|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến tranh thương mại đang che dấu điểm yếu chết người của kinh tế Trung Quốc

10:29 | 31/07/2019
Chia sẻ
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài đang khiến nhiều người quên mất những vấn đề nghiêm trọng mà Trung Quốc đang phải đối mặt: Nhiều bong bóng tài sản phình to và khối nợ tăng cao có khả năng giết chết tăng trưởng kinh tế. Kịch bản này đã xảy ra với Nhật Bản vào những năm 1980 và hiện đang diễn ra tại đất nước tỉ dân.
china

Ảnh minh họa: Forbes.

Chiến tranh thương mại liên tục "chiếm sóng" trên các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian gần đây. 

Theo tạp chí Forbes, chính cuộc chiến này bị cho là "thủ phạm" khiến cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại do sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Cuộc chiến này cũng khiến cho doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc chật vật trong việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Nhưng cuộc chiến thương mại không phải vấn đề duy nhất mà Trung Quốc phải đối mặt. Các doanh nghiệp sản xuất của nước này đã có cách hạn chế tối đa tác động của cuộc chiến, bằng chứng là số liệu xuất khẩu tháng 6 tương đối ổn định. 

Tranh chấp thương mại cuối cùng cũng sẽ được giải quyết một khi Mỹ và Trung Quốc tìm ra công thức vừa giúp giữ thể diện quốc gia, vừa làm thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc ở hai nước.

Ngoài thương mại, một vấn đề nghiêm trọng khác của Trung Quốc hiện nay là nhiều bong bóng tài sản đang liên tục phình to. Lấy ví dụ bong bóng tài sản, giá nhà tăng cao khiến cho các chủ đất giàu lên nhanh chóng nhưng đồng thời vùi dập giấc mơ mua nhà và lập gia đình của những người trẻ tuổi.

home price

Mức tăng giá nhà mới xây tại Trung Quốc giai đoạn 2015-2019. Nguồn: Forbes/Koyfin.

Khác với chiến tranh thương mại, đây là một vấn đề mang tính dài hạn. Người trẻ ít kết hôn sẽ dẫn tới tỉ lệ sinh đẻ thấp và lực lượng lao động giảm dần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng cạnh tranh với các nước dồi dào lao động như Việt Nam, Sri Lanka, Philippines hay Bangladesh.

Đó là còn chưa kể đến yếu tố "tỉ lệ phụ thuộc" thay đổi theo hướng xấu, tức là số người làm việc quá ít, không đủ để hỗ trợ những người nghỉ hưu. 

Theo Forbes, chi tiêu của người dân cũng vì vậy mà bị ảnh hưởng, tác động xấu tới nỗ lực chuyên đổi nền kinh tế từ phụ thuộc đầu tư sang chú trọng tiêu dùng.

Nhật Bản từng phải vật vã với những vấn đề này trong suốt "ba thập kỉ mất mát" (lost decades), ngay cả khi nước này đã dàn xếp xong tranh chấp thương mại với Mỹ từ thập niên 1980.

Trong khi đó, Trung Quốc còn phải ứng phó với bong bóng đầu tư hạ tầng trong nước cũng như ở nước ngoài. 

Ở trong nước, hoạt động đầu tư hạ tầng đã tạo động lực tăng trưởng cho Trung Quốc trong nhiều năm qua. Hoạt động đầu tư ở nước ngoài lại nhằm phục vụ tham vọng nắm giữ tuyến đường biển quan trọng nối với mỏ dầu Trung Đông và khoáng sản của châu Phi

Một số dự án trong số này được thiết kế hợp lí nhằm phục vụ nhu cầu của cộng đồng địa phương, nhưng đa số không mang lại lợi ích gì ngoài việc thỏa mãn tham vọng của các quan chức địa phương nhằm đạt tăng trưởng kinh tế ấn tượng.

Vấn đề ở đây là nhiều dự án không có ý nghĩa về kinh tế. Các dự án này tạo ra việc làm và thu nhập trong quá trình thực hiện nhưng không đem lại có lợi ích gì sau đó. Vì thế nên kiểu tăng trưởng này không thể bền vững trong dài hạn.

Liên bang Xô Viết trước đây thử công thức này trong những năm 1950 và không có tác dụng. Nigeria thử trong những năm 1960, Nhật Bản trong những năm 1990 – tất cả đều vô ích.

Chính vì thế nên bong bóng mới vỡ tung và để lại cả núi nợ phía sau. Và đây lại là một vấn đề nan giải khác của Trung Quốc: Nợ.

Nợ của Trung Quốc lớn cỡ nào? Con số nợ chính phủ chính thức là 50,5% GDP. Tuy nhiên nguy cơ thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

china debt

Tỉ lệ nợ chính phủ/GDP của Trung Quốc. Nguồn: Tradingeconomics.

Các ngân hàng do nhà nước sở hữu lại cho các doanh nghiệp nhà nước vay. Chính phủ Trung Quốc còn sở hữu cả các hoạt động khai khoáng và sản xuất thép. Chính phủ đồng thời là người đi vay và người cho vay – nhánh này của chính phủ cho nhánh khác vay.

Theo thống kê của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) mới đây, tổng giá trị nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình và nợ chính phủ của quốc gia tỉ dân hiện đã vượt 303% giá trị GDP, và chiếm 15% tổng số nợ toàn cầu. Cuối quí I/2018, con số này là 297%.

china debt

Tỉ lệ nợ/GDP của Trung Quốc tăng lên bất chấp chiến dịch giảm đòn bẩy tài chính của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nguồn: Bloomberg, IIF, BIS

Một trong những nguyên nhân khiến khối nợ phình to là do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, tốc độ tăng GDP quí II chỉ là 6,2% - thấp nhất trong 27 năm qua. Để cứu vãn đà tăng trưởng, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng hướng dòng vốn tín dụng chảy vào khu vực tư nhân và khuyến khích tiêu dùng nội địa, khiến cho nợ quốc gia ngày càng lớn.

Chưa kể, việc chính phủ vừa đóng vai người đi vay và cho vay khiến rủi ro tập trung vào một chỗ và tăng khả năng xảy ra sụp đổ mang tính hệ thống tương tự như trường hợp Hy Lạp.

Song Ngọc