|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 13/7: Thế giới đã vượt mốc 13 triệu ca nhiễm COVID-19

07:23 | 13/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, thế giới đã vượt mốc 13 triệu ca nhiễm COVID-19. Bang Florida ghi nhận số ca mắc nCoV mới cao kỉ lục. Trong khi đó, Việt Nam đã 88 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Thêm hai trường hợp mắc COVID-19 tại Việt Nam là người trở về từ Nga

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 14/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 88 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 13/7, Việt Nam hiện ghi nhận 372 ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 232 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 11.256.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 13/7: Thế giới đã vượt mốc 13 triệu ca nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm hai ca mắc COVID-19 là người trở về từ Liên bang Nga, được cách li ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 350/372 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm  94,1% tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 18 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Liên quan đến bệnh nhân nam phi công người Anh (BN91), chiều ngày 12/7, theo giờ Việt Nam chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines đưa nam phi công người Anh từng mắc COVID-19 tại Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Heathrow (Thủ đô London, Vương quốc Anh).

Thế giới đã vượt mốc 13 triệu ca nhiễm COVID-19, bang Florida ghi nhận số ca mắc nCoV mới cao kỉ lục

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 13/7, toàn thế giới có tổng cộng 13.022.287 ca mắc COVID-19, trong đó có 570.999 người tử vong và 7.573.348 bệnh nhân phục hồi. 

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt xa 3 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 3.411.300 (chiếm 26,19% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 55.654 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 371 ca, nâng tổng số lên 137.773.

Mỹ vẫn đang trải qua những ngày ghi nhận số ca tử vong và số ca nhiễm mới cao.

Theo NY Post, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng COVID-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Fauci khẳng định biểu đồ số ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới nCoV tăng mạnh, với 15.300 ca ở Florida, 5.500 ca ở Texas và 7.004 ca ở California. Florida ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục từ trước tới nay.

Theo New York Times,  nhiều bệnh viện tại Mỹ điêu đứng trước sóng bùng phát nCoV mới: Phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, y tá đổ bệnh hàng loạt, thiếu hụt thiết bị xét nghiệm, thuốc chống virus và nhân lực...

Theo Japan Times, hàng chục ca nhiễm nCoV đã được phát hiện tại căn cứ Mỹ ở Okinawa.

Thống đốc Okinawa Denny Tamaki cho biết ông đã yêu cầu Mỹ công khai số người nhiễm nCoV và tổ chức một cuộc họp chung với chính quyền tỉnh Okinawa về vấn đề này. Hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lệnh cho các căn cứ quân sự và chỉ huy dừng việc cung cấp chính xác số ca nhiễm nCoV mới cho truyền thông với lí do lo ngại về an ninh.

Truyền thông địa phương cho hay số ca nhiễm có thể lên tới 60 và có nhiều cơ sở liên quan, trong đó có căn cứ không quân của Thuỷ quân Lục chiến Mỹ Futenma và Trại Hansen. 

Theo ABC News, tại thành phố San Antonio, Texas, một nam thanh niên ngoài 30 tuổi đã tử vong sau khi tham dự "tiệc COVID-19"(các bữa tiệc COVID-19 là nơi những người trẻ tuổi được cho là đến tham dự để xem ai bị nhiễm nCoV đầu tiên và ai có thể sống sót trước dịch bệnh này). Nam bệnh nhân đã thể hiện sự hối hận trước khi qua đời với y bác sĩ vì nghĩ rằng mình trẻ tuổi, khỏe mạnh nên sẽ không bị ảnh hưởng.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh, và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 23.869 ca nhiễm mới và 608 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 1.864.681 và 72.100. Tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn đang diễn biến phức tạp khi biểu đồ số ca nhiễm mới, và số ca tử vong mỗi ngày đều có xu hướng tăng.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 879.466 ca nhiễm và 23.187 ca tử vong, tăng lần lượt 29.108 và 500. Các thành phố lớn của Ấn Độ là những nơi bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 6.615 ca mắc và 130 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 727.162 trường hợp, trong đó 11.335 trường hợp tử vong.

Đây là ngày thứ 17 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4. Số ca nhiễm mới hàng ngày của Nga đang trên đà giảm nhẹ.

Peru xếp sau Brazil tại khu vực Mỹ Latinh với tