|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến tranh thương mại với Trung Quốc dịu đi, Mỹ chuẩn bị đụng độ Nhật Bản

19:00 | 13/04/2019
Chia sẻ
Nhật Bản cuối cùng cũng phải bước vào "trận chiến" mà nước này cố gắng né tránh trong hơn hai năm - các cuộc đàm phán thương mại song phương với Tổng thống Trump.
Chiến tranh thương mại với Trung Quốc dịu đi, Mỹ chuẩn bị đụng độ Nhật Bản - Ảnh 1.

Nhật Bản và Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán vào tuần tới.

Mỹ nhắm đến Nhật Bản sau chiến tranh thương mại kéo dài một năm với Trung Quốc

Bloomberg đưa tin, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có vẻ có lợi thế trong các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới tại Washington, ngay khi đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc gần tiến tới kết thúc.

Thủ tướng Shinzo Abe rất muốn tránh thuế quan hoặc hạn ngạch đối với xuất khẩu ô tô - một hoạt động sinh lời cho Nhật Bản, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mở cửa thị trường nông nghiệp Nhật Bản và giảm thâm hụt thương mại trị giá 60 tỉ USD.

Ông Abe đã bỏ nhiều công sức thuyết phục ông Trump để duy trì mối quan hệ chiến lược nhằm bảo vệ Nhật Bản trước các mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên và Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Nhật Bản sẽ bỏ qua vấn đề thương mại. Chính phủ của ông Abe quyết tâm tránh trao cho Mỹ một thỏa thuận song phương tốt hơn so với các hiệp định đa phương mà ông đã đàm phán với nhiều quốc gia châu Âu và khu vực Thái Bình Dương.

"Mỹ mới là nước yêu cầu đàm phán song phương", ông Ichiro Fujisaki, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ và hiện là chủ tịch của Nakasone Peach Institute, cho biết. 

"Vì vậy, chính Mỹ phải cho chúng tôi biết họ muốn gì, thay vì chúng tôi cung cấp cái này và cái kia trước khi được yêu cầu".

Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ làm gia tăng mối lo của các nhà đầu tư rằng ông Trump đang chuyển mục tiêu từ Trung Quốc sang một nền kinh tế khác. 

Tổng thống Trump, người sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi về những thành công trong việc tái cân bằng quan hệ thương mại của Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống vào năm sau, đã gợi ý sẽ tiếp tục đe dọa áp thuế quan, bất chấp những lo ngại về kinh tế ngày càng tăng.

Ông Abe chỉ đồng ý đàm phán song phương sau khi ông Trump áp thuế trừng phạt lên xuất khẩu thép và nhôm của nước này vào năm ngoái và sau đó lại tiếp tục đe dọa áp thuế lên xe ô tô nhập khẩu với mức thuế 25%, gồm cả xe sản xuất tại Nhật Bản. Ông Trump phải đưa ra quyết định về qui trình áp thuế quan lên xe ô tô vào tháng 5 tới.

 "Nhật Bản đang đàm phán", ông Trump trả lời báo chí vào tháng 3 vừa qua. "Họ đã không muốn đàm phán trong nhiều năm qua, nhưng bây giờ họ đang đàm phán. Đó là nhờ 'thuế quan'".

Định hướng của Nhật Bản

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi đã quan sát các cuộc đàm phán trước đó giữa chính quyền Trump với Hàn Quốc, Canada, Mexico và Trung Quốc trước khi ngồi xuống cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào tuần tới.

Trong 8 cuộc đàm phán vừa qua, Mỹ thường đưa ra những quan điểm cực đoan đe dọa trừng phạt quan hệ kinh tế, tuy nhiên cho đến nay mới đổi lại được những thay đổi khiêm tốn từ đối tác đàm phán.

Ông Abe đã củng cố vị thế của Nhật Bản bằng cách hoàn thành các hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và 10 đối tác khác bị ông Trump bỏ rơi khi ông từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi nhậm chức.

Những thỏa thuận này đã khiến nông dân Mỹ, gồm các nhà sản xuất thịt bò và thịt heo, có nguy cơ mất 22% thị phần trên thị trường nhập khẩu thực phẩm của Nhật Bản cho các đối thủ có mức thuế thấp hơn.

"Đối với Nhật Bản, chính phủ không có lí do gì để vội vã và nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán", theo ông Junji Nakagawa, giáo sư nghiên cứu các vấn đề thương mại tại Đại học Chuogakuin tại tỉnh Chiba. 

"Mong muốn thúc đẩy đàm phán nhanh chóng lại đến từ phía Mỹ, đặc biệt là nhà vận động hành lang trong lĩnh vực nông nghiệp".

Phạm vi của các cuộc đàm phán sẽ là nhân tố quan trọng. Nếu Mỹ có thể chấp nhận bình đẳng với các quốc gia châu Âu và TPP về nông nghiệp - như hai bên đã đề xuất trong một tuyên bố chúng ngày 26/9/2018 - ông Abe sẽ sớm giải quyết vấn đề.

Ông Trump dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước với hoàng đế sắp kế vị - Thái tử Naruhito - tại Tokyo vào tháng tới, và Nhật Bản không muốn tranh chấp thương mại ảnh hưởng đến việc kế vị của Thái tử Naruhito.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Mỹ theo cách có lợi cho cả hai bên", Bộ trưởng Tài chính Taro Aso nói với Phòng Thương mại Mỹ vào hôm qua (11/4) tại Washington.

Vấn đề là, một tuyên bố chung tương tự cũng đã kêu gọi giảm thặng dư thương mại của Nhật Bản và sự bình đẳng nông nghiệp là chưa đủ với Tổng thống Trump. Thủ tướng Abe có thể đào sâu để tránh thỏa thuận một chiều, đặc biệt là khi Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông đang đối mặt với cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7.

"Ông Trump có suy nghĩ sai lầm tồn tại sự không công bằng khi những chiếc xe Toyota xếp tại các bến cảng của Los Angeles nhưng không có bất kì chiếc Fords hay GM nào trên đường phố Tokyo", ông Matthew Goodman, người nắm giữ vai trò trong Hội đồng Bảo an Quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama và George W. Bush.

"Có rất ít người tin rằng đây sẽ là trọng tâm của các cuộc đàm phán Mỹ - Nhật Bản. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại muốn như vậy. Vì thế, điều này rất có khả năng xảy ra", ông Goodman nói thêm.

Nhật Bản, vốn vẫn nuôi hi vọng Mỹ quay lại TPP, có thể sẽ nhấn mạnh vào khả năng tiếp cận thị trường mà họ nhận được theo hiệp ước này. Điều này có nghĩa là Mỹ phải loại bỏ thuế quan lên xe ô tô Nhật Bản, vốn chiếm đến 6% hàng xuất khẩu của nước này đến Mỹ.

Trần Nam Thi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.