|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Qui định hàng Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng từ 30% liệu đã phù hợp?

15:57 | 11/08/2019
Chia sẻ
Quy định hàng Việt Nam nhưng có xuất xứ không hoàn toàn từ Việt Nam và phải đạt tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% liệu đã hợp lí?

Bộ Công Thương mới đây đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ được nghiên cứu, xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng trong dự thảo Thông tư.

Theo đó, hai trường hợp được coi là hàng hoá của Việt Nam bao gồm: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam hoặc Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng mà hàng hoá phải đạt là trên 30%.

BizLIVE đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia và lãnh đạo một số doanh nghiệp xoay quanh những nội dung trên.

Tỷ lệ 30% là hợp lý

Qui định hàng Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng từ 30% liệu đã phù hợp? - Ảnh 1.

Bà Bùi Kim Thuỳ - Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN

 Hàm lượng giá trị gia tăng hay còn gọi là tỷ lệ nội địa hoá trên 30% là hợp lý. Tỷ lệ này cũng đã xuất hiện tại các Nghị định và các thông tư đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tính ưu việt của dự thảo Thông tư là cho phép doanh nghiệp lựa chọn linh hoạt hoặc sử dụng tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng 30% hoặc sử dụng tiêu chí chuyển đổi mã HS 2 số, 3 số và 4 số.

Đây là tiêu chí mà tôi đánh giá là vô cùng linh hoạt vì nếu trong trường hợp doanh nghiệp không đạt tiêu chí hàm lượng gia tăng trên 30% thì có thể sử dụng tiêu chí chuyển đổi mã HS.

Về công thức tính hàm lượng giá trị gia tăng VAC (Value Added Content), đây là một công thức không mới và đã xuất hiện trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về xuất xứ không ưu đãi.

Các doanh nghiệp làm xuất nhập khẩu, logistic chuyên nghiệp đều đã quen với công thức này. Công thức này rất ưu việt và linh hoạt vì sử dụng “Trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam” chia cho “Trị giá EXW” nhân 100%.

Trong trường hợp không đạt được tiêu chí 30%, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển sang sử dụng chuyển đổi mã HS. Gần như không có một dòng, hàng nào chỉ sử dụng công thức VAC. Rõ ràng các nhà soạn thảo Thông tư đã đưa cho các doanh nghiệp hai lựa chọn, sử dụng VAC hoặc chuyển đổi mã HS.

Nên có tỷ trọng riêng cho từng ngành nghề

Qui định hàng Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng từ 30% liệu đã phù hợp? - Ảnh 2.

Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc May 10

Về Thông tư quy định sản phẩm như thế nào được gọi là hàng hoá Việt Nam thì nên ban hành sớm và nên tham khảo ý kiến doanh nghiệp về tỷ lệ giá trị gia tăng trước khi công bố chính thức.

Đặc biệt, nên có quy định rất rõ ràng về tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tối thiểu bao nhiêu phần trăm thì gọi là hàng Việt Nam để các doanh nghiệp định nghĩa được là họ đang làm theo đúng quy định.

Việc có một quy định rõ ràng để tránh tình trạng hiểu lầm hay doanh nghiệp lách luật, sai phạm ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ hai, về tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tối thiểu để gọi là hàng Việt Nam thì nên tham vấn rõ ràng, tham khảo tỷ trọng riêng cho từng ngành nghề. Bởi với nhiều ngành nghề sẽ khó có thể đạt tỷ lệ trên 30% theo công thức VAC như Bộ Công Thương đưa ra. Vì vậy, Bộ cần có nghiên cứu sâu về vấn đề này.

Đối với ngành dệt may nói chung, tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% được quy định Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là mức có thể đạt được, vì riêng tiền gia công sản phẩm may mặc đã chiếm từ 20-25%.

Asanzo phù hợp với quy định "Made in Vietnam" trong dự thảo

Qui định hàng Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng từ 30% liệu đã phù hợp? - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo

So với quy định về hàng hoá áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam thì Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam không có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, dự thảo này gần như “bê nguyên” quy định về hàng hoá xuất khẩu để áp dụng cho hàng hoá lưu thông nội địa Việt Nam.

