|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đúng, sai, phải, trái nhìn từ chuyện Asanzo

11:09 | 25/06/2019
Chia sẻ
Để xác định Asanzo đúng hay sai, phụ thuộc vào các vấn đề: Asanzo nhập sản phẩm gì và pháp luật có quy định như thế nào đối với việc ghi xuất xứ đối với sản phẩm như vậy?

Ở đây, chúng ta tạm gác vấn đề về đạo đức của người kinh doanh mà chỉ tập trung vào một hành vi đúng hay sai dưới góc độ pháp luật thuần tuý.

Luat su Pham Duy Khuong

Luật sư Phạm Duy Khương (Giám đốc Công ty SHTT SB Law), tác giả bài viết (Ảnh: NVCC).

Asanzo có được quyền ngăn cản bên khác sử dụng thương hiệu của mình mà không xin phép hay không?

Asanzo có đưa ra hai tuyên bố đáng chú ý về việc độc quyền nhãn hiệu của mình: (1) Asanzo có gửi đơn sang công an xác nhận đơn vị này không độc quyền nhãn hiệu Asanzo; (2) Asanzo tiến hành nhượng quyền "thương hiệu" cho nhiều đơn vị.

Tra cứu dữ liệu của Cục sở hữu trí tuệ sẽ thấy thông tin trái ngược. Cụ thể, ngay từ năm 2012 nhãn hiệu Asanzo đã được cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu cho một loạt mặt hàng mà công ty này đang kinh doanh. Thời điểm đầu, Công ty điện tử Bảo Ngọc đứng tên đăng ký, sau đó được chuyển nhượng sang cho Công ty điện tử Asanzo.

Liên tiếp từ 2015 đến 2019 công ty Điện tử Asanzo và Truyền thông Asanzo cũng tiến hành đăng kí nhãn hiệu Asanzo. Phạm vi đăng kí khớp với những mặt hàng mà Asanzo đang kinh doanh trên thị trường.

Vì vậy, quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu Asanzo đã được cấp cho công ty điện tử Asanzo và đơn vị này có quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để chống lại mọi hành vi sử dụng nhãn hiệu giống với họ mà không được phép hoặc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Asanzo.

Còn đối với việc nhượng quyền "thương hiệu" (thuật ngữ chính xác theo luật là nhượng quyền thương mại) của Asanzo cho bất kỳ đơn vị khác, câu chuyện khác đi một chút. Nhượng quyền mà không có kiểm soát đối với bên nhận, không đi kèm mô hình kinh doanh được coi là điều khác thường so với thông lệ.

Theo thông lệ kinh doanh thông thường thì bên chuyển quyền luôn nắm quyền chi phối nhất định đối với việc sử dụng nhãn hiệu ra sao và làm sao đảm bảo được uy tín của mình cũng như là đảm bảo được rằng việc sử dụng của bên nhận không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của họ. 

Do đó, bên chuyển nhượng luôn có những biện pháp để kiểm tra và sẽ tiến hành chấm dứt bất kỳ hành vi nào có thể làm tổn hại uy tín, hình ảnh. Chính vì vậy, việc Asanzo buông bỏ mọi quyền kiểm soát đối với bên nhận quyền là điều khó hiểu.

Khi xảy ra hành vi xâm phạm pháp luật từ việc chuyển quyền như thế này thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm pháp luật?

Trách nhiệm không nghiễm nhiên thuộc về bên cấp quyền. Bên nào trực tiếp gây ra hành vi đó thì bên đó chịu trách nhiệm theo phạm vi mình gây ra trước pháp luật. Sau đó, bên gây ra hành vi xâm phạm cũng sẽ chịu trách nhiệm với bên cấp quyền theo phạm vi hợp đồng (nếu có). Cần làm rõ và bóc tách vai trò của từng bên, thay vì qui kết chung.

Việc ghi "xuất xứ Việt Nam" hay "Made in Vietnam" trên hàng hóa nhập khẩu của Asanzo đúng hay sai?

Để xét một hành vi có được coi là xâm phạm pháp luật của Việt Nam hay không thì phải tìm hiểu xem pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể về hành vi như thế nào.

Đối với trường hợp cụ thể của Asanzo cần bóc tách thành hai đối tượng: sản phẩm được nhập nguyên chiếc và nhập linh kiện sản phẩm.

