Chiến lược kinh doanh dựa trên sự thấu hiểu khách hàng của Asanzo
Trong lĩnh vực điện tử, mặt hàng tivi có thị trường cạnh tranh khốc liệt với những thương hiệu quốc tế như Sony, Samsung, LG, TCL. Là một “sân chơi” khó có chỗ len chân cho sản phẩm Việt, hiện nay, thương hiệu tivi nội địa Asanzo đã khẳng định chỗ đứng, đáp ứng 16% thị trường tivi trong nước.
Doanh nhân Phạm Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng thành viên & Tổng giám đốc Công ty Asanzo, đã chia sẻ chiến lược kinh doanh, bí quyết thành công của Asanzo trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp phát sóng ngày 8/6.
Doanh nhân Phạm Văn Tam trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp. |
Xuất phát từ một người buôn bán linh kiện điện thoại tại Sài Gòn, ông từng làm chủ thương hiệu Fujiko, SupoViet nhưng chưa thành công. Không bỏ cuộc, năm 2014, anh xây dựng công ty Asanzo chuyên sản xuất tivi.
Đến nay, doanh nhân Phạm Văn Tam đã trải qua 18 năm kinh doanh trong lĩnh vực điện tử. Nguồn vốn doanh nghiệp thuần Việt không đủ lớn để phát triển sản phẩm điện tử cạnh tranh với thương hiệu quốc tế nên anh sử dụng kinh nghiệm nghề nghiệp để cạnh tranh.
Với dân số 93 triệu người, Tam hiểu rằng nhiều người dân không đủ điều kiện tiếp cận những thương hiệu ngoại. Tìm ngách đi riêng, Asanzo đáp ứng phân khúc khách hàng phổ thông, người lao động thu nhập trung bình.
“Nhiều người nói tôi làm ngược, xu thế xã hội ngày càng tiến lên còn Asanzo giậm chân tại chỗ, phục vụ đối tượng khách hàng mà các doanh nghiệp khác không quan tâm. Tôi ra đời chính để lấp khoảng trống mà thương hiệu lớn không làm. Những tập đoàn đa quốc gia có thể cho rằng ngách thị trường phục vụ khách hàng thu nhập thấp là miếng bánh nhỏ, nhưng với doanh nghiệp nhỏ thì lại quá lớn”, ông Tam chia sẻ.
Không chạy theo xu hướng sản xuất tivi kích cỡ trên 35 inch, công nghệ OLED hay 4K, Asanzon tập trung vào phân khúc tivi LED 25 inch trở xuống. Để sản phẩm tiếp cận nhiều hơn nhóm khách hàng mục tiêu, công ty giảm giá thành bằng cách nhập khẩu linh kiện, sản xuất trong nước, tối giản một số chức năng không cần thiết, đồng thời nâng cao độ bền và khả năng tiết kiệm điện của sản phẩm.
“Tôi đã đi qua nhiều nơi, từ địa đầu Móng Cái tới mũi Cà Mau nên hiểu nhu cầu của khách hàng địa phương. Người dân sông nước Cà Mau thích tivi tích điện, màu đỏ, bà con nông thôn cần loa tivi to do nhà vườn rất rộng, công nhân khu công nghiệp lại cần tivi giá thành rẻ”, anh Tam nói.
Doanh nhân Phạm Văn Tam và MC Ngô Phương Lan trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp. |
Chiến lược kinh doanh của Asanzo đòi hỏi công ty phải biết rõ đối tượng khách hàng từng vùng miền. Anh Tam nhận định tập đoàn nước ngoài không thể hiểu thấu đáo nhu cầu của khách hàng như doanh nghiệp địa phương. Họ phục vụ toàn châu Á, châu Âu nên sản xuất đại trà, theo xu thế châu lục.
Asanzo thấu hiểu khách hàng mỗi địa phương, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu, mong muốn của họ. Chính cách làm riêng biệt giúp công ty tránh đối đầu trực tiếp với thương hiệu lớn mà vẫn tiêu thụ tốt sản phẩm.
Ngoài người tiêu dùng sản phẩm, Asanzo còn nhạy bén trong hoạt động tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu của các đầu mối, đại lý phân phối. Công ty coi sự hài lòng của khách hàng là ưu tiên số một nên xây dựng đội ngũ chăm sóc, bảo hành riêng để trực tiếp giải đáp thắc mắc, bảo hành sản phẩm cho người sử dụng.
Hiện tại, khi đã đủ tiềm lực phục vụ tivi cho người dân cả nước, Asanzo tiếp tục sản xuất những sản phẩm điện tử mới như điện thoại, máy lạnh nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu khách hàng. Theo ông Tam, đây là hướng đúng xu thế, giảm rủi ro khi sản phẩm cũ bị bão hòa, thay thế.
Về quan điểm khởi nghiệp, doanh nhân Phạm Văn Tam nhấn mạnh: “Các bạn khởi nghiệp phải có mục đích. Trước hết, bạn phải biết thế mạnh của bản thân, sử dụng điểm mạnh khởi nghiệp trước, đừng lan man trong kinh doanh”.