|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Làn sóng ngân hàng lên sàn chứng khoán

10:51 | 19/02/2017
Chia sẻ
Làn sóng các ngân hàng nội gia nhập sàn chứng khoán tập trung đã được khởi động ngay từ đầu năm khi hơn 564 triệu cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Quốc tế Việt Nam (VIB), ngân hàng có vốn điều lệ hơn 5.644 tỉ đồng chính thức được đăng ký giao dịch tại sàn UpCom vào ngày 9-1-2017.

Sắp tới, ba ngân hàng TMCP khác là Kiên Long (Kienlongbank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Tiên phong (TPBank) cũng sẽ tham gia thị trường chứng khoán. Ba ngân hàng này mới được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam chấp thuận lưu ký và cấp mã chứng khoán. Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung, dự kiến là HOSE. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã chốt danh sách cổ đông ngay trong tuần sau Tết Nguyên đán để chuẩn bị cho việc gia nhập UpCom. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đang xin ý kiến cổ đông về đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch tại UpCom. Một vài ngân hàng khác tuy đã có kế hoạch song còn cân nhắc thời điểm tham gia thị trường chứng khoán và sàn chứng khoán mình sẽ giao dịch.

Đại diện VIB cho biết: “Việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung nhằm mục tiêu chia sẻ, minh bạch các thông tin về hoạt động của ngân hàng, giá cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường, thanh khoản của cổ phiếu, giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc ra quyết định đầu tư”.

Thông cáo báo chí của Kienlongbank viết: “Việc được cấp mã chứng khoán trong những ngày cuối năm 2016 được xem là bước đi đầu tiên để Kienlongbank chính thức gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017, qua đó sẽ nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của ngân hàng, tạo thuận lợi trong việc giao dịch của cổ đông cũng như các nhà đầu tư”.

Bên cạnh lý do minh bạch thông tin, làn sóng ngân hàng niêm yết còn được “xô đẩy” bởi những lý do khác.

Thứ nhất, theo lãnh đạo một ngân hàng, đó là do yêu cầu và sự thúc ép mạnh mẽ từ cơ quan chủ quản ngành là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các cơ quan quản lý liên quan. “Không có quy định rõ ràng “đóng mộc” với các ngân hàng về việc phải đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng lộ trình đó đã được NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cam kết trong chiến lược và đề án tái cơ cấu của ngân hàng mình giai đoạn 1 (2011-2016). Đã cam kết thì phải làm, và hạn chót được đưa ra là năm 2016”.

Thứ hai là do sức ép thực hiện quy định của Bộ Tài chính và các văn bản khác của ngành chứng khoán. Thông tư 180/2015/TT-BTC yêu cầu trong vòng một năm kể từ ngày thông tư này hiệu lực, các công ty đại chúng phải hoàn tất thủ tục đăng ký trên hệ thống UpCom (thông tư không giải thích vì sao lại là UpCom mà không phải sàn HOSE hay HNX). Các ngân hàng TMCP của Việt Nam đều đã trở thành ngân hàng đại chúng (có trên 100 cổ đông cá nhân) từ nhiều năm nay.

Lý do thứ ba đến từ nội tại các ngân hàng. Chẳng có “sếp” ngân hàng nào không thừa nhận niêm yết là con đường tất yếu phải đi để tự nâng ngân hàng lên mặc dù đi kèm với quá trình đó là các thách thức không nhỏ (ngân hàng phải công bố thêm nhiều thông tin, phải tốn thêm nguồn lực không nhỏ để thực hiện). “Ngân hàng trong bối cảnh quy định và cạnh tranh mới, chỉ có cách tự nâng vốn, cải tổ chất lượng và các chỉ số sức khỏe hoặc... chết”, một người làm ngân hàng lâu năm bình luận. “Ngân hàng cũng tính đến việc họ có thêm kênh chứng khoán để huy động vốn”, một ý kiến khác.

Thứ tư, đó còn là bước đi tự nhiên và tất yếu của mỗi ngân hàng và ngành kinh doanh ngân hàng. Làn sóng niêm yết mới này có thể đánh dấu cột mốc mới trong sự phát triển của ngành, sau đợt tái cơ cấu ngân hàng thương mại lần thứ nhất. Hành trình tư duy của người làm ngân hàng đã khác. Trên thị trường đã xuất hiện những người làm ngân hàng “hiểu chuyện”. Họ biết không thể “đánh quả” hay ăn xổi ở thì bằng cách chỉ cần “có chân” trong một ngân hàng nữa. Một khi đã quyết định đi cùng các cổ đông khác, cùng thị trường thì phải thực sự làm thật, ăn thật, chậm mà chắc.