Hành vi nhập khẩu nguyên chiếc và thay đổi tem nhãn, xuất xứ sản phẩm khi nhập về Việt Nam trong bất kỳ trường hợp nào đều được coi là gian lận về xuất xứ hàng hoá. 

Đây là điều có thể dễ dàng kết luận được. Tuy nhiên, cần phải làm rõ ai hoặc pháp nhân nào đứng ra kinh doanh trực tiếp những mặt hàng đó, và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Bởi đây chính là chủ thể chịu trách nhiệm pháp lí. Việc này không khó nếu như đối chiếu hợp đồng giữa các siêu thị, đại lí với bên cung cấp mặt hàng này.

Còn đối với việc nhập linh kiện sản phẩm, hiện tại pháp luật Việt Nam không có qui định một sản phẩm điện tử phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể nào, có tỉ lệ nội địa hóa bao nhiêu % để được ghi là "xuất xứ Việt Nam" hay "Made in Vietnam". 

Thay vào đó, qui định về xuất xứ sản phẩm tương đối mở với những khái niệm: "xuất xứ hàng hoá được hiểu là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công doạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng đó." (Điều 3, khoản 1, Nghị định 31/2018/NĐ-CP).

Đây là những quy định không có định lượng, tiêu chí cụ thể. Theo đó, doanh nghiệp có quyền tự đưa ra và đánh giá sản phẩm như thế nào là có xuất xứ Việt Nam. 

Đây là một điểm hở của pháp luật hay bản thân cơ quan nhà nước chưa đủ sức để có thể lượng hoá được tiêu chí với tất cả sản phẩm. Do đó với việc nhẩu khẩu linh kiện của Asanzo về lắp thành sản phẩm của mình tuỳ vào từng tình huống cụ thể sẽ có cả đúng và sai.

Lắp ráp đơn thuần những linh kiện nhập khẩu để tạo thành một sản phẩm có được coi là xuất xứ Việt Nam hay không?

Việc lắp ráp được coi là công đoạn đơn giản theo Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP và sẽ không được tính khi xét để ghi xuất xứ Việt Nam.

Asanzo cần phải chứng minh điều gì để được ghi là "xuất xứ Việt Nam" hay "Made in Vietnam"?

Để chứng minh mình "sạch" không phải là điều quá khó nếu như Asanzo sẵn sàng cho điều đó. Asanzo chỉ cần chỉ ra những điều sau:

- Quy trình lắp ráp sản phẩm của Asanzo có những đặc trưng kỹ thuật đặc biệt nào? Nếu quy trình đó có điều đặc biệt thì đó sẽ là điều Asanzo dựa vào.

- Chi tiết, linh kiện Việt Nam nào để sản xuất TV hay điều hoà của Asanzo? Những linh kiện đó có quan trọng đến mức nào? Pháp luật Việt Nam không có quy định về tỉ lệ % nhất định đối với sản phẩm, nên nếu Asanzo đưa ra được một vài linh kiện như vậy thì rất khó để phủ nhận quyền ghi "xuất xứ Việt Nam" hay "Made in Vietnam" lên tổng thể sản phẩm.

Lách luật hay dựa vào khe hở của pháp luật trong kinh doanh là việc hoàn toàn khác với việc vi phạm qui định pháp luật.

Ghi "công nghệ Nhật Bản" có sai không?

Đây lại là một thuật ngữ khó định lượng, mơ hồ nặng về yếu tố marketing thay vì được điều chỉnh bởi qui định của pháp luật. Nó thuần về yếu tố trung thực trong quảng cáo sản phẩm. 

Chính vì không có tham chiếu về tiêu chí nên thuật ngữ này dễ bị lạm dụng. Sẽ rất khó để kết luận doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật nếu như doanh nghiệp đưa ra được một chi tiết quan trọng nào đó trong sản phẩm được tạo ra từ công nghệ Nhật Bản. 

Đặc biệt hơn, nếu sản phẩm nhập từ Trung Quốc về nhưng chính bản thân sản phẩm đó tại Trung Quốc được làm ra từ dây truyền, công nghệ chuyển giao từ phía Nhật Bản thì doanh nghiệp có quyền quảng cáo là công nghệ Nhật Bản hay không?

Bản chất của cuộc chơi về xuất xứ

Xuất xứ của một mặt hàng bản chất là hướng đến hai vấn đề: bảo đảm danh tiếng của sản phẩm đến từ một nước nhất định; ưu đãi về thuế quan.

Những quốc gia nổi tiếng về một số mặt hàng nhất định thường đưa ra những tiêu chí rất chi tiết để được ghi là "Made in" từ quốc gia họ. 

Ví dụ như Thuỵ Sĩ hoặc Úc có những yêu cầu cụ thể đối với mặt hàng đồng hồ, thực phẩm chức năng hay hoa quả. Các quốc gia này chi tiết đến mức họ đưa ra tiêu chí như: packed in (đóng gọi tại), designed in (thiết kế tại), assembled in (lắp ráp tại), processed in (chế biến tại)...

Bản chất rất quan trọng khác của xuất xứ là nhằm hưởng ưu đãi về mặt thuế quan trong chính quốc gia đó hoặc khi xuất khẩu hàng hoá sang một quốc gia nhất định. 

Chúng ta có thể thấy gần đây có sự dịch chuyển doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng ưu đãi về thuế khi xuất sang Mỹ.

"Made in Vietnam" cho thị trường Việt Nam thì dễ, "Made in Vietnam" cho nước ngoài không dễ

Những khe hở trong quy định pháp luật tại Việt Nam về ghi xuất xứ khiến Việt Nam đang tự làm giảm uy tín về xuất xứ của chính mình. 

Có thể thấy sản phẩm về điện tử hoặc đồ gia dụng của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang một số nước như Lào, Campuchia hay Myanmar - những nơi mà "Made in Vietnam" có giá trị bảo chứng nhất định cùng với hệ thống pháp luật không chặt. 

Tuy nhiên, nếu như nếu chúng ta không chặt và rõ ràng về ghi xuất xứ "Made in Vietnam" thì chính chúng ta cũng sẽ mất đi những thị trường xuất khẩu như vậy.

Còn những thị trường khó tính khác, để được ưu đãi về thuế dựa trên xuất xứ hàng hoá thì việc chứng minh đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp hơn về cơ sở sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu. 

Chúng ta đã biết trong lĩnh vực may mặc có nguyên tắc nguồn gốc từ sợi để tránh trường hợp hàng từ nước khác chạy sang Việt Nam và hưởng ưu đãi đơn giản chỉ bằng việc đóng gói tại Việt Nam.

Chứng nhận về "hàng Việt Nam chất lượng cao"

Khi mọi tiêu chuẩn về hàng xuất xứ Việt nam chưa rõ ràng thì chứng nhận của một bên trung gian có ý nghĩa hết sức quan trọng để giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng. 

Mỗi tổ chức chứng nhận đều có những tiêu chí nhất định yêu cầu các đơn vị xin cấp chứng nhận phải đạt được. 

Việc cấp thận trọng bao nhiêu thì sẽ giảm sai sót bấy nhiêu. 

Việc nhanh chóng tước chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao đối với Asanzo trước khi có kết luận của cơ quan chức năng liệu đặt ra câu hỏi lớn về quá trình xét duyệt hồ sơ ban đầu.  

Để duy trì giá trị của chứng nhận này, ngoài điều kiện đảm bảo cấp cần đảm bảo điều kiện kiểm tra sau cấp. Nếu không sẽ loạn chất lượng, loạn sản phẩm được gắn không đúng tiêu chí và làm giảm giá trị của chứng nhận. 

Việc kiểm tra đó phải là trách nhiệm của người cấp chứng nhận đối với người tiêu dùng và đối với những thành viên khác được cấp chứng nhận.

Ai phải thay đổi?

Những khe hở của pháp luật nhiều khi biến người tiêu dùng cũng như chủ doanh nghiệp trở thành nạn nhân. 

Đòi hỏi người tiêu dùng phải tự nâng cao nhận thức, đòi hỏi người kinh doanh tuân thủ đạo đức kinh doanh là những điều rất mơ hồ. 

Thay vào đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa ra những quy định cụ thể và những chế tài cần thiết để bảo vệ một "Made in Vietnam" đang lên nhưng có thể bị đánh mất bất kỳ lúc nào. 

Khi đó, ngay cả những thị trường quen thuộc của chúng ta như Lào, Campuchia hay Myanmar cũng có thể không còn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty SHTT SB LAW

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.