Hiện tại, rất khó để tìm được quy định về hàng hoá sản xuất tại Việt Nam. Do đó cần làm rõ quy định này để các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất hàng hoá, ghi nhãn mác, tránh tình trạng người tiêu dùng, dư luận hiểu lầm.

Từ góc độ là một “người trong cuộc” sau khi xảy ra nghi vấn dán nhãn xuất xứ, Asanzo bị ảnh hưởng rất nặng nề. Đau xót nhất là, hai tháng nay mọi hoạt động kinh doanh của Asanzo đều dừng lại hết, không làm ăn được gì. Thiệt hại lên tới vài trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy, việc chưa đưa ra các quy định cụ thể về hàng hoá sản xuất tại Việt Nam có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp cũng sản xuất hàng hoá với các nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu nhưng không bị báo chí nêu tên sẽ không bị ảnh hưởng như Asanzo. Đây là bài học rất lớn khi các quy định ban hành chậm hoặc thiếu.

Theo các quy định trong Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam của Bộ Công Thương, tôi khẳng định các sản phẩm của Asanzo phù hợp với tiêu chuẩn về hàng hoá sản xuất tại Việt Nam.

Với kinh nghiệm lâu năm sản xuất hàng điện tử, chúng tôi nắm chắc các công nghệ, đem chất xám vào từng sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm ấy. Chỉ các đơn vị gia công là sẽ khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn này.

Phân biệt rõ "hàng Việt Nam" và "hàng sản xuất tại Việt Nam"

Qui định hàng Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng từ 30% liệu đã phù hợp? - Ảnh 4.

Vũ Vinh Phú – Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội

Việc ban hành quy định về hàng Việt Nam là rất cần thiết, bởi tình trạng trà trộn, mượn tên hàng Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cả với hàng hoá trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, việc ban hành một quy định rõ ràng về vấn đề này là rất cần thiết mặc dù tại thời điểm này mới ban hành là hơi chậm.

Quan trọng nhất là việc xác định như thế nào để các doanh nghiệp không tốn chi phí và làm rõ được giữa “hàng Việt Nam” với “hàng sản xuất tại Việt Nam”; giữa lắp ráp và ý tưởng sáng tạo.

"Made in Vietnam" có nghĩa "sản xuất tại Việt Nam". Vậy có phải sản phẩm nào được gắn mác "Made in Vietnam" là đều được sản xuất 100% tại Việt Nam, đại diện cho thương hiệu của Việt Nam? Cụm từ này được hiểu thế nào cho đúng?

Quy định hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% rất khó đo lường, có những sản phẩm chỉ 20% giá trị gia tăng nhưng do người Việt Nam sáng tạo ra những bộ phận chính thì cũng không được coi là hàng Việt Nam theo thông tư này.

Hàng Việt Nam thì bản thân ý tưởng, thiết kế sinh ra sản phẩm đó và những bộ phận hay linh kiện chính phải do người Việt Nam tự sản xuất ra. Ví dụ, một chiếc xe máy Honda dù được sản xuất ở Thái Lan hay ở Việt Nam thì vẫn gọi là xe máy Nhật Bản chứ đâu phải xe máy Việt Nam.

Vì vậy, gọi là hàng Việt Nam thì phải đảm bảo các bộ phận chính do người Việt Nam sáng tạo và sản xuất, còn những linh kiện, phụ kiện có thể sản xuất tại các quốc gia khác. Quan trọng nhất là bản quyền, thương hiệu sở hữu trí tuệ là của người Việt Nam và không lẫn lộn, sao chép với các sản phẩm của các quốc gia khác.

Đối với hàng hoá lắp ráp, gia công đơn giản tại Việt Nam thì có thể gọi là hàng sản xuất tại Việt Nam.

Tiêu chí hàng Việt Nam phải được công bố rõ ràng, không được lập lờ đánh lận con đen. Nếu có, cơ quan chức năng phải phanh phui, xử lý nghiêm tình trạng này.