Thực hư 'danh hiệu Hàng Việt Nam Chất lượng cao' với giá rao bán hàng trăm triệu đồng
Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao bị "văng miểng" từ vụ Asanzo
Ngày 2/7 tại TP HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) đã có buổi thông tin về những vấn đề liên quan đến HVNCLC trên các phương tiện truyền thông thời gian qua, trong đó chủ yếu đề cập đến việc Tập đoàn Asanzo được cấp danh hiệu này sau đó lại bị nghi vấn "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt".
Ông Nguyễn Tiến Tài, Luật sư đại diện của Hội Doanh nghiệp HVNCLC, chia sẻ: "Trong vụ việc Asanzo qua loạt bài điều tra với nghi vấn "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt", báo chí vô tình nói về việc Asanzo được cấp chứng nhận HVNCLC.
Ngay lập tức khiến dư luận đặt vấn đề Asanzo được cấp là do bỏ tiền mua và có báo qui kết nhãn hiệu HVNCLC là đạo bùa cho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để chiếm lĩnh thị trường".
Sản phẩm tivi Asanzo bị "dính" nghi vấn "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt". Ảnh: NH.
Tuy nhiên, ông Tài cho biết Asanzo được cấp chứng nhận HVNCLC nhưng qua kiểm tra chưa thấy họ sử dụng nhãn HVNCLC trên sản phẩm. Chiến dịch truyền thông, PR của Asanzo là dùng hình ảnh "đỉnh cao của công nghệ Nhật Bản" chứ không sử dụng đến nhãn hiệu HVNCLC.
"Đúng là Asanzo đạt danh hiệu HVNCLC nhưng họ lại không sử dụng trên hàng hóa của họ thì nhãn HVNCLC trong câu chuyện này không có vai trò gì cả. Không sử dụng logo nhưng HVNCLC lại bị "văng miểng" cho rằng có sự mua bán, qui kết là đạo bùa. Ý kiến này rất là cảm tính", Luật sư đại diện của Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết thêm.
Liên quan việc theo dõi chất lượng hàng hóa sau khi được cấp danh hiệu HVNCLC, theo ông Tài thông tin: "Hội tư nhân không đủ nguồn lực như các cơ quan nhà nước để kiểm tra hàng ngày và đó cũng không phải cách quản lý thông minh.
Quản lý thông minh là đưa ra qui chế như Nhà nước đặt ra pháp luật, ai vi phạm sẽ bị chế tài".
Cũng liên quan đến vụ Asanzo, Hội Doanh nghiệp HVNCLC khẳng định việc tước quyền sử dụng danh hiệu HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn đối với sản phẩm của Asanzo là quyết định kịp thời và đúng điều lệ.
"Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đối chiếu lại hồ sơ họ nộp thì rõ ràng sai phạm, vì trong điều lệ của Hội, gia công ở nước ngoài là không được cấp HVNCLC.
Xét thấy Asanzo vi phạm, chúng tôi đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu", bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC nói.
Danh hiệu HVNCLC rao bán hàng trăm triệu đồng
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC còn cho hay: "Hiện nay chúng tôi có nhận một số email doanh nghiệp đang chào giá sẽ bán danh hiệu HVNCLC với chi phí hàng trăm triệu đồng để được chứng nhận HVNCLC. Thậm chí, làm giả cả giấy chứng nhận HVNCLC".
Theo bà Hạnh tìm hiểu, hiện tại danh hiệu HVNCLC đang được chào bán với giá khoảng 120 triệu đồng/đơn vị, trước đây từng ghi nhận có nơi ra giá đến 300 triệu đồng để cấp giả chứng nhận, gắn mác HVNCLC.
Bà Hồ Đức Minh, Chánh văn phòng Hội doanh nghiệp HVNCLC chia sẻ: "Năm nào Hội cũng nhận được các cuộc điện thoại và hỏi về việc làm sao đạt chứng nhận HVNCLC.
Họ mang trong mình tâm trạng là muốn mua và muốn Hội ra một mức giá, dù chúng tôi đã giải thích, cuộc bình chọn, toàn bộ chi phí là do Hội tự lo và khi trao danh hiệu, cũng hoàn toàn không thu phí của đơn vị nào".
Chính vì tâm trạng đó nên hầu như năm nào cũng có doanh nghiệp vấp phải "bẫy lừa" này, đại diện Hội doanh nghiệp HVNCLC nhận đinh.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội HVNCLC và ông Nguyễn Tiến Tài, Luật sư đại diện của Hội Doanh nghiệp HVNCLC chia sẻ thông tin với báo chí ngày 2/7 tại TP HCM. Ảnh: NH.
Ông Nguyễn Tiến Tài, Luật sư đại diện của Hội Doanh nghiệp HVNCLC, khẳng định hội không thu bất kì khoản phí nào từ doanh nghiệp. Những thông tin như trên hội đã gửi đến cơ quan chức để kiểm tra, xử lý theo qui định. Đồng thời việc doanh nghiệp tham gia hội hoàn toàn tự nguyện chứ không bắt buộc.
"Bằng chứng là năm 2019, có đến 541 doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn, trong đó chỉ có 264 doanh nghiệp là hội viên", Luật sư Tài nói.
Tháng 7 Hội HVNCLC sẽ ra soát lại việc sử dụng logo HVNCLC
Cũng theo ông Tài, quy trình xét duyệt cấp chứng nhận HVNCLC đòi hỏi doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ bộ hồ sơ, như chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, chứng nhận chất lượng sản phẩm, chứng nhận về môi trường…
Tiếp theo hội sẽ đưa thông tin doanh nghiệp đăng ký lên các phương tiện truyền thông để nhận phản hồi từ nhiều nguồn. Kế đến, hội có công văn gửi đến địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký xem doanh nghiệp này có chấp hành tốt pháp luật về thuế, môi trường, sử dụng lao động…
Nếu không đáp ứng các điều kiện trên sẽ bị loại. Ngoài ra, doanh nghiệp đăng ký còn phải được người tiêu dùng bình chọn đạt tỉ lệ cao. Cuối cùng còn phải trải qua khâu xét duyệt từ các chuyên gia.
Do đó, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm hành vi của mình. Hội đặt ra qui chế, qui tắc để doanh nghiệp được cấp chứng nhận HVNCL phải giữ gìn nhãn hiệu, nếu vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng hoặc thu hồi, Luật sư đại diện của Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho hay.
Ngoài ra, bà Vũ Kim Hạnh cho biết thêm trong tháng 7, Hội sẽ ra soát lại việc sử dụng logo HVNCLC của các doanh nghiệp không đạt mà dán lên sản phẩm. Đặc biệt tại thị trường miền Bắc nơi bà Hạnh đã khảo sát và thấy rất nhiều sản phẩm dán "bừa" logo chỉ để bán được hàng.