|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tivi Asanzo – Sản phẩm không đáp ứng các qui tắc về Made in Vietnam

10:46 | 25/06/2019
Chia sẻ
"Để sản phẩm Tivi Asanzo có thể được thừa nhận là sản phẩm có xuất xứ Việt Nam, ngoại trừ được sản xuất tại Việt Nam, sản phẩm này cần phải qua nhiều tiêu chí đánh giá và xét thừa nhận cũng như việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền dù rằng sản phẩm này chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường nội địa", luật sư Nguyễn Sơn Tùng nhận định.

Trước việc tivi Asanzo bị phát hiện sử dụng linh kiện và thiết bị từ Trung Quốc, người viết đã có cuộc trao đổi luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Giám đốc Điều hành Legal United Law, về các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa Việt Nam trong mối liên hệ với sản phẩm tivi Asanzo của Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo.

Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào đối với hành vi của Asanzo nhập khẩu đến 70 - 80% linh kiện và thiết bị Tivi từ Trung Quốc về dán nhãn Việt Nam "Made In Vietnam" rồi bán ra thị trường. Dưới khía cạnh quy định pháp luật, đây có được coi là sản phẩm có xuất xứ Việt Nam hay không?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Để được coi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam xét dưới góc nhìn của các quy định pháp luật cần thỏa mãn các yếu tố căn bản được phân thành hai trường hợp sau, ngoại trừ hàng hóa có xuất xứ không thuần túy.

Thứ nhất là trong lãnh thổ Việt Nam phải là nơi Asanzo sản xuất ra toàn bộ hàng hóa là tivi.

Thứ hai, nếu không thỏa mãn điều kiện thứ nhất, nghĩa là Asanzo không sản xuất ra toàn bộ hàng hóa (tivi hay các mặt hàng khác, ví như máy lạnh hay các sản phẩm điện gia dụng khác mang nhãn Asanzo) tại Việt Nam, thì nhà máy Asanzo phải là nơi thực hiện công đoạn gia công hay lắp ráp thuộc quá trình sản xuất chính tạo ra các đặc điểm cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa.

Tivi Asanzo – Sản phẩm không đáp ứng các qui tắc về Made in VietNam - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Phạm Văn Tam giải thích với báo chí về quy trình sản xuất tivi tại nhà máy ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP HCM chiều 23/6. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Riêng trong trường hợp này cũng cần phải có sự tham gia từ các nhà sản xuất Trung Quốc cùng tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa với Asanzo Việt Nam.

Với trường hợp thứ nhất, với các thông tin mà tôi được biết, cá nhân tôi cho rằng Asanzo không thể đáp ứng được. 

Riêng trường hợp thứ hai nêu trên, nếu Asanzo không chứng minh được mối liên hệ "cùng sản xuất" với các đơn vị cung cấp linh kiện hay thiết bị từ Trung Quốc và "nhà máy Asanzo tại Việt Nam là nơi thực hiện công đoạn sản xuất, gia công, lắp ráp cơ bản cuối cùng" như tôi phân tích ở trên thì không thể thỏa mãn tiêu chí có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, Asanzo Việt Nam cho rằng, nhà máy này có tham gia vào quá trình sản xuất một số bộ phận như remote (bộ phận điều khiển), bao bì, thùng xốp và các miếng xốp kê chắn, vậy các yếu tố này ảnh hưởng như thế nào đến việc đánh giá là có xuất xứ Việt Nam?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc Asanzo sản xuất ra bộ phận điều khiển hay bao bì, thùng xốp, các miếng xốp kê chắn nếu có thực, thì đây cũng chỉ là các công đoạn gia công, chế biến hay lắp ráp giản đơn. Những công đoạn thuộc gia công, chế biến đơn giản này không được luật pháp thừa nhận để xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.

Pháp luật Việt Nam đã quy định khá rõ, kể cả việc "lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm nhằm tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh" cũng không được thừa nhận để xét đến thì nói chi đến các sản phẩm, bộ phận rời rạc như bộ phận điều khiển, thùng xốp hay các miếng xốp kê chắn.

Trong quảng cáo Asanzo cho rằng có áp dụng đỉnh cao công nghệ Nhật Bản, vậy hoạt động gia công, chế biến hay lắp ráp của Asanzo phải như thế nào thì mới được thừa nhận xuất xứ Việt Nam?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Gia công, chế biến hay lắp ráp hàng hóa phải được coi là quá trình/quy trình sản xuất chính nhằm tạo ra đặc điểm cơ bản và cấu thành nên của hàng hóa thì khi ấy mới là yếu tố cần xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.

Thực tế, một số yếu tố gián tiếp được sử dụng trong quá trình sản xuất như các thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hóa, chúng cũng sẽ không được coi là yếu tố cần xét đến khi đánh giá xuất xứ.

Ở đây, tôi cho rằng cần làm rõ, nếu hoạt động gia công, chế biến hay lắp ráp mà đáp ứng tiêu chí nêu trên chỉ là điều kiện cần để xét chứ không phải là đã đáp ứng điều kiện cần và đủ.

Tivi Asanzo – Sản phẩm không đáp ứng các qui tắc về Made in VietNam - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng nhận định, việc tivi Asanzo nếu chỉ có hoạt động gia công, lắp ráp giản đơn tại Việt Nam thì chỉ có thể nói là sản phẩm này được sản xuất một phần hay có số một số công đoạn được sản xuất tại Việt Nam chứ không thể nói là sản phẩm tivi này có xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam) được. (Ảnh: NVCC).

