|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chân dung BCG Energy sắp lên UPCoM

15:25 | 24/05/2024
Chia sẻ
BCG Energy vừa chính thức trở thành công ty đại chúng. Đây là một phần trong kế hoạch đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM, cũng như niêm yết trong tương lai.

Ngày 20/5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành công văn xác nhận việc đăng ký đại chúng của CTCP BCG Energy, thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital.

BCG Energy bắt đầu làm thủ tục IPO từ năm 2023. Phía tập đoàn đã chuẩn bị cho việc đơn vị này trở thành công ty đại chúng, và là bước đệm để đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM trong quý II, xa hơn là trở thành công ty niêm yết trong tương lai.

BCG Energy được thành lập vào năm 2017, là thành viên nắm giữ các dự án năng lượng tái tạo của Tập đoàn Bamboo Capital (Mã: BCG). Đón đầu định hướng của Chính phủ về năng lượng tái tạo, BCG Energy hiện tập trung vào phát triển và vận hành các dự án cánh đồng năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời áp mái và năng lượng gió tại Việt Nam.

Theo bản công bố thông tin, sau 8 lần tăng vốn, hiện nay đơn vị có vốn điều lệ là 7.300 tỷ đồng (tương ứng với 730 triệu cổ phiếu), vốn chủ sở hữu gần 10.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 20.000 tỷ đồng.

Cơ cấu sở hữu tại ngày 3/5, cổ đông lớn duy nhất là Bamboo Capital sở hữu 50,66% vốn, 159 cổ đông còn lại sở hữu tổng cộng 49,34% vốn.

BCG Energy hoạt động như một công ty nắm giữ vốn (holding company), theo hình thức đầu tư vào các công ty con để phát triển mảng năng lượng tái tạo của tập đoàn.

Đơn vị này sở hữu vốn tại hàng chục công ty con, công ty liên doanh, liên kết, hầu hết trong lĩnh vực năng lượng. Mới nhất vào đầu tháng 5, BCG Energy thành lập thêm công ty con là BCG Điện gió Điện Biên Đông (tỷ lệ sở hữu 99,98% vốn).

Theo ban lãnh đạo, năng lượng tái tạo đang là một phần không thể thiếu để đáp ứng nhu cầu điện của Việt Nam, với mục tiêu 12 GW năng lượng mặt trời mới trong giai đoạn 2017 - 2030. Công ty hiện đầu tư vào các dự án điện mặt trời và 74 dự án điện mặt trời áo mái. Ngoài ra còn có 4 dự án điện gió, điện mặt trời, 23 dự án điện mặt trời áp mái đang triển khai tại một số tỉnh thành ở Việt Nam.

Tính đến hiện tại (tháng 5), BCG Energy đang vận hành 594,4 MWp các dự án nhà máy điện mặt trời và điện mặt trời áp mái. Công ty cho biết đang triển khai danh mục các dự án với tổng công suất 229 mW và các dự án trong kế hoạch triển khai tương lai đến 670 MW.

Mục tiêu của doanh nghiệp đến 2026 đạt tổng công suất 2 GW, đa dạng hóa danh mục đầu tư năng lượng tái tạo với chi phí đầu tư thấp và IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ) các dự án trung bình 10 - 14%.

Về tình hình tài chính, năm 2023, doanh thu thuần đạt 1.126 tỷ đồng, tăng 6% so với 2022. Tuy nhiên, công ty lỗ sau thuế 153 tỷ đồng (năm 2022 lãi 296 tỷ đồng). Nguyên nhân là đánh giá lỗ chênh lệch tỷ giá đối với một số khoản vay bằng USD với tổng dư nợ khoảng 140 triệu USD, và các chi phí tài chính liên quan đến khoản vay. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối 2023 là 187 tỷ đồng.

Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 đạt 4,06%/vốn điều lệ bằng tiền mặt. Công ty không chia cổ tức năm 2022 và 2023.

Tại cuối 2023, tổng nợ phải trả là 9.300 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạ 1.363 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn 5.035 tỷ đồng.

Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.520 tỷ đồng, tăng 35% so với thực hiện 2023. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng gần 513 tỷ đồng. Công ty dự kiến không chia cổ tức năm thứ ba liên tiếp.

 

Ban lãnh đạo đánh giá so với 2023, hoạt động bán điện của công ty năm nay sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Hiện tượng El Nino sẽ kích thích nhu cầu sử dụng điện và các nguồn năng lượng truyền thống gặp khó khăn trong duy trì sản lượng, do đó năng lượng tái tạo sẽ được yêu cầu huy động tối đa và được tạo điều kiện phát triển thời gian tới. Danh mục gần 600 MWp điện mặt trời đã đi vào hoạt động của công ty là lợi thế.

Đối với các dự án điện mặt trời, sản lượng phát điện của công ty sẽ được tăng cường khi Dự án Nhà máy Điện mặt trời Krôngpa2 (giai đoạn 1) với công suất 21 MWp đi vào vận hành thương mại trong năm 2024 theo giá bán điện dành cho các dự án chuyển tiếp, nghiệm thu và dự kiến đưa vào vận hành thương mại thêm 106 MWp điện mặt trời áp mái (bao gồm 10 MWp đang xây dựng và 96 MWp năm trong kế hoạch phát triển.

Công ty cũng đang nghiên cứu thực hiện M&A nhằm mở rộng quy mô trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đốt rác phát điện, qua đó nâng doanh thu và lợi nhuận 2024 và các năm sau.

Song song đó, BCG Energy cho biết sẽ quản lý chi phí để cải thiện lợi nhuận; đa dạng hóa nguồn vốn huy động và sử dụng đòn bẩy tài chính phù hợp tạo nên dòng tiền cho công ty.

Dự án BCG Long An 1. (Ảnh: BCG Energy).

Năng lượng tái tạo đang gặp vướng mắc trong ngắn hạn

Cũng tại bản công bố thông tin, ban lãnh đạo nhận định trong ngắn và dài hạn, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ được chú trọng phát triển và khai thác để đảm bảo an ninh năng lượng. Điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo nổi bật được được thúc đẩy đầu tư và xây dựng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ được thúc đẩy mạnh hơn khi các nguồn vốn, nguồn tín dụng "xanh" cả trong và ngoài nước đang dần mở rộng hơn về mặt quy mô cũng như chính sách, đồng thời cũng có những ưu đãi nhất định về chi phí.

Năng lượng tái tạo ưu tiên phát triển nhưng còn vướng mắc trong ngắn hạn. Theo Quy hoạch điện VIII, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên phát triển và khai thác hiệu quả trong tương lai. Trong đó, điện gió được xác định phát triển mạnh mẽ. Công suất diện gió trên bờ dự kiến lên đến 21.880 MW và điện gió ngoài khơi là 6.000 MW vào năm 2030, định hướng đạt 70.000 - 91.500 MW vào 2050.

Về ngắn hạn, cung năng lượng tái tạo còn gặp nhiều thách thức. Cung hiện đang vượt quá cầu. Lý do gồm việc các dự án phát triển vượt mức giai đoạn trước đó và chỉ tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung, miền Nam. Công suất dư thừa tại hai khu vực này lại không thể chuyển ra miền Bắc do vấn đề về hệ thống truyền tải. Việc đầu tư mới vào năng lượng tái tạo còn đang gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là cơ chế tính giá mua bán điện.

Trước BCG Energy, một thành viên khác nằm trong hệ sinh thái của Bamboo Capital là BCG Land (Mã: BCR) cũng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM cuối năm 2023. Tuy nhiên, màn ra mắt của BCG Land không mấy ấn tượng. Cổ phiếu của công ty bất động sản này lao dốc sau khi đăng ký giao dịch, hiện giao dịch quanh mốc 5.000 đồng/cp, mất gần nửa giá trị so với thời điểm lên UPCoM.

Xuân Nghĩa