Chênh lệch mua - bán cả triệu đồng, đầu tư vào vàng có kịp hưởng lợi?
Giá vàng trong nước lại phá đỉnh
Giá vàng trong nước liên tục tăng “nóng” và lập đỉnh mới trong một tuần gần đây. Sau khi đạt mức kỉ lục 53 triệu đồng/lượng vào hôm qua, giá vàng miếng một lần nữa thiết lập đỉnh lịch sử mới trong phiên giao dịch sáng nay (23/7).
Vào 11h30 trưa nay, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở mức 52,55 triệu đồng/lượng, tiếp tục tăng 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và 53,50 - 53,52 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá sáng qua. Đây cũng là nơi có mức giá bán vàng cao nhất trong số các cửa hàng khảo sát.
Đáng chú ý, chênh lệch giá mua vào - bán ra có nơi đã lên đến 1 triệu đồng/lượng. Cụ thể, tại hệ thống PNJ chiều qua niêm yết giá ở mức 52,1-52,75 triệu đồng/lượng theo chiều mua vào - bán ra, đến sáng nay đã tăng lên mức 52,3 triệu/lượng (mua) và 53,3 triệu/lượng (bán), tăng 200.000 đồng/lượng và 550.000 đồng/lượng sau một đêm.
Trong khi đó, giá vàng Doji cũng tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng chiều bán ra, lên 52,50 - 53,15 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 650.000 đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý hiện mua vào vàng miếng ở mức 52,65 triệu/lượng, tăng 400.000 đồng so với chiều qua; giá bán được doanh nghiệp này tăng thêm 550.000 đồng, ở mức 53,45 triệu đồng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra là 800.000 đồng/lượng.
Có thể thấy, chỉ trong khoảng 3 ngày gần đây, giá vàng trong nước đã tăng mạnh tới 2,5 triệu đồng/lượng, tương đương gần 4%. Và sáng nay đánh dấu phiên tăng thứ 7 liên tiếp của vàng trong nước, nâng giá mặt hàng này từ vùng 49 triệu lên hơn 53 triệu đồng chỉ sau hơn 2 tuần.
Cùng thời điểm, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay hiện đang ở mức 1.868,3 USD/ounce theo Kitco, tăng hơn 27 USD/ounce, vàng giao tháng 8 đạt 1868,35 USD.
Qui đổi theo tỷ giá tại Vietcombank sáng nay, hiện giá vàng thế giới khoảng 52,38 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá trần bán ra của vàng trong nước đến hơn 1,1 triệu đồng/lượng.
Nới biên độ giá mua - bán: Chiến lược của nhà vàng khi giá vàng tăng mạnh
Giá vàng sáng nay cao hơn đầu năm 10,57 triệu đồng, tương đương mức tăng 24,7% sau gần 7 tháng. Đà tăng này cũng mang lại cho nhà đầu tư từ đầu năm mức lợi nhuận khoảng 9,5 triệu/lượng, tương đương 22,4%.
Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá mua và giá bán của giá vàng trong nước hiện đã lên tới 1 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch này được kéo rộng khi giá vàng tăng nhanh chóng trong 2 phiên gần đây, trước đó, khoảng cách này chỉ ở mức 300.000 - 400.000 đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, khi giá vàng liên tục tăng cao, nhiều người nắm giữ vàng sẽ bán ra để chốt lời khiến các doanh nghiệp vàng phải tăng dự phòng để tránh mất thanh khoản. Theo đó, trước lực bán tăng mạnh, các doanh nghiệp vàng sẽ giảm giá bán nhằm kích thích sức mua, khiến chênh lệch giá mua - bán ngày càng nới rộng.
Tuy nhiên, TS. Thái Lâm Toàn, chuyên gia Cố vấn Chiến lược Quản trị Doanh nghiệp, cho rằng mức chênh lệch quá cao càng mang tới nhiều rủi ro cho những người muốn đầu cơ, “lướt sóng” bởi nếu "không may" vàng quay đầu giảm giá mạnh, người mua sẽ lỗ ngay lập tức và bài học này đã được ghi nhận trong đợt tăng giá kinh điển năm 2011.
"Một khi giá vàng tăng vọt sẽ khiến nhiều doanh nghiệp, người dân có xu hướng mua vàng đầu cơ. Đây thực sự là rủi ro đối với nền kinh tế, bài học giai đoạn 2006-2012 cho thấy, trước khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lí thị trường vàng được ban hành nhằm giảm đầu cơ vàng, phần lớn nhà đầu tư cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên đều thua lỗ nặng", TS. Toàn nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trong đợt tăng giá này của kim loại quí, nhà đầu tư và người dân có vẻ đã rút kinh nghiệm hơn nên không còn cảnh tượng đổ xô đi bán và mua vàng lúc vàng đang sốt.
Đại diện doanh nghiệp kinh doanh vàng tại quận 5, TP HCM cho biết, giá vàng biến động liên tục nên khách hàng đều cân nhắc và thận trọng khi quyết định mua bán. Chính vì thế, dù tăng giá mạnh, nhưng giao dịch tại cửa hàng khá trầm lắng.
Do đó, theo các chuyên gia, mua vàng để tích trữ lúc này là không nên vì giá vàng còn rất nhiều biến động theo tình hình thế giới.
"Đối với các nhà đầu tư cá nhân, tôi cho rằng, việc đổ tiền vào vàng phải hết sức cẩn trọng. Ngoài việc bám sát diễn biến của dịch bệnh trên toàn cầu, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao thị trường vàng thế giới và trong nước để có quyết định hợp lí.
Còn với các nhà quản lí cần hết sức thận trọng, tránh tái diễn bài học giai đoạn 2006-2012 khi có tới 95% nhà đầu tư chịu cảnh thua lỗ do "ôm vàng", TS. Thái Lâm Toàn khuyến cáo.