[Chân dung doanh nghiệp] “Ông lớn” bán lẻ điện tử và dấu hỏi cho tương lai
CTCP Đầu tư Thế giới Di động tiền thân là Công ty TNHH Thế giới Di động, thành lập vào tháng 3/2004, khai trương siêu thị đầu tiên tại TP.HCM. Sau khi nhận vốn đầu tư của Mekong Capital, năm 2007, doanh nghiệp chuyển sang mô hình công ty cổ phần.
Mặc dù tính đến nay đã 11 năm phát triển, song Thế giới Di động niêm yết trên sàn chứng khoán khá muộn so với nhiều doanh nghiệp khác. Ngày 14/7/2014, công ty niêm yết 62,7 triệu cổ phần trên HoSE, mã chứng khoán MWG.
Trải qua chừng ấy năm, tính đến tháng 10/2016, Thế giới Di động đang có tới 1.102 siêu thị trên toàn quốc, trong đó chuỗi Thegioididong.com có 929 siêu thị và chuỗi Điện máy Xanh có 173 siêu thị. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của MWG cũng đã lên tới 146,5 triệu cổ phiếu với thị giá nằm trong top những cổ phiếu có giá cao nhất sàn chứng khoán.
Thế giới Di động nổi lên trên thị trường đầu tiên phải kể đến mảng bán lẻ điện tử điện máy. Mặc dù doanh nghiệp không phải là kẻ tiên phong trong lĩnh vực này, song nhờ thái độ phục vụ và dịch vụ hậu mãi chu đáo nên mặc dù giá sản phẩm của Thegioididong.com thường cao hơn mặt bằng chung nhưng vẫn được nhiều người tin dùng.
Chưa an phận, doanh nghiệp vẫn tiếp tục phủ sóng hệ thống siêu thị. Tốc độ mở siêu thị của MWG khá chóng mặt khi chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2016, MWG đã mở 469 siêu thị trên toàn quốc, ứng với tốc độ 3 ngày mở 2 siêu thị. Cùng với đó, công ty lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ tạp hoá với chuỗi thử nghiệm mang tên Bách hoá Xanh.
Phát triển nhanh, mạnh mẽ song cùng đi cùng với đó là không ít thách thức.
Tốc độ tăng chi phí nhanh hơn doanh thu, hàng tồn kho cỡ “khủng”
Báo cáo tài chính quý III/2016 cho thấy, doanh thu thuần quý III đạt 11.126 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên cùng với đó, tổng chi phí bán hàng và chi phí chiếm 1.313 tỷ đồng, chiếm 71% lợi nhuận gộp và tăng 93% so với cùng kỳ 2015.
Đây là vấn đề tất yếu khi tốc độ mở cửa hàng nhanh, dẫn đến chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cao trong khi các cửa hàng mới cần có thời gian để có được mức doanh thu ổn định.
Trong 9 tháng 2016, doanh thu mảng điện thoại tăng 50% trong khi số lượng cửa hàng tăng 85% và doanh số cửa hàng cũ tăng 10 - 11% cho thấy doanh thu của các cửa hàng mới thấp hơn khá nhiều so với cửa hàng cũ. Với số lượng siêu thị hiện tại và thị trường di động cũng đang tiến tới điểm bão hoà nên tốc độ mở cửa hàng của MWG có thể sẽ chậm lại vào năm tới.
Cùng với bài toán chi phí, MWG cũng đang có khoản hàng tồn kho trên 6.611 tỷ, chiếm 65% tổng tài sản doanh nghiệp, tính đến cuối quý III/2016.
Điện thoại di động vẫn là mặt hàng có lượng tồn kho lớn nhất với tổng giá trị lên tới hơn 3.406 tỷ đồng, tăng 16,7% so với đầu năm và chiếm 51,5% tổng tồn kho.
Đứng thứ hai là thiết bị điện tử, chiếm 25,6% tổng tồn kho, đạt hơn 1.695 tỷ đồng. Đứng thứ ba và thứ 4 là phụ kiện và máy tính bảng, với giá trị tồn kho lần lượt đạt hơn 440 tỷ đồng và gần 377 tỷ đồng.
Thiết bị gia dụng là mặt hàng có giá trị tồn kho tăng mạnh nhất, với mức tăng lên tới 66,8% so với đầu năm, đạt hơn 332 tỷ đồng. Máy tính xách tay tăng 58,8%, lên gần 156 tỷ đồng.
Thị trường di động bão hoà, “nồi cơm” của MWG sẽ đi đến đâu?
Thị phần mảng di động của MWG hiện nay đã khoảng 38%, mặc dù vẫn đang dần chiếm khách hàng của các cửa hàng nhỏ lẻ song do thị trường mảng di động đã có dấu hiệu bão hoà nên tốc độ tăng trưởng mảng này sẽ dần chậm lại.
Mặc dù có thể kỳ vọng vào Điện máy Xanh song trên thực tế, thị trường điện máy khá khó cạnh tranh khi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh đã tồn tại lâu đời và chiếm những vị trí đắc địa tại các thành phố lớn.
Người đứng đầu doanh nghiệp cũng đã nhìn thấy những thách thức trước mắt và đã nhanh chóng lập kế hoạch tiến vào lĩnh vực bán lẻ tạp hoá và thương mại điện tử.
Bách hoá Xanh của MWG khi ra đời đã có nhiều ý kiến trái chiều khi “ông lớn” này bỗng dưng muốn đi bán rau, bán thịt. Hệ thống này vẫn đang là một dấu chấm hỏi về mức độ lợi nhuận có thể đưa về cho doanh nghiệp.
Chính ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cũng thừa nhận việc tuổi thọ sản phẩm tại Bách hoá Xanh rất thấp, do đó, vấn đề kiểm soát chi phí sẽ là một thách thức không nhỏ đối với MWG.
Cùng với đó, thay vì mở thêm nhiều siêu thị Thegioididong.com và Điện máy Xanh như thời gian trước, mục tiêu của MWG tới đây sẽ là mở 80 cửa hàng Bách hoá Xanh trong năm 2017 với diện tích từ 100-200m2, cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng bách hoá nhỏ và những chuỗi siêu thị mini khác.
Đây vẫn là một thử thách lớn của MWG, công ty cũng nhận rõ được điều này khi kéo dài thời gian thử nghiệm, và cũng xác định: sẽ phải có “học phí” đối với việc vận hành Bách hoá Xanh, tức là khả năng cao sẽ lỗ trong năm tới.
Về thương mại điện tử, ông chủ MWG cho biết doanh nghiệp đang vận hành 1 trang với ước vọng trở thành một “đại siêu thị online”, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều người biết đến.
Trên nhiều “mặt trận”, MWG đều phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm. Nếu MWG sau khi nhận được vốn của Mekong Capital để phát triển thì hiện tại, đối thủ là FPT Shop cũng đang có khả năng sẽ về tay đối tác ngoại và được sự hậu thuẫn vững chắc. Việc Lazada vừa được bán cho Alibaba cũng là một mối đe doạ đối với mảng thương mại điện tử của các doanh nghiệp Việt.
Do vậy, mặc dù xác định Bách hoá Xanh và thương mại điện tử sẽ là “nồi cơm chính” của MWG trong tương lai song hiệu quả và lợi nhuận đến đâu vẫn còn cần khá nhiều thời gian để xác định.