Capital Economics: Xung đột ở Trung Đông khiến Fed thêm thận trọng, giá dầu có thể kéo lạm phát đi lên
Sau khi Israel và các đồng minh bắn hạn gần như toàn bộ tên lửa và máy bay không người lái mà Iran phóng hôm 13/4, mọi con mắt đang đổ dồn vào hướng phản ứng của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Các nhà đầu tư đang theo sát khả năng Israel thực hiện các cuộc tấn công trả đũa.
Trong một báo cáo hôm 14/4, ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, cho hay: “Những rủi ro chính đối với nền kinh tế toàn cầu là liệu căng thẳng có leo thang thành một cuộc xung đột khu vực hay không và phản ứng của thị trường năng lượng là gì”.
“Giá dầu tăng sẽ làm phức tạp thêm những nỗ lực nhằm đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu ở các nền kinh tế tiên tiến, nhưng sẽ chỉ có tác động đáng kể đến quyết định của các ngân hàng trung ương nếu giá năng lượng đi vào lạm phát lõi”, ông Shearing giải thích.
Vụ việc ngày 13/4 đánh dấu cuộc tấn công quân sự trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel. Washington báo hiệu rằng họ đang tìm cách ngăn căng thẳng lan rộng.
Tổng thống Joe Biden được cho là đã trò chuyện cùng Thủ tướng Netanyahu, nhấn mạnh Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Iran, theo Fortune.
Trong khi đó, các nhà phân tích Phố Wall đang chuẩn bị cho khả năng giá dầu sẽ tăng vọt sau vụ tấn công. Nhiều người dự đoán giá sẽ tăng lên trên 100 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã đi lên khoảng 20% và hiện giao dịch trên mức 90 USD/thùng.
“Thị trường năng lượng vẫn là cơ chế truyền tải quan trọng từ căng thẳng/xung đột khu vực sang phần còn lại của nền kinh tế thế giới”, ông Shearing lưu ý.
Vị chuyên gia của Capital Economics cho biết thêm rằng các cuộc tấn công của Nga vào hệ thống kho chứa của Ukraine cũng khiến giá khí đốt tự nhiên châu Âu tăng cao trong tuần qua.
Ông Shearing đã trích dẫn một nguyên tắc chung, cho biết nếu giá dầu tăng 10% thì lạm phát toàn phần ở các nền kinh tế phát triển sẽ nhích thêm 0,1 đến 0,2 điểm %.
Theo nhà kinh tế trưởng này, mặc dù giá dầu đã tăng 20% từ đầu năm - đồng nghĩa rằng lạm phát thực tế đã đi lên khoảng 0,1 điểm %, quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương sẽ khó có thể thay đổi.
Thay vào đó, giá dầu cần phải tăng mạnh và bền vững hơn để có thể tác động đến hướng đi của chính sách tiền tệ, đặc biệt là nếu giá tăng đột biến làm ảnh hưởng đến lạm phát lõi.
Tuy vậy, ông Shearing cũng đề cập đến những yếu tố có thể giúp kiềm hãm lạm phát. Chẳng hạn, việc Trung Quốc mở rộng năng lực sản xuất trong những năm qua đang đè nặng lên giá xuất khẩu và tạo ra áp lực thiểu phát trên thị trường hàng hoá công nghiệp.
Ngoài ra, “những rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong OPEC+” khi UAE và các thành viên khác yêu cầu liên minh dầu mỏ nâng hạn ngạch sản xuất. Diễn biến này sẽ giúp thúc đẩy nguồn cung và giảm bớt áp lực lên giá dầu thô.
“Theo quan điểm của chúng tôi, các sự kiện ở Trung Đông sẽ tạo thêm lý do để Fed tiếp tục thận trọng hơn... nhưng không thể ngăn ngân hàng trung ương Mỹ giảm lãi suất”, ông Shearing kết luận.
“Chúng tôi dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất lần đầu vào tháng 9. Và, giả sử giá năng lượng không tăng vọt trong tháng tới, chúng tôi tin rằng cả Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ giảm vào tháng 6”, ông nói.
Những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang trở nên dai dẳng đã khiến thị trường bớt hy vọng Fed sẽ sớm hạ lãi suất. Các quan chức ngân hàng trung ương cũng đang tập trung cân nhắc vấn đề đó.
Hôm 12/4, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco là bà Mary Daly nhấn mạnh ngân hàng trung ương này không cần vội. Trong khi đó, người đồng nghiệp ở chi nhánh Atlanta là ông Raphael Bostic gần đây cho biết Fed có thể chỉ nên giảm lãi suất một lần trong năm nay.
Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, cảnh báo sẽ không có bất kỳ đợt giảm nào nếu lạm phát không cải thiện. Về phần mình, Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý việc đảo chiều chính sách sẽ chỉ diễn ra khi lạm phát đi xuống.