|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Luật sư của ông Phạm Văn Tam: 'Asanzo không nuôi 2.000 công nhân để bóc tem linh kiện'

15:14 | 15/08/2019
Chia sẻ
LS của ông chủ Asanzo Phạm Văn Tam khẳng định việc xé tem, nhãn không tồn tại trong quá trình sản xuất của công ty, và cáo buộc người bóc tem chính là phóng viên chứ không phải là công nhân.

Sáng 15/8, ông Phạm Văn Tam cùng luật sư xuất hiện trong buổi sinh hoạt hàng tháng ở Hà Nội của câu lạc bộ Cafe Số với tư cách khách mời. Tại đây, trước khá đông báo giới, những đại diện của Asanzo khẳng định không có qui định bóc tem linh kiện Trung Quốc trong qui trình.

Cụ thể, khi được hỏi về những cáo buộc xé tem nhãn linh kiện Trung Quốc và thay bằng tem nhãn hàng Việt Nam, ông Trần Đức Hoàng, luật sư của Asanzo cho hay:

"Chúng tôi khẳng định trong qui trình lắp ráp của Asanzo không có việc bóc tem. Thứ hai, chúng tôi cũng đã làm việc với tổ công tác VCCI về vấn đề này".

Trước đó, CEO Tam cũng cho hay ông không thuê 2.000 công nhân chỉ để làm nhiệm vụ bóc tem.

Pham Van Tam 2

Ông Phạm Văn Tam, Giám đốc công ty Asanzo. Ảnh: Nhạc Dương

"Tổ VCCI cũng đã công nhận và nói rằng pháp luật Việt Nam không có bất cứ qui định nào về việc con tem linh kiện của thành phẩm. Nếu ai đó muốn bóc tem một mặt hàng, việc ấy cũng không sai. Tuy nhiên, một lần nữa tôi khẳng định qui trình chính thức của Asanzo không có việc bóc tem", ông Hoàng nhấn mạnh.

Nói rõ hơn về phóng sự của báo Tuổi Trẻ cho thấy có dấu hiệu bóc tem hàng Trung Quốc và thay bằng tem Việt Nam, ông Hoàng cũng đưa ra lời giải thích rằng người bóc tem trong phóng sự chính là phóng viên chứ không phải công nhân của Asanzo.

"Trao đổi với anh Tam, tôi biết người bóc tem trong phóng sự chính là phóng viên báo Tuổi Trẻ. Báo Tuổi Trẻ chưa có video nào cho thấy công nhân của Asanzo bóc tem", luật sư Hoàng nhấn mạnh.

Trước đó, vào ngày 21/6 báo Tuổi Trẻ đã đăng phóng sự điều tra mang tên "Asanzo - Hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam". Phóng sự điều tra có cảnh một người xé tem nhãn "Made in China" trên linh kiện TV và thay bằng tem nhãn "Xuất xứ Việt Nam".

Phóng sự nói hai phóng viên của báo đã nộp đơn xin việc tại nhà máy của Asanzo để điều tra. Trong quá trình tác nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc, phóng viên cho hay không hề có dấu hiệu sản xuất nào tại KCN. 

Các công nhân lâu năm đều xác nhận tại đây không sản xuất mà chỉ lắp ráp linh kiện từ Trung Quốc, Tuổi Trẻ đưa tin.

Ngoài ra, cũng theo Tuổi Trẻ, trong tài liệu hướng dẫn qui trình lắp ráp của Asanzo, công nhân ở vị trí số 3 sẽ có nhiệm vụ dán tem có mã vạch đè lên tem có ghi chữ "made in China" trên các linh kiện. Tuy nhiên người quản lí sau đó đã yêu cầu công nhân gỡ bỏ tem này thay vì dán đè lên như hướng dẫn.

Thậm chí khi phóng viên báo Tuổi Trẻ cố tình "quên" xé vẫn còn sót lại chữ "Made in China" trên linh kiện, các công nhân ở dây chuyền tiếp theo cũng phát hiện và trả lại. 

Vụ việc đã thu hút sự chú ý của dư luận và khiến nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc. Hiện Asanzo đã khởi kiện báo Tuổi Trẻ với cáo buộc đăng tải thông tin "sai sự thật". 

Cũng theo lời luật sư của Asanzo sáng ngày 15/8, tập đoàn này đã bị thiệt hại cả nghìn tỉ đồng sau chuỗi thông tin nói trên. Hiện TAND quận 11 (TP HCM) đã yêu cầu phía Asanzo bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại trong đơn khởi kiện của mình.

Lê Quý