|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến tranh thương mại: Mỹ thắng hiệp 1, Trung Quốc dẫn trước ở hiệp 2?

18:06 | 20/09/2019
Chia sẻ
Dòng doanh nghiệp đổ xô rời khỏi Trung Quốc đã mang về thắng lợi cho Tổng thống Trump trong giai đoạn 1.0 của cuộc chiến thương mại, tuy nhiên thâm hụt khổng lồ của Mỹ với thế giới đã cho thấy Bắc Kinh mới là phía chiếm thế thượng phong ở giai đoạn 2.0.
US-NEWS-USCHINA-TARIFFS-LA-1

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Mục tiêu khác biệt của hai bên

Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào tháng 3/2018, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp thuế quan lên hàng hóa của đối phương xen kẽ giữa 12 vòng đàm phán.

Khi vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10, nhiều người sẽ tự hỏi Mỹ hay Trung Quốc mới là phía giành chiến thắng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chấn động này.

Theo South China Morning Post, Tổng thống Donald Trump có hai mục tiêu chính: cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, và buộc chuỗi cung ứng cũng như hoạt động sản xuất rời khỏi Trung Quốc để làm suy yếu sức mạnh kinh tế lâu dài của đất nước tỉ dân.

Về phần mình, Bắc Kinh chủ yếu "chiến đấu" theo hướng phòng thủ, với mục tiêu chính là giảm thiểu thiệt hại cho chuỗi cung ứng mà họ mất nhiều thập kỉ để xây dựng, trong khi vẫn duy trì cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ.

Vì mục tiêu khác biệt, Mỹ muốn trì hoãn thỏa thuận hết mức có thể, trong khi Trung Quốc nhiệt tình bày tỏ mong muốn kí một thỏa thuận sớm nhưng không có kết quả.

Dựa trên tiến trình đàm phán cho đến nay, ông Trump đã giành chiến thắng trong giai đoạn Chiến tranh Thương mại 1.0.

Mặc dù thâm hụt thương mại với của Mỹ với thế giới tiếp tục tăng, nhiều doanh nghiệp đã dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nước này.

Chuyện gì đang xảy ra với thâm hụt thương mại của Mỹ?

Khi thế giới bước vào giai đoạn Chiến tranh Thương mại 2.0, chính quyền Tổng thống Trump lúc này lại mong muốn kí thỏa thuận hơn, trong khi Trung Quốc không còn háo hức như trước.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 36,6 tỉ USD (tương đương 12,3%) xuống còn 260,5 tỉ USD so với cùng kì năm ngoái.

Với khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giảm, thâm hụt thương mại của Mỹ với đất nước tỉ dân cũng giảm từ 222,9 tỉ USD của 7 tháng đầu năm 2018 xuống 200 tỉ USD trong cùng kì năm 2019.

22,9 tỉ USD (tương đương 10,3%) là mức thâm hụt đã cắt giảm, phù hợp với mục tiêu của ông Trump.

Tuy nhiên, kết luận này chỉ đúng nếu nhìn vào ảnh hưởng của con số trên đối với Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2019, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Mexico, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan tăng lần lượt 6,3%, 33,3%, 4,6%, 9,8% và 20,3%.

Nếu không tính các nền kinh tế khác, tổng mức tăng nhập khẩu của Mỹ từ 5 cái tên nêu trên đã đạt khoảng 35 tỉ USD, tương đương mức giảm nhập khẩu từ Trung Quốc trong cùng kì.

Trong giai đoạn 2018 - 2019, tổng nhập khẩu của Mỹ từ tất cả nền kinh tế trên thế giới trong 7 tháng đầu năm đã tăng hơn 6 tỉ USD, nâng tổng thâm hụt thương mại của Mỹ từ 494,5 tỉ USD lên 506 tỉ USD.

