ các doanh nghiệp lớn ứng dụng hiệu quả các nền tảng di động. Số liệu của VECOM cho thấy, cả nước chỉ 17% doanh nghiệp có website phiên bản di động. Tỉ lệ doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2018 cũng chỉ chiếm 14%. Và tới 58% doanh nghiệp chi dưới 10 triệu đồng/năm để làm chi phí quảng cáo website, ứng dụng di động qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động.

"Mức độ quan tâm, ứng dụng của doanh nghiệp trên các sàn thương mại điện tử cũng chưa có sự tăng trưởng mạnh mẽ, vẫn chỉ dao động 11-13% doanh nghiệp tham gia khảo sát kinh doanh qua sàn", ông Đặng Hoàng Hải, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nói.

Theo ông Hải, để thương mại điện tử Việt Nam phát triển vững chắc và doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy rõ tầm quan trọng của công nghệ trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Việt Nam cần có môi trường và hệ sinh thái thuận lợi, bao gồm hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tiên tiến, giúp đa số người dân tiếp cận dễ dàng tới Internet qua thiết bị di động.

Thương mại điện tử Việt Nam đang bùng nổ, nhưng phần lớn doanh nghiệp chưa sẵn sàng tận dụng thời cơ - Ảnh 2.

Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam, do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/3 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, phát biểu: "Phải thừa nhận rằng, hiện nay các doanh nghiệp đang tham gia rất mạnh mẽ vào lĩnh vực thương mại điện tử. Do đó, yếu tố cạnh tranh phải đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc tăng doanh thu bán hàng, tăng số lượng khách hàng, người bán phải quan tâm đến chất lượng. Các sàn phải xử lý các gian hàng không thực hiện đúng cam kết, không đưa hàng hóa đủ chất lượng đến người tiêu dùng khiến họ bị phản cảm với hình thức mua bán trực tuyến. "Còn với những doanh nghiệp không tuân thủ, chắc chắn sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay và lên án trên chính các trang thương mại điện tử của họ", ông Hưng nhấn mạnh.

Dù vậy, để thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh và ổn định, Việt Nam cũng cần có hành lang pháp lý phù hợp. Về vấn đề này, người đại diện VECOM cho rằng hiện nay chúng ta đã có môi trường pháp lý để kinh doanh thương mại điện tử, song dường như những chính sách vẫn luôn đi sau sự phát triển về kinh tế.

Do đó, hành lang pháp lý cho thương mại điện tử cần được liên tục cập nhật với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện, theo kịp thực tiễn phát triển của các mô hình và hoạt động của lĩnh vực thương mại điện tử khác nhau trong xã hội.

Bên cạnh đó, đại diện Nielsen Việt Nam bà Lê Thị Thùy Trang Trang nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp không thể dựa mãi vào chính sách khuyến mại, bởi họ không thể giữ chân người tiêu dùng bằng cách đó. Doanh nghiệp cần cạnh tranh bằng hạ tầng, bằng chất lượng sản phẩm, bằng các phương thức giao hàng nhanh, tiện lợi, uy tín".

Siết quản lý kinh doanh hàng kém chất lượng trên ứng dụng thương mại điện tửSiết quản lý kinh doanh hàng kém chất lượng trên ứng dụng thương mại điện tử Xung đột Mỹ - Trung tăng cao, doanh nghiệp không thể lơ là phòng vệ thương mạiXung đột Mỹ - Trung tăng cao, doanh nghiệp không thể lơ là phòng vệ thương mại Nhiều Nhiều 'nút thắt' của doanh nghiệp công nghệ biến mất từ ngày 20/3

Như Huỳnh