Việc Asanzo cho rằng có áp dụng đỉnh cao công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam vào quy trình sản xuất nhưng nếu các công nghệ này thuộc yếu tố gián tiếp, ví như về: dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc; phụ tùng, vật liệu dùng để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng; dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và các nguyên liệu khác dùng trong sản xuất hoặc dùng để vận hành thiết bị và nhà xưởng; găng tay, kính, giày dép, quần áo và các thiết bị an toàn; chất xúc tác và dung môi hay các thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hóa thì cũng không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.

Thưa luật sư, quy định về tỉ lệ phần trăm như thế nào để được hiểu có xuất xứ Việt Nam, ví như Asanzo cho rằng đạt tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm tivi từ 20% đến 30% tỉ lệ nội địa hóa, vậy tiêu chí này có được coi là có xuất xứ Việt Nam hay không?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Nhìn chung, tiêu chí về tỉ lệ nội địa hóa và tiêu chí để xác định xuất xứ một hàng hóa cụ thể nào đó thật ra là các liên quan với nhau nhưng không phải là điều kiện cần và đủ dành cho nhau. 

Hơn nữa, tivi là sản phẩm có độ tinh vi và yêu cầu về hàm lượng công nghệ cao, liệu rằng với chính Asanzo hay các nhà sản xuất linh, phụ kiện trong nước liên quan đến sản phẩm tivi có đáp ứng đủ để Asanzo đạt tỉ được tỉ lệ nội địa hóa này hay không.

Tỉ lệ phần trăm giá trị này theo quy định của pháp luật Việt Nam cần được hiểu là hàm lượng giá trị có được và hàm lượng này đủ để coi là có xuất xứ tại Việt Nam - nơi diễn ra công đoạn sản xuất hoặc gia công, lắp ráp cuối cùng.

Tỉ lệ này được xác định theo công thức là phần giá trị gia tăng có được và tính trên tổng giá trị của hàng hóa được sản xuất, gia công, lắp ráp tại Việt Nam sau khi trừ đi giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu hoặc giá trị nguyên liệu đầu vào không xác định được xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa là tivi Asanzo. 

Do đó, để xác định chính xác tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm tivi Asanzo là 20% hay 30% thì cần phải xác định được chính xác giá nguyên liệu đầu vào khi Asanzo nhập khẩu.

Nên nếu cho rằng việc đạt tiêu chí tỉ lệ nội địa hóa 20% hay 30% nêu trên để xác định Asanzo có xuất xứ Việt Nam, tôi cho rằng sẽ cần phải có các tính toán cẩn trọng và phải bàn cãi nhiều.

Tivi Asanzo – Sản phẩm không đáp ứng các qui tắc về Made in VietNam - Ảnh 3.

Hàng ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc tại các nhà máy của Asanzo. (Ảnh: Dân Trí).

Vậy trong trường hợp tivi Asanzo không được thừa nhận là có xuất xứ tại Việt Nam, vậy theo ông sản phẩm này có xuất xứ từ đâu?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Trở lại với phân tích về xuất xứ hàng hóa mà tôi đã nêu trên, nếu các linh kiện, phụ kiện hay thiết bị liên quan đến sản phẩm tivi Asanzo được sản xuất chính chiếm 70% hay 80% ở Trung Quốc như một số báo chí, cơ quan truyền thông đã đưa tin thì tôi có thể khẳng định rằng đây là "sản phẩm có xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc".

Tuy nhiên, với trường hợp tivi Asanzo, tôi cho rằng chính Asanzo và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ phải cần làm rõ nhằm xác định yếu tố xuất xứ này. 

Trước mắt, xét dưới góc nhìn của người hành nghề luật, tôi nhận định sản phẩm này tạm thời chưa hoặc không đáp ứng các quy tắc về xuất xứ hàng hóa Việt Nam chứ không phải là sản phẩm hàng hóa này không có xuất xứ.

Còn việc sản phẩm này có đáp ứng tiêu chí về xuất xứ thuần túy hay không thì tôi không đủ dữ liệu về giá trị hàm lượng (trong đó có hàm lượng giá trị khu vực/RVC, nếu có), thành phần cấu thành, nguyên vật liệu đầu vào.

Vậy luật sư có thể đưa ra kết luận hay đánh giá: Sản phẩm tivi Asanzo có phải là Made In Vietnam hay không?

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Nhiều người hay nhầm lẫn giữa khái niệm sản xuất tại Việt Nam, bao gồm các công đoạn như gia công, chế biến hay lắp ráp tại Việt Nam và xuất xứ Việt Nam. Xét về quy định pháp luật, đây là hai khái niệm khác nhau khá căn bản.

Như tôi đã trình bày bên trên, để sản phẩm tivi Asanzo có thể được thừa nhận là sản phẩm có xuất xứ Việt Nam (tiếng Anh trong ngành sản xuất hay thương mại gọi là Made in Vietnam) thì ngoại trừ được sản xuất tại Việt Nam, sản phẩm này cần phải qua nhiều tiêu chí đánh giá và xét thừa nhận cũng như việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền dù rằng sản phẩm này chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Việc tivi Asanzo nếu chỉ có hoạt động gia công, lắp ráp giản đơn tại Việt Nam thì chỉ có thể nói là sản phẩm này được sản xuất một phần hay có số một số công đoạn được sản xuất tại Việt Nam chứ không thể nói là sản phẩm tivi này có xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam) được.

Xin cảm ơn luật sư!