|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Logo hàng Việt Nam chất lượng cao: Doanh nghiệp dán tuỳ tiện, Hội 'bó tay'

13:05 | 04/07/2019
Chia sẻ
Theo quy chế sử dụng logo Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), doanh nghiệp chỉ được sử dụng logo trong một năm và phải sử dụng đúng theo quy chế sử dụng đã ký kết. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã dán logo tùy tiện và đơn vị tổ chức cuộc bình chọn là Hội doanh nghiệp HVNCLC lại chưa có biện pháp hậu kiểm hữu hiệu. Và đây cũng là nguồn cơn của những nghi vấn Asanzo, SunHouse đang bán "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt" ra thị trường.

Theo ghi nhận của TBKTSG Online, cuối tuần qua một số siêu thị điện máy vẫn trưng bày nồi cơm điện mang thương hiệu SunHouse có dán logo HVNCLC, mặc dù trước đó cộng đồng mạng xã hội lên tiếng qua việc đăng tải các hình ảnh nồi cơm điện SunHouse mang xuất xứ Trung Quốc nhưng lại dán logo HVNCLC.

Logo hàng Việt Nam chất lượng cao: Doanh nghiệp dán tuỳ tiện, Hội 'bó tay' - Ảnh 1.

Công ty cổ phần Tập đoàn SunHouse đang sản xuất, lắp ráp nhiều mặt hàng khác nhau như nồi cơm điện, ấm siêu tốc, chảo chống dính. Ảnh: SunHouse

Sau những phản ánh của cộng đồng mạng, Công ty cổ phần Tập đoàn SunHouse đã đăng tải thông cáo báo chí trên trang web của về việc siêu thị nhầm lẫn trong việc ghi nhầm xuất xứ trên bảng giá (sản phẩm SunHouse trong hình ảnh được sản xuất tại Việt Nam).

Công ty cổ phần Tập đoàn SunHouse cho biết họ đã nhận giải thưởng HVNCLC cho nhóm hàng kim khí gia dụng. Khi nhận giải thưởng này, SunHouse nghĩ rằng có thể sử dụng logo HVNCLC trên tất cả các sản phẩm do công ty sản xuất tại Việt Nam gồm có nồi, chảo, nồi cơm điện. 

Vào ngày 24/6, SunHouse cũng thông tin trên trang web rằng doanh nghiệp đã gửi công văn tới Hội doanh nghiệp HVNCLC để kiểm tra lại thông tin và chờ hướng dẫn của Hội về việc sử dụng logo HVNCLC cho các sản phẩm của mình.

Trong cuộc trao đổi với TBKTSG Online ngày 3/7, đại diện truyền thông của SunHouse cho biết do lỗi truyền thông nội bộ nên Sunhouse sau khi nhận giải thưởng HVNCLC ngành hàng kim khí gia dụng nhưng dán nhầm sang cả nhóm nồi cơm điện. Sự sai sót này chỉ xảy ra ở nhóm hàng nồi cơm điện. 

"Chúng tôi sẽ tiến hành tháo gỡ logo HVNCLC và sẽ hoàn tiền nếu khách hàng nào mua phải sản phẩm bị nhầm lẫn đó mà thấy bất tiện", theo vị đại diện truyền thông.

Từ câu chuyện của SunHouse kể trên và trước đó là Asanzo, có thể nhận thấy logo HVNCLC hiện đang được các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau sử dụng một cách rộng rãi trong hoạt động truyền thông thương hiệu, quảng bá sản phẩm… 

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực hàng điện tử, kim khí gia dụng (bếp gas, nồi, chảo…) TBKTSG Online đã ghi nhận nhiều thương hiệu đang sử dụng logo HVNCLC trong hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm như SunHouse, Goldsun, Namilux, BlueStar, Maseco, Hanet, Paramax…

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người tiêu dùng đã phản ánh việc nhiều doanh nghiệp “nhầm lẫn” giữa việc một sản phẩm của họ được bình chọn danh hiệu HVNCLC với việc họ sử dụng logo HVNCLC để dán trên nhiều dòng sản phẩm khác. 

Theo đơn vị sở hữu nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC - Hội doanh nghiệp HVNCLC, cũng chính là đơn vị tổ chức thường niên cuộc bình chọn danh hiệu HVNCLC bởi người tiêu dùng điều này không đúng quy chế, cam kết giữa doanh nghiệp được bình chọn và Hội. 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng cứ dán logo thoải mái do công ty được cấp quyền sử dụng logo HVNCLC rồi; hoặc tuy được bình chọn danh hiệu cho một dòng sản phẩm nhưng dán logo cho nhiều dòng sản phẩm vì không sợ bị kiểm tra.

Khi có nghi vấn, Hội mới bắt tay vào việc hậu kiểm?

Trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 2/7 để chia sẻ thông tin liên quan tới việc Asanzo được cấp danh hiệu HVNCLC sau đó lại vướng phải nghi vấn “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”, đại diện Hội doanh nghiệp HVNCLC cho biết, đối với những doanh nghiệp sử dụng logo HVNCLC được cấp cho sản phẩm này để dán lên sản phẩm khác là vi phạm quy chế sử dụng. 

Bên cạnh đó, danh hiệu HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn được thực hiện hàng năm nên chỉ có giá trị trong một năm, doanh nghiệp sử dụng logo phải ghi rõ năm mà logo có hiệu lực (năm được bình chọn danh hiệu HVNCLC).

Theo phản ánh của cộng đồng mạng, trên thực tế, cũng có không ít doanh nghiệp sử dụng logo trong nhiều năm liển thay vì ghi rõ năm mà logo có hiệu lực.

Cũng tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 2-7, Hội doanh nghiệp HVNCLC cũng cho biết thêm, hội sẽ rà soát lại việc sử dụng logo HVNCLC của các doanh nghiệp trong tháng 7-2019; chẳng hạn như việc doanh nghiệp không đạt danh hiệu nhưng vẫn dán logo vào sản phẩm bán trên thị trường.

Trên thực tế, doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp đã khó, xây dựng uy tín thương hiệu cũng phải mất nhiều công sức… nhưng lại trong phút chốc “đổ sông, đổ biển” hết tất cả do bản thân không minh bạch thông tin về sản phẩm, làm đúng cam kết về chất lượng với người tiêu dùng. Đã làm hàng Việt thì phải kiên trì tới cùng, không thể nhắm mắt chạy theo lợi nhuận để rồi nhập nhằng trong việc công bố xuất xứ hàng hoá.

Cần minh bạch thông tin với người tiêu dùng

Các doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn danh hiệu HVNCLC phải có thông tin minh bạch về xuất xứ hàng hóa và tuân thủ các quy định trong Quy chế sử dụng logo HVNCLC; cam kết giữ vững chất lượng sản phẩm/dịch vụ và hình ảnh của nhãn hiệu chứng nhận; đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng trong suốt quá trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. 


Khi nộp hồ sơ tham gia chương trình này, doanh nghiệp phải cung cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, bản sao giấy chứng nhận đăng ký hàng hoá, giấy tờ liên quan minh bạch thông tin doanh nghiệp về xuất xứ hàng hóa…


Ngày 21/6, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã tước ngay quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo sau thông tin trên báo chí điều tra về việc ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu (Asanzo) từ Trung Quốc.


Trong năm 2018, 2019, Công ty CP tập đoàn Asanzo tiếp tục nhập nhiều linh kiện điện tử có in sẵn nhãn hiệu Asanzo (từ Trung Quốc) và cả linh kiện không ghi nhãn hiệu gì từ Trung Quốc.


Minh Chí