Như vậy, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đã khiến thâm hụt thương mại của Washington tăng lên chứ không giảm đi. Nhìn vào số liệu trên, chiến lược thuế quan của Tổng thống Trump không mang lại hiệu quả.

Mục đích đằng sau chính sách thuế quan của ông Trump

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mục đích thực sự đằng sau cuộc thương chiến không phải nhằm giảm tổng thâm hụt thương mại của Mỹ, mà là buộc doanh nghiệp phải di chuyển ra khỏi thị trường Trung Quốc sang các nước khác và làm suy yếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ không còn đến từ các nguồn rẻ nhất như Trung Quốc mà từ các nguồn rẻ nhất sau khi đã bao gồm thuế quan.

Kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump áp dụng thuế quan có chọn lọc với Trung Quốc, nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã và sẽ tiếp tục thay đổi đáng kể.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực dệt may, nhiều chuyên gia ngày càng tin rằng chính sách thương mại của Mỹ sẽ không đảo chiều. Ông Michael Casey, CEO của Carter's - một chuỗi cửa hàng quần áo trẻ em, gần đây nhận định: "Chúng tôi đoán thuế quan sẽ được duy trì vô thời hạn".

Loạt dữ liệu thương mại kể trên cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Mexico, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trên thực tế, mặc dù thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc chỉ mới áp dụng từ ngày 6/7/2018, quá trình đàm phán và đe dọa về thương mại đã bắt đầu ngay từ khi ông Trump vừa nhậm chức, làm gia tăng bất ổn cho mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung trong tương lai.

Đối mặt với mối rủi ro tăng cao, các doanh nghiệp Mỹ và công ty đa quốc gia khác đã có hơn hai năm để đưa ra quyết định đi hay ở lại Trung Quốc.

Vị thế đàm phán đổi chiều: Trung Quốc lên ngôi?

Cũng cần ghi nhớ rằng xu hướng đa dạng hóa địa điểm sản xuất ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc (còn gọi là chiến lược "Trung Quốc cộng một") đã diễn ra trong nhiều năm, thậm chí doanh nghiệp của đất nước tỉ dân cũng chuyển hoạt động ra nước ngoài, điển hình là Đông Nam Á.

Chiến tranh thương mại dường như chỉ đóng vai trò xác nhận, nếu không nói là nó góp phần tăng tốc quá trình này.

Chiến tranh Thương mại 1.0 đang thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất sang một loạt các nền kinh tế khác. Đối với các ngành công nghiệp dễ đa dạng hóa sản xuất, Việt Nam, Thái Lan và Bangladesh là những cái tên hưởng lợi.

Còn về các ngành công nghệ cao, doanh nghiệp thường có xu hướng chọn Hàn Quốc, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan, mặc dù quá trình di dời có thể tốn nhiều thời gian hơn do khâu tìm kiếm phương án thay thế phức tạp hơn.

Do thiệt hại với chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã xảy ra rồi nên khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào giai đoạn tranh chấp mới - Chiến tranh Thương mại 2.0, vị thế đàm phán tương đối của họ đã thay đổi.

Cụ thể, Bắc Kinh không còn trông đợi kí kết thỏa thuận thương mại vì bất kì thỏa thuận nào cũng khó có thể đảo ngược thiệt hại họ gánh chịu.

Trong khi đó, ông Trump hiện đang đối mặt với áp lực phải kí một thỏa thuận để giúp ông tái đắc cử, khi mà nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ liên tục phàn nàn về môi trường kinh doanh xấu đi.

Trong trường hợp này, South China Morning Post không kì vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục nhượng bộ nhưng vẫn dự đoán khả năng Bắc Kinh xuống nước để kí thỏa thuận có liên quan đến cải cách cơ cấu và cơ chế giám sát tuân thủ mà Washington yêu cầu.

Liệu Trung Quốc có thể trở thành người chiến thắng trong giai đoạn Chiến tranh Thương mại 2.0 hay không?

Yên Khê