CEO CLSA: Lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bị nghiêm trọng hóa
Đồng đôla Australia giảm mạnh trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung | |
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng đến ngành công nghiệp da Trung Quốc |
“Mất rất nhiều thời gian để thay đổi các dòng chảy thương mại. Trung Quốc sở hữu các ngành công nghiệp vốn sẽ tồn tại trong một thời gian dài và chúng không dễ bị dịch chuyển”, ông Jonathan Slone – Giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư CLSA (Hong Kong), cho biết.
Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock/CNN. |
Ông Slone chỉ ra trường hợp của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á như một ví dụ về dòng chảy thương mại thường có xu hướng bám trụ theo những con đường đã định hình từ lâu. “Ai cũng nghĩ Nhật Bản sắp đánh mất nền tảng công nghiệp khi giá yen Nhật chạm mức 110 yen đổi 1 USD… điều đó chưa từng xảy ra”, ông nói.
“Các dòng chảy thương mại này tại Trung Quốc ăn sâu và khó thay đổi hơn nhiều so với một số người vẫn nghĩ”, ông Slone trả lời phỏng vấn CNBC tại Diễn đàn Nhà đầu tư CLSA năm 2018 tại Hong Kong.
Lo ngại về căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng vào hôm thứ Sáu (7/9) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo ông sẵn sàng đánh thuế lên 267 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bên cạnh thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa nước này mà ông Trump đe dọa trước đó.
Ông Jonathan Slone – Giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư CLSA (Hong Kong). Nguồn: Jonathan Wong/South China Morning Post. |
Tuy nhiên, ông Slone nói với CNBC rằng các lo ngại về chiến tranh thương mại đã bị nghiêm trọng hóa. Nhà đầu tư đang bắt đầu hiểu ra rằng “bức tranh phức tạp hơn rất nhiều so với những ồn ào mà chúng ta nghe thấy về vấn đề thương mại”, ông nói.
Vị giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư CLSA cho rằng chiến tranh thương mại có thể thật sự mang lại lợi ích đối với một số mục tiêu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Nó thật sự thúc đẩy một số vấn đề mà ông ấy theo đuổi – đi lên chuỗi giá trị gia tăng, chiến lược ‘Made in China’, đưa thêm người máy vào sản xuất, cơ khí hóa nhiều hơn. Cùng lúc đó, Trung Quốc đang kiểm soát tiền tệ khá chặt chẽ, vì thế không có sự hỗn loạn nào”, ông Slone nhận định.
Trung Quốc theo đuổi chiến lược tiến đến nền công nghiệp công nghệ cao, trong đó kế hoạch “Made in China 2025” có mục tiêu tăng cường khả năng sản xuất trong các lĩnh vực như công nghệ người máy và xe điện. Chiến lược này nhằm đưa Trung Quốc vượt lên trình độ chỉ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa cơ bản như quần áo và đồ điện tử tiêu dùng.
“Sự chuyển đổi mà các bạn sắp nhìn thấy tại Trung Quốc trong vòng ba năm tới, họ sẽ không còn sản xuất phần lớn hàng may mặc nữa. Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên và họ muốn điều đó diễn ra”, ông Slone nói.
Vị giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư CLSA nói thêm, “Đừng quên họ đang bắt đầu thiếu hụt nhân công. Đừng quên họ đang đối mặt với các thách thức về cơ cấu dân số, vì thế họ đang thật sự thay đổi chính sách công nghiệp để thích ứng với những thay đổi lâu dài mà các bạn đang chứng kiến trong các cuộc đàm phán thương mại toàn diện”.