Chi phí nguồn cung sản xuất pin hỗn loạn vì xung đột Nga - Ukraine, các ông lớn xe điện đồng loạt tằng giá sản phẩm
Việc Nga mở “chiến dịch đặc biệt” tại Ukraine đã khiến giá nguyên liệu sản xuất pin dành cho xe điện, chẳng hạn như niken và lithium rơi vào tình trạng hỗn loạn, buộc Tesla và các nhà sản xuất xe điện khác trên thế giới phải tăng giá, theo Asia Nikkei.
Các ông lớn xe điện đồng loạt tăng giá bán
"Tesla & SpaceX đang chứng kiến áp lực từ lạm phát tăng đáng kể trong thời gian gần đây đối với giá nguyên liệu và logisitcs", CEO Tesla Elon Musk đăng tải dòng tweet vào ngày 13/3. Nhà sản xuất xe điện của Mỹ đã tăng giá tất cả mẫu xe từ 4% - 10% tại Mỹ vào giữa tháng 3. Bên cạnh đó, họ cũng tăng giá ở các thị trường khác, bao gồm cả Nhật Bản.
Tại Trung Quốc, Contemporary Amperex Technology (CATL), nhà sản xuất pin ô tô hàng đầu thế giới, dường như đã tăng giá gấp đôi kể từ giữa năm 2021. Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng những đợt tăng giá này có thể dẫn đến việc giá xe điện nhiều khả năng tăng trung bình khoảng 3.140 USD trong thời gian tới.
Các nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc gần đây đã giảm giá xe điện tại thị trường Thái Lan. Họ đang tìm cách giành được vị thế tại thị trường Đông Nam Á này, vốn do các công ty Nhật Bản thống trị từ lâu. Tuy nhiên, chi phí sản xuất pin có thể khiến mục tiêu này rẽ sang hướng khác.
BYD, một công ty xe điện hàng đầu của Trung Quốc hay startup nổi tiếng Xpeng đều đã tăng giá bán xe.
Liên doanh SAIC-GM-Wuling Automobile, do ông lớn General Motors đầu tư, được biết đến với việc bán các loại xe điện giá rẻ cũng đã phải tăng giá từ 4.000 đến 8.000 nhân dân tệ. Trong đó, chiếc xe điện phổ biến nhất Trung Quốc Hongguang Mini, trước đây có giá hơn 4.300 USD, hiện được chào bán ở mức hơn 5.100 USD, đồng nghĩa việc giá đã tăng 10%.
Rủi ro trong giá nguyên liệu sản xuất pin
Các bộ pin chiếm khoảng 1/3 chi phí sản xuất xe điện. Chi phí nguyên vật liệu sản xuất pin tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá xe.
Đặc biệt, Nga chiếm khoảng 10% sản lượng niken và cung cấp 20% nguyên liệu có độ tinh khiết cao được sử dụng cho sản xuất pin ô tô. Cuộc xung đột Nga – Ukraine làm gia tăng lo ngại về nguồn cung, khiến giá kim loại giao sau 3 tháng đã chạm mức kỷ lục 55.000 USD/tấn trên Sàn giao dịch kim loại London vào ngày 7/3. Mức giá tăng liên tục buộc sàn này phải tạm ngừng giao dịch vào ngày hôm sau.
Tính đến ngày 24/3, giá nikel vẫn tương đối cao, khoảng hơn 30.000 USD/tấn, tức cao hơn gấp đôi so với năm ngoái. Một nguồn tin tại công ty thương mại Hanwa cho biết: “Với mức giá đó, chỉ những chiếc xe hạng sang mới có pin để dùng”.
Tác động không chỉ giới hạn với niken. Giá giao dịch quốc tế đối với lithium, vốn chủ yếu được sản xuất ở Australia và Nam Mỹ, cũng đã tăng mạnh trong năm qua. Theo Argus Media, một công ty nghiên cứu tài nguyên của Anh, giá chuẩn của lithium cacbonat, được sử dụng làm nguyên liệu pin, là hơn 78.000 USD/tấn tính đến ngày 23/3.
Con số này cao hơn khoảng 6 lần so với cùng kỳ năm trước, khi giá dao động trong khoảng 12.500 USD/tấn. Giá đất hiếm, được sử dụng để làm nam châm động cơ cho xe điện, cũng cao hơn 60% so với năm 2021, với neodymium, một nguyên liệu thô cho nam châm hiệu suất cao, có giá khoảng 212 USD/kg vào ngày 25/3.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc chiếm 60% sản lượng kim loại đất hiếm trên thế giới và quốc gia này cũng cung cấp gần như toàn bộ than chì để làm vật liệu cực dương cho pin, điều này tạo nên rủi ro về nguồn cung cho chính các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.
Tìm cách chấm dứt phụ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ và Australia đang cố gắng tăng nguồn cung trong nước thông qua hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất nội địa.
Chênh lệch cung cầu ngày càng lớn khó có thể được giải quyết trong thời gian ngắn. Theo SNE Research, tổng doanh số bán xe điện trên toàn cầu đạt khoảng 6,4 triệu chiếc, bao gồm cả plug-in hybrid, vào năm 2021, tăng gấp hai lần so với năm trước. Xe điện cũng chiếm 8% tổng số ô tô được bán ra trên toàn cầu, tăng so với khoảng 4% trong năm 2020.
Doanh số bán xe điện tăng trực tiếp thúc đẩy nhu cầu về tài nguyên. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, lượng tài nguyên cần thiết cho sản xuất xe điện, bao gồm đồng cho hệ thống dây điện, đã tăng gấp 6 lần so với các phương tiện chạy bằng xăng thông thường.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine leo thang, giá nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên và dầu thô cũng tăng mạnh. Tầm quan trọng của chiến lược khử cacbon để giảm sự phụ thuộc vào Nga càng trở nên rõ ràng hơn.
"Xu hướng toàn cầu đối với xe điện sẽ tăng tốc", Sanshiro Fukao, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Itochu cho biết. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nhu cầu nhanh hơn dự kiến đã dẫn đến vấn đề nguồn cung.