|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại diện Asanzo: 'Con tem Asanzo dán lên linh kiện TV là tem bảo hành'

06:10 | 16/08/2019
Chia sẻ
Theo Luật sư Trần Đức Hoàng, người đại diện của ông Phạm Văn Tam: những con tem do công nhân Asanzo dán lên các linh kiện nhập khẩu bên trong chiếc TV là tem bảo hành, có thể dán chồng lên các tem khác.

Tại buổi sinh hoạt có chủ đề "Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo" do CLB Café Số tổ chức sáng 15/8 tại Hà Nội, giới báo chí và những người tham dự đã có nhiều câu hỏi dành cho những người đại diện của Asanzo như ông Phạm Văn Tam, Luật sư Trần Đức Hoàng.

Các câu hỏi chủ yếu xoay quanh vấn đề nguồn gốc xuất xứ, qui trình sản xuất và giá trị gia tăng mà công ty này tạo ra trong sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo.

Dán tem bảo hành lên linh kiện bên trong, chồng lên các tem khác

Cùng với việc khẳng định "không có qui trình bóc tem" và "không nuôi 2.000 công nhân để bóc và dán tem", đại diện Asanzo cho biết: những chiếc tem được công nhân dán lên các linh kiện nhập khẩu bên trong các sản phẩm TV là con tem bảo hành của Asanzo.

Theo lí giải của người đại diện, trên mỗi linh kiện có một vùng để dán tem, Asanzo dán tem bảo hành lên đó và nó có thể trùm lên các con tem khác.

Cả ông Phạm Văn Tam và vị đại diện pháp lí đều khẳng định, việc xé tem linh kiện không có trong qui trình lắp ráp của Asanzo.

Về việc bảo hành, ông Tam cho biết thêm: hiện Asanzo có cơ sở bảo hành ở 63 - 64 tỉnh thành, và dịch vụ bảo hành tại nhà trong vòng 3 năm cho các sản phẩm TV từ 32 inch trở lên trong vòng 3 năm.

Cũng theo ông Tam, qui trình bảo hành được Asanzo phát triển theo mô hình của các tập đoàn lớn, có phần mềm kích hoạt bảo hành qua tin nhắn cho khách hàng và có khoảng 50 nhân viên trực tổng đài để hướng dẫn sử dụng và tiếp nhận yêu cầu bảo hành từ khách hàng.

"Ở Trung Quốc, người ta không dùng Android"

Một mối quan tâm khác được nêu ra tại cuộc trao đổi thông tin, là việc Việt hóa phần mềm Android được thực hiện như thế nào, ở đâu; cũng như các giá trị gia tăng mà Asanzo tạo ra cho các dòng smart TV giá rẻ của mình.

"Ở Trung Quốc, người ta không dùng Android. Người ta không dùng hệ điều hành của toàn cầu, người ta dùng hệ điều hành của người ta", ông chủ Asanzo cho biết, khẳng định rằng việc Việt hóa hệ điều hành Android được Asanzo thực hiện tại Việt Nam, và đó là kết quả nghiên cứu của công ty này.

"Hệ điều hành Android tôi đã làm một cách đơn giản nhất, để cả người mù chữ cũng có thể bấm một nút vào xem được YouTube mà không phải vào các phần sâu của Android", ông Tam cho rằng đó là điều cần động viên, ghi nhận.

Trong phần chia sẻ khá dài về lịch sử hình thành ý tưởng những chiếc TV phục vụ phân khúc nhu cầu những người ít tiền, ông Tam cũng liệt kê những điều chỉnh của Asanzo để giảm giá thành (như cắt giảm lượng cổng HDMI và USB) và thiết kế nguồn điện đầu vào để phù hợp với những vùng có hiệu điện thế thấp từ 90 – 160V.

Quảng cáo "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" vì có hợp tác với công ty con của Sharp

Trước câu hỏi về yếu tố "công nghệ Nhật Bản" gắn với dòng quảng cáo "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" thường xuyên xuất hiện bên cạnh thương hiệu Asanzo, vị đại diện pháp lí của công ty này cho biết: "Đây là quảng cáo, nhưng quảng cáo phải dựa trên sự thật".

