|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến lược đối phó biến chủng Delta của Trung Quốc: Tiêm thêm mũi vắc xin tăng cường?

21:40 | 01/08/2021
Chia sẻ
Ngay sau khi ổ dịch tại sân bay Nam Kinh bùng phát hôm 20/7, biến chủng Delta đã lây lan thần tốc đến ít nhất 26 thành phố tại 16 tỉnh thành của Trung Quốc.

Nếu xét theo tiêu chuẩn toàn cầu, số ca lây nhiễm mới với ít nhất 200 người ở Trung Quốc là khá khiêm tốn. Tuy nhiên, việc dịch bệnh nhanh chóng xuất hiện tại ít nhất 26 thành phố ở 16 tỉnh kể từ lần đầu tiên phát hiện ổ dịch tại sân bay Nam Kinh - nơi có hơn 9,3 triệu dân thì thực sự đáng quan ngại, tờ Wall Street Journal nhận định.

Đáng nói, hầu hết các ca lây nhiễm là không triệu chứng hoặc rất nhẹ. Đây là nhóm bệnh nhân đặt ra thách thức cho quá trình truy vết và kiểm soát dịch bệnh tại Trung Quốc - quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong suốt hơn một năm qua. 

Nhiều trường hợp còn không bị phát hiện sau nhiều ngày trước khi các biện pháp truy vết và xét nghiệm hàng loạt cho ra kết quả dương tính.

Tính đến hôm 29/7, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện tiêm 1,62 tỷ liều vắc xin. Một trong những yếu tố được cho là khiến dịch bệnh lây lan nhanh có thể là tâm lý chủ quan. Trong một năm qua, Trung Quốc chỉ xuất hiện lẻ tẻ một vài trường hợp nhiễm bệnh và điều đó khiến tinh thần cảnh giác trong cộng đồng giảm đi nhiều.

Chiến lược đối phó biến chủng Delta của Trung Quốc: Tiêm thêm mũi vắc xin tăng cường? - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại một trung tâm thể thao thuộc Nam Kinh. (Ảnh: Reuters).

Biến chủng Delta thách thức công tác chống dịch của Trung Quốc

Ông Zhang Wenhong, một chuyên gia y tế công cộng nổi tiếng cho rằng sự gia tăng các ca bệnh mới khiến giới chức Trung Quốc phải suy nghĩ nhiều hơn về công tác chống dịch. Vị Giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viên Hoa Sơn, Thượng Hải đặt ra câu hỏi: Liệu Trung Quốc có cần điều chỉnh chiến lược chống dịch để đối với với biến chủng mới và các nguy cơ của nó hay không? Thay vì cố gắng truy vết và dập tắt nó.

Một buổi diễn với sự tham gia của hơn 2.000 người tại thị trấn Trương Gia Giới, Hồ Nam đã trở thành cụm lây nhiễm đáng chú ý thứ hai sau Nam Kinh. 

Có ít nhất hai trường hợp ở Bắc Kinh liên quan đến Trương Gia Giới và 4 trường hợp ở thành phố Đại Liên đã tham dự sự kiện ở Trương Gia Giới, trước đó họ từng quá cảnh tại sân bay Nam Kinh - nơi bắt đầu bùng phát dịch. 

Tuần trước, theo các quan chức y tế cộng đồng Nam Kinh, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh mới đều đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn mắc COVID-19 sau hơn 14 ngày kể từ khi họ được tiêm vắc xin.

Trả lời trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc, ông Zhong Nashan, nhà dịch tễ học nổi tiếng của Trung Quốc cho rằng quốc gia tỷ dân này cần tiêm vắc xin cho 80% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng. 

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs ước tính không thể đạt được cho đến cuối năm nay.

Chiến lược tăng cường thêm mũi vắc xin COVID-19?

Với sự quay trở lại của dịch bệnh cùng biến chủng mới Delta, các chuyên gia y tế cộng đồng Trung Quốc đề cao việc tăng cường thêm mũi tiêm là cần thiết trong thời gian chờ kết quả.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, hầu hết những người đã tiêm vắc xin CoronaVac của hãng Sinovac Biotech đã giảm kháng thể xuống dưới ngưỡng quan trọng từ 6 đến 8 tháng sau liều thứ hai, và mũi thứ ba được tiêm vào thời điểm đó đã có tác dụng mạnh mẽ.

Trong khi đó, các quan chức y tế phương Tây cũng đang nghiên cứu việc tiêm lại vắc xin, và nếu có thì tiêm cho ai và trong hoàn cảnh nào? 

Các chính phủ trên khắp thế giới đang phải vật lộn với câu hỏi khi nào và làm thế nào để mở cửa lại nền kinh tế trong khi biến thể Delta lan rộng.

Chiến lược đối phó biến chủng Delta của Trung Quốc: Tiêm thêm mũi vắc xin tăng cường? - Ảnh 2.

Một người phụ nữ tại Nam Kinh đang được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngay sau khi thành phố gần 10 triệu dân này bùng phát dịch bệnh. (Ảnh: Getty Images).

Tại Anh, các lệnh hạn chế COVID-19 đã gần như được gỡ bỏ từ ngày 19/7, nhưng đối với các quốc gia theo đuổi chiến lược "Zero-COVID" (khoanh vùng, phong tỏa) như Trung Quốc, Australia, họ có kế hoạch duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt đến năm 2022, theo Wall Street Journal.

Ông Zhang, chuyên gia y tế công cộng tại bệnh viện Hoa Sơn cho rằng ngay cả khi toàn bộ dân số Trung Quốc được tiêm vắc xin, COVID-19 vẫn tồn tại và nó có thể trở thành một căn bệnh thường xuyên, tương tự như bệnh cúm nhưng với tỷ lệ tử vong thấp hơn.

Vị chuyên gia lấy dẫn chứng từ Anh và Israel, nơi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt gần 70%. Các ca nhập viễn và tử vong được duy trì ở mức khiêm tốn trong bối cảnh các ca nhiễm mới vẫn gia tăng.

Vào tháng 6, ông Feng Zijian, cựu Phó Giám đốc CDC Trung Quốc cho rằng thời điểm chuyển đổi từ chiến lược khoanh vùng, phong tỏa sang nới lỏng biên giới sẽ phụ thuộc phần lớn vào tỷ lệ tiêm chủng cao.

Số ca nhiễm của Trung Quốc vẫn ở mức thấp kể từ tháng 3/2020 và các đợt bùng phát nhanh chóng được ngăn chặn bằng sự kết hợp của các biện pháp như xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa khu dân cư, hạn chế đi lại, truy vết và cách ly những trường hợp tiếp xúc gần.

Để đối phó với đợt bùng phát lần này, chính quyền Nam Kinh đã đóng cửa các rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và quán bar, đồng thời kêu gọi người dân hủy bỏ các chuyến du lịch không cần thiết. Nhân viên sân bay sẽ được kiểm tra ba ngày/lần thay vì một lần/tuần. 

Ở miền Nam Trung Quốc, các thành phố lớn Quảng Châu và Thâm Quyến đang có kế hoạch đưa khách du lịch - những người sẽ ghé thăm thành phố vào các trung tâm cách ly được xây dựng đặc biệt để giảm thiểu sự tiếp xúc bối cảnh sự lan rộng của biến thể Delta.

Thùy Trang