Sự thay đổi này là tiền đề giúp cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong công việc quản lý. Song nó cũng đặt ra sức ép, rằng chính những nhà quản lý cũng phải tự học hỏi, thay đổi tư duy để nâng tầm nhìn và năng lực, sự liêm chính cũng như con mắt nhìn ra trông rộng trên thị trường ngân hàng để theo kịp “người chơi” mà ngày nay, “bầu không khí” ấy không gói gọn trong biên giới lãnh thổ Việt Nam.

Vì sao nhiều ngân hàng thích sàn UpCom?

Vì sao có nhiều ngân hàng chọn đăng ký giao dịch trên sàn UpCom trong năm 2017 thay vì niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc sàn chứng khoán TPHCM (HOSE)? Tôi hỏi một lãnh đạo ngành chứng khoán.

Ông ví von nhiều ngân hàng Việt Nam giống như mới mổ mắt xong, phải đeo kính râm chứ ra ánh nắng chói chang ngay thì sẽ hỏng mắt. UpCom trong trường hợp này nên hiểu như là bước đệm để ngân hàng thử nghiệm, trong quá trình đó họ có áp lực để xử lý những vấn đề của mình, hồi phục tốt hơn và sau đó mới đi xa hơn - lên sàn HNX hay HOSE.

Về nguyên tắc, niêm yết cổ phiếu đồng nghĩa với sự minh bạch nhưng trong trường hợp các ngân hàng đăng ký giao dịch niêm yết trên sàn UpCom như hiện nay thì không có nghĩa các ngân hàng đó sẽ minh bạch hơn và ngành ngân hàng Việt Nam sẽ minh bạch hóa. Vì sao?

Theo một chuyên gia chứng khoán, UpCom không phải một sàn giao dịch chứng khoán đúng nghĩa. Trên thế giới không có nhiều sàn giao dịch chứng khoán tương tự hình thức này. Thực ra, đây chỉ là nơi tập trung chứng khoán của doanh nghiệp để lưu ký và giao dịch cổ phiếu một cách tập trung và an toàn hơn. Kể cả khi không lên sàn UpCom, doanh nghiệp nếu là công ty đại chúng vẫn phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin. Đó là các tiêu chuẩn công bố thông tin tối thiểu (công khai báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh hàng quí, hàng năm trên trang web của mình). Chỉ khi đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HNX hay HOSE thì doanh nghiệp mới phải công bố thông tin chi tiết về giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn, cổ đông có liên quan...

“Chuẩn mực minh bạch UpCom yêu cầu với doanh nghiệp rất thấp, không khác công ty đại chúng ngoài sàn song vì UpCom công bố chỉ số giá nên dễ gây hiểu lầm rằng sàn này có chuẩn mực cao. Đã có những ý kiến cho rằng hoặc chúng ta nên bỏ sàn UpCom, hoặc phải thay đổi tiêu chuẩn công bố thông tin, cách tính chỉ số và tổ chức nếu không sẽ gây hiểu lầm cho thị trường về giá trị doanh nghiệp”, vị này nói.

Theo một lãnh đạo ngân hàng khác, “Có ngân hàng thích UpCom bởi muốn né tránh việc công bố nhiều thông tin với cổ đông và thị trường. Thường thì do cổ đông lớn của ngân hàng không muốn bị “mất”ngân hàng (bị thâu tóm) hoặc bản thân nội bộ ngân hàng chưa thu xếp xong một số vấn đề để đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết trên HOSE hay HNX mà phần lớn nó liên quan đến cổ đông lớn”.

Ông thừa nhận: “Minh bạch hóa là áp lực rất lớn với ngân hàng thương mại cổ phần, nó đến từ các cơ quan quản lý và cổ đông đại chúng, thị trường, đối tác. Nếu như vài năm trước các ngân hàng vẫn có thể dùng biện pháp giao dịch kỹ thuật để điều chỉnh các chỉ số, nợ xấu, tổng tích sản, làm thể hiện khác đi bản chất thì nay, với các quy định phải bóc tách hết số liệu và thông qua giám sát từ xa, thanh tra trực tiếp, các ngân hàng không thể làm thế nữa”.

Nhìn tổng thể, trong suy nghĩ của nhiều người làm ngân hàng, để các ngân hàng thực sự minh bạch, không thể nhờ cậy duy nhất thị trường chứng khoán. Câu chuyện đầu tiên phải làm là điều chỉnh hạch toán kế toán nghiêm túc hơn theo các chuẩn mực mới của quốc tế (hiện các ngân hàng vẫn theo chuẩn Việt Nam) hay các nguyên tắc thiết yếu với ngành ngân hàng, ví dụ như Basel 2 (thế giới đã chuẩn bị bước qua Basel 4) cùng các nguyên tắc về quản trị tiên tiến (mà hiện nay các ngân hàng đang làm rất khác nhau).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hồng Phúc

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.