Sự thật được vị đại diện này tiết lộ, là Asanzo có ký hợp đồng với một công ty con của tập đoàn Sharp Corporation của Nhật Bản về việc "hợp tác, chuyển giao công nghệ và thương mại mua bán", trong đó có những thỏa thuận là tập đoàn này sẽ chuyển giao các công nghệ liên quan đến lắp đặt.

"Công ty này sẽ, và đã, và đang đào tạo kỹ sư và công nhân để làm theo đúng chuẩn lắp ráp tại các tập đoàn Nhật", lời vị đại diện.

Ngoài ra, cũng theo phía Asanzo, có nhiều mẫu hàng TV của Asanzo có sử dụng màn hình Sharp và trong tương lai tỉ lệ này sẽ tăng là vì mối quan hệ giữa Asanzo và Sharp đang tốt đẹp. "Nhiều dòng TV của Asanzo sử dụng chip của Toshiba", đại diện Asanzo nói thêm.

Khi được chất vấn rằng tại sao lại quảng cáo công nghệ Nhật Bản khi việc hợp tác chuyển giao công nghệ là chuyện của "thì tương lai", vị đại diện này giải thích thêm là hợp đồng đã được ký vài năm qua và hiện vẫn thực hiện. Tuy nhiên, phía Asanzo không giải thích kĩ về nội dung hợp đồng đã kí là mua bán linh kiện hay chuyển giao công nghệ và đào tạo.

Chỉ còn lắp ráp TV và máy lạnh, các sản phẩm khác nhập nguyên chiếc

"Cách đây 1 - 2 năm thì hầu hết sản phẩm điện tử (Asanzo) đều nhập linh kiện về lắp ráp tại VN, nhưng đến lúc này khi Asanzo tập trung vào mảng TV và máy lạnh thì (các sản phẩm khác) Asanzo bắt đầu chuyển sang theo mô hình đặt OEM - đặt sản xuất hoàn chỉnh ở nước ngoài và nhập về", đại diện Asanzo cung cấp thông tin để trả lời câu hỏi về cách thức Asanzo tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng của mình.

Vị đại diện nói thêm, hiện trên thị trường có thể nhìn thấy cùng một dòng sản phẩm nhưng có chiếc ghi xuất xứ Việt Nam, có chiếc lại ghi "Sản xuất tại Trung Quốc", là vì đó là các sản phẩm gắn với hai giai đoạn khác nhau nói trên.

"Hiện nay thì lắp ráp chính là TV và máy lạnh. Máy lạnh cũng được nhập linh kiện nước ngoài về lắp ráp tại VN", đại diện Asanzo nói.

Với mô hình hoạt động như hiện nay, ông Phạm Văn Tam tái khẳng định hiện lượng nhân công làm việc cho Asanzo khoảng 2.000 người,trong đó có 600 công nhân lắp ráp.

Chi phí tiền lương mỗi tháng khoảng 30 tỉ đồng và ông đóng bảo hiểm đầy đủ cho các công nhân tại các nhà máy. Đối với người làm việc tại các gian hàng Asanzo ở siêu thị, công ty trả lương gián tiếp qua siêu thị.

Sẽ xem xét khởi kiện Sa Huỳnh và rà soát mối quan hệ với một công ty khác

Với thái độ khá cởi mở, LS Trần Đức Hoàng tái xác nhận thông tin Asanzo xem xét việc khởi kiện Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh - pháp nhân vừa bị khởi tố với tội danh "Buôn lậu" vì hành vi nhập khẩu nguyên chiếc sản phẩm lò nướng ghi nhãn Asanzo kèm cả giấy tờ bảo hành, nhưng lại kê khai là linh kiện.

"Đầu tiên tôi khẳng định luôn là Asanzo đã kiểm tra và xác định Sa Huỳnh không có bất kỳ hợp đồng, thỏa thuận hợp tác nào", LS Hoàng cho biết.

Cũng theo ông Hoàng, ông Phạm Văn Tam đã dự định khởi kiện nhưng vì Asanzo đang theo đuổi vụ kiện báo Tuổi trẻ và bận làm việc với các đoàn thanh, kiểm tra nên tạm đình hoãn vụ kiện này.

Một phóng viên cũng cung cấp thêm thông tin về một công ty khác vừa nhập 7 container sản phẩm quạt điện ghi nhãn Asanzo qua cảng Hải Phòng. Luật sư của Asanzo cho biết sẽ kiểm tra xem giữa Asanzo hoặc các đối tác của Asanzo có mối quan hệ hợp tác gì với công ty này hay không, nếu không có thì sẽ có động thái cụ thể.

Về việc một số công ty nhập các sản phẩm nguyên chiếc ghi nhãn Asanzo từ Trung Quốc, trước đó ông Phạm Văn Tam từng chia sẻ trên báo chí rằng Asanzo có nhượng quyền thương mại cho một số công ty để làm việc này.

Asanzo đang ở đâu trong tham vọng trở thành một hãng điện tử công nghệ cao?

Asanzo hiện có các nhà máy chủ yếu phục vụ việc lắp ráp. Đại diện truyền thông của Asanzo dẫn các nghị định và thông tư liên quan để khẳng định rằng hàng lắp ráp của công ty này được coi là hàng Việt Nam.

Ngoài ra, vị đại diện này cũng công bố thông tin cho biết trong số 4 nhà cung cấp màn hình TV cho Asanzo, Samsung đang đứng đầu với 50% về số lượng, tiếp theo là LG với 20%, Sharp 15% và BOE (nhà sản xuất màn hình lớn nhất thế giới, của Trung Quốc) 15%.

Về cách thức tạo ra những chiếc TV mang nhãn hiệu Asanzo, vị đại diện truyền thông cho hay: ban đầu khi qui mô còn nhỏ, Asanzo không thể cạnh tranh được với các nhà máy ở Trung Quốc nếu sản xuất linh kiện và R&D. "Do đó, nếu đòi hỏi những doanh nghiệp mới phải nội địa hóa là đòi hỏi phi lí", phía Asanzo nói.

Theo vị này, lộ trình phát triển của Asanzo bắt đầu với giai đoạn 1: chọn phân khúc và "đặt hàng thiết kế về (để) lắp ráp". Giai đoạn 2, doanh nghiệp phải tối đa hóa thị phần, tăng công suất lắp ráp. Giai đoạn 3 là bắt đầu tối đa hóa lợi nhuận, trước khi tính đến việc sản xuất bảng mạch, màn hình. Giai đoạn 4 mới là lúc bước vào phân khúc cao hơn, đầu tư vào R&D, công nghệ và phần mềm.

Trong lộ trình 4 bước này, theo phía Asanzo, hiện công ty đang ở giữa bước 2 và bước 3, tức giữa bước "tối đa hóa thị phần" và "tối đa hóa lợi nhuận".

Trong phần chia sẻ của mình, ông Tam cho biết Asanzo đã đầu tư gần 400 tỉ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất bảng mạch và và dây chuyền lắp ráp tại khu Công nghệ cao Quận 9 (TP HCM) "hiện đại hơn các nhà máy hiện tại", có cả khu vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D).

Nhà máy này dự kiến khánh thành vào cuối tháng 6/2019, nhưng hiện vẫn đang đóng cửa vì nguyên nhân được cho là sự cố vừa qua.

Về thông tin cho rằng Ban Quản lí Khu Công nghệ cao Quận 9 xác nhận Asanzo chưa cung cấp hồ sơ đầu tư nhà máy tại đây, ông Tam cho biết đó chỉ là thủ tục cuối cùng bởi trước đó, để được đạt nhà máy trong Khu Công nghệ cao, Asanzo đã phải chứng minh công nghệ với hội đồng thẩm định và được thông qua.

Hoành San