|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chân dung doanh nghiệp chuyên làm xi mạ sắp lên UPCoM

07:53 | 06/06/2024
Chia sẻ
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu đối với CTCP Công nghệ Ha Lô.

8 triệu cổ phiếu mã HLO sẽ đưa vào giao dịch thị trường UPCoM trong thời gian tới. Giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch đạt 80 tỷ đồng. Công ty thông báo 13/6 là ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch tại HNX.

Theo bản công bố thông tin, Ha Lô được thành lập năm 2014, trụ sở (sau khi thay đổi) đặt tại đường Trịnh Hoài Đức, TP Tân Uyên, Bình Dương. Vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, sau nhiều đợt tăng vốn nâng lên thành 80 tỷ đồng hiện tại. Đơn vị trở thành công ty đại chúng vào tháng 5/2023.

Tính tại 22/3/2024, công ty có 6 cổ đông lớn sở hữu 89,94% vốn, trong đó bao gồm 1 tổ chức nước ngoài nắm 10% vốn. Cổ đông lớn nhất là Tổng Giám đốc Kỷ Minh Du với 44,6% vốn. 102 cổ đông khác sở hữu tổng cộng 10,16% vốn.

Đơn vị này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn hóa chất xử lý bề mặt kim loại và sản xuất, thi công hệ thống xi mạ, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống lọc không khí...

Năm 2023, doanh thu thuần là 100,6 tỷ đồng, giảm 28% so với 2022. Theo Ha Lô, trong bối cảnh trong và ngoài nước đối mặt với suy thoái kinh tế, công ty đã gặp nhiều tác động gián tiếp và trực tiếp.

Một dây chuyền xi mạ của Ha Lô. (Ảnh: Ha Lô).

Trong cơ cấu doanh thu năm 2023, mảng hệ thống xi mạ, thiết bị đi kèm chiếm hơn 49%; hàng hóa chiếm 44%; còn lại móc treo 7%.

Lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2023 là 5,4 tỷ đồng, giảm 67% so với thực hiện 2022. Công ty cho biết lợi nhuận giảm sâu do nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào tăng cao, đơn hàng giảm, bàn giao sản phẩm với giá thấp trong khi giá vốn trên sản phẩm không thay đổi nhiều...

Năm 2024, Ha Lô đặt mục tiêu doanh thu 120,7 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 8,4 try đồng, tăng lần lượt 20% và 56% so với thực hiện năm trước.

 

Về triển vọng ngành, ban lãnh đạo nhận định xi mạ liên quan đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau, hầu hết các đồ gia dụng hoặc đồ dùng gia đình, sản phẩm máy bay và máy công cụ được mạ tăng độ bền. Đây là những ngành có tiềm năng phát triển lớn, kéo theo đó là sự phát triển cho ngành phục vụ cho ngành xi mạ.

Hầu hết các nhà máy cơ sở sản xuất xi mạ hiện có quy mô vừa và nhỏ công nghệ cũ lạc hậu, tập trung chủ yếu ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, một số tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh và một sổ tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc... Đây là một trong những đổi tượng khách hàng tiềm năng khi mà công nghệ ngày càng phát triển yêu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh là việc cần thiết.

Mặt khác, xi mạ là nguồn gốc phát sinh lượng chất thải nguy hại ra môi trường nếu không dược xử lý kỹ. Vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được dư luận chú ý, được cơ quan ban ngành coi trọng nên việc đầu tư hệ thống xừ lý nước thải đạt tiêu chuẩn là việc hết sức cần thiết của tất cả các doanh nghiệp nói chung, và của các doanh nghiệp xi mạ nói riêng.

Xuân Nghĩa