Chiến dịch tăng lãi suất sắp đến hồi kết, Fed đổi chủ đề tranh luận
Mối quan tâm mới của Fed
Trong nhiều tháng qua, áp lực giá tại Mỹ đã hạ nhiệt, tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách giữ lãi suất bằng hoặc gần với mức hiện tại trong một khoảng thời gian.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn còn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed, khiến các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ ngần ngại tuyên bố chiến thắng. Sắp tới, họ sẽ phải cân nhắc xem Fed nên giữ lãi suất ở mức cao trong bao lâu.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Brian Sack, cựu quan chức cấp cao của Fed, nhận định: “Đây là khía cạnh chính sách mà Fed có thể sẽ phải tập trung nhiều nhất trong tương lai gần.
Giờ họ không phải nặng đầu về việc tăng lãi suất quỹ liên bang thêm bao nhiêu, mà thay vào đó phải cân nhắc nên duy trì lãi suất ở mức này trong bao lâu. Fed vẫn còn dư địa để thắt chặt các điều kiện tài chính, nếu họ muốn”.
Tại cuộc họp tháng trước, các quan chức Fed đã nhất trí nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps), đưa chi phí đi vay liên ngân hàng lên phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua.
Biên bản từ cuộc họp đó dự kiến sẽ được công bố vào chiều ngày 16/8 (theo giờ địa phương). Văn bản này có thể cung cấp thêm thông tin về tác động của lãi suất lên nền kinh tế và định hướng của các nhà hoạch định chính sách.
Loạt dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát đang đi xuống theo hướng mà các quan chức Fed mong muốn.
So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) chỉ tăng 0,2% trong tháng 7. Đây là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận kết quả này, đồng thời còn là mức tăng nhỏ nhất trong hơn hai năm qua.
Kỳ vọng lạm phát trong một năm tới của công chúng cũng bất ngờ giảm vào đầu tháng 8, là mức thấp nhất trong hơn hai năm.
Các quan chức Fed nói gì?
Theo Bloomberg, các quan chức Fed hiện chưa thống nhất về bước đi kế tiếp của mình.
Một số người như ông Patrick Harker, Chủ tịch chi nhánh Philadelphia, gợi ý Fed có thể giữ lãi suất ở mức hiện tại “trong một thời gian”. Trong khi đó, những người khác như Thống đốc Michelle Bowman ủng hộ tăng lãi suất lên cao hơn nữa.
Hồi đầu tuần này, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis là ông Neel Kashkari phát biểu: “Chúng ta đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất chưa? Tôi e là chưa.
Song, tôi đang nhìn thấy những dấu hiệu tích cực, có lẽ chúng ta nên dành thêm chút thời gian để đợi những dữ liệu mới, trước khi quyết định có cần tăng lãi suất thêm hay không”.
Một số quan chức cho rằng Fed có thể không cần tăng lãi suất lần nữa. Họ nhấn mạnh là mình dự định sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức hạn chế tăng trưởng.
Chia sẻ với tờ New York Times hồi đầu tháng, Chủ tịch chi nhánh New York John Williams cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang ở khá gần mức đỉnh lãi suất.
Và câu hỏi thực sự là một khi đã đánh giá rõ tình hình, chúng ta cần giữ chính sách trong trạng thái hạn chế [hoạt động kinh tế] trong bao lâu”.
Trong báo cáo công bố hôm 13/8, các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuối tháng 6 năm tới.
Theo một khảo sát mới đây của Bloomberg, 45 vị chuyên gia kinh tế đã bất đồng quan điểm về thời điểm Fed thực hiện đợt giảm lãi suất đầu tiên.
Hơn 25% dự kiến ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hạ lãi suất vào tháng 1/2024, trong khi ước tính trung vị cho thấy tháng 3 là thời điểm phù hợp.
Các dự báo kinh tế mà Fed công bố vào tháng 6 cho thấy hầu hết các quan chức dự đoán lãi suất sẽ đi lên thêm ít nhất 25 bps nữa, bên cạnh đợt tăng vào tháng 7.
Đồng thời, họ nhận định lãi suất chuẩn sẽ hạ xuống còn 4,6% vào cuối năm 2024, song không rõ khi nào các quan chức sẽ bắt đầu thực hiện đợt giảm đầu tiên.
Hiện tại, phần đông thị trường kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào ngày 19 - 20/9 tới và xác suất cho một đợt tăng 25 bps vào tháng 11 là hơn 30%.