|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/7: Số ca COVID-19 tại Hong Kong, Ấn Độ lại lập đỉnh

09:12 | 24/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 15 triệu. Ấn Độ, Hong Kong tiếp tục ghi nhận số ca COVID-19 mới cao kỉ lục. Trong khi đó, Việt Nam đã 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 25/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 24/7, Việt Nam hiện ghi nhận 412 ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 272 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 10.336.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/7: Số ca COVID-19 tại Hong Kong, Ấn Độ lại lập đỉnh - Ảnh 1.

Tình hình các ca mắc COVID-19 tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Việt Nam 24 giờ qua ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, đều là khách nhập cảnh về nước từ Hàn Quốc và Liên bang Nga. Các trường hợp này đều được cách li ngay sau nhập cảnh, không có ca lây ra cộng đồng.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo - Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/412 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 88,6% tổng số ca bệnh. 

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 43 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Ấn Độ, Hong Kong tiếp tục ghi nhận số ca COVID-19 mới cao kỉ lục

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 24/7, toàn thế giới có tổng cộng 15.632.435 ca mắc COVID-19, trong đó có 635.405 người tử vong và 9.526.076 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã cán mốc bốn triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 4.165.356 (chiếm 26,65% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 64.481 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.064 ca, nâng tổng số lên 147.247 (gần 1/4 trường hợp tử vong toàn cầu).

Kể từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác.

Tại thành phố Tampa, bờ tây Florida, nhà xác gần đây được trang bị 6 container đông lạnh để tiếp nhận số thi thể quá tải. Miami đã áp dụng phương án tương tự từ hồi tháng 4.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 10.249 ca ở Florida, 7.156 ca ở Texas và 9.018 ca ở California -  vùng dịch lớn nhất nước Mỹ.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/7: Số ca COVID-19 tại Hong Kong, Ấn Độ lại lập đỉnh - Ảnh 2.

Dòng người xếp hàng chờ xét nghiệm ở thành phố Miami Beach, bang Florida hôm 22/7. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Donald Trump hôm 21/7 trong buổi họp báo COVID-19 tại Nhà Trắng cam kết theo đuổi "chiến lược mạnh mẽ" để kiểm soát nCoV và đảm bảo phân phối nhanh đợt vaccine đầu tiên được sản xuất.

Theo Reuters, hôm họp báo 22/7, Tổng thống Trump còn cho hay ông không ngại cho con trai út Barron và các cháu quay lại trường học.

Ông giải thích rằng trẻ em có hệ miễn dịch rất mạnh và theo những gì ông biết được thì chúng sẽ không mang virus về nhà cho bố mẹ và người thân cao tuổi.

Trump đang nỗ lực thúc đẩy các trường học tái mở cửa, bất chấp tình hình COVID-19 tại nhiều bang đang nghiêm trọng. Tuy nhiên, Trump nói rằng quyết định cuối cùng thuộc về thống đốc các bang.

Ông một lần nữa kêu gọi giới trẻ Mỹ ngừng đến những quán bar đông đúc và khuyến khích người dân đeo khẩu trang, đề nghị người Mỹ giữ gìn vệ sinh, để kiềm chế virus lây lan, tuy nhiên, việc các bang thực thi điều này như thế nào là tùy thuộc thống đốc. 

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 55.604 ca nhiễm mới và 1.192 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.287.475 và 84.082.

Nhiều chuyên gia cho rằng số ca nhiễm COVID-19 thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 22/7 đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 và kết quả tiếp tục dương tính với virus. Văn phòng Tổng thống cho biết sức khỏe của ông vẫn đang cải thiện.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 1.288.130 ca nhiễm và 30.645 ca tử vong, tăng lần lượt 48.446 và 755. Nước này liên tiếp ngày thứ hai ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục kể từ khi dịch bùng phát.

Theo kết quả xét nghiệm huyết thanh của Delhi, các chuyên gia y tế nhận định Ấn Độ đang tiến tới miễn dịch cộng đồng và một số lượng lớn người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.848 ca mắc và 147 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 795.038 trường hợp, trong đó 12.892 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang có dấu hiệu giảm nhẹ.

Đây là ngày thứ 28 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Chính phủ Nga thông báo đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu. 

Nam Phi đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tăng gần gấp 4 lần chỉ trong 1 tháng qua, mặc dù là một trong những nước áp dụng các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt nhất thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 408.052 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 6.093.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 22 ca nhiễm mới (trong đó có 19 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 3 ca nhập cảnh) và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.729 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.855 bệnh nhân được chữa khỏi.

Theo TTXVN, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 118 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 111 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là mức cao nhất về số ca lây nhiễm trong một ngày ở Hong Kong kể từ khi dịch bùng phát.

Đây cũng là ngày thứ hai liên tiếp Hong Kong ghi nhận số ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng trên 100 ca. Đa số các ca mắc mới lây nhiễm liên quan tới các nhà hàng ăn uống.

Trước tình hình trên, chính quyền đặc khu này đã gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng kín, các trạm giao thông công cộng, trong vòng 14 ngày từ 23/7.

Về cuộc điều tra COVID-19 của WHO tại Trung Quốc, theo NY Times, ngay khi đặt chân đến Bắc Kinh, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bị cách li 14 ngày theo qui định phòng chống COVID-19 của Trung Quốc, buộc họ phải làm một số công việc nghiên cứu từ xa.

Wang Linfa, nhà virus học tại Singapore từng tham gia nghiên cứu tương tự của WHO ở Trung Quốc trong đại dịch SARS cho rằng cuộc điều tra lần này của WHO có khả năng phần lớn mang tính biểu tượng, bởi tình hình địa chính trị thế giới có thể khiến các chuyên gia Trung Quốc không sẵn sàng chia sẻ nghiên cứu có giá trị. Giới phân tích còn lo ngại Bắc Kinh sẽ tìm cách hạn chế phạm vi nghiên cứu, nhằm đề phòng nguy cơ chính phủ bị mất mặt.

Giới chức Trung Quốc cung cấp rất ít dữ liệu từ các mẫu mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nước này thu thập hồi tháng 12 tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi bị nghi ngờ là địa điểm dịch bệnh khởi phát.

Thêm vào đó, mặc dù chính phủ Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh cuộc điều tra của WHO, giới chức nước này vẫn chưa cung cấp chi tiết về những nỗ lực truy tìm nguồn gốc COVID-19 của chính họ. Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết việc nghiên cứu vấn đề này đôi khi gặp cản trở hoặc trì hoãn.

Giới chức và chuyên gia Trung Quốc còn kêu gọi WHO mở rộng phạm vi tìm hiểu sang những quốc gia khác như Tây Ban Nha.

Yanzhong Huang, chuyên gia y tế cộng đồng tại Trung Quốc của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhóm cố vấn trụ sở ở Mỹ, nhận định cả Bắc Kinh và WHO đều đối mặt áp lực ngày càng tăng trong việc điều tra toàn diện về COVID-19, nhưng chưa rõ liệu họ có hoàn thành được mục tiêu này hay không.

Như Ý

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Nhiều cái tên lãi vượt tỷ đô, tín dụng tăng trưởng hai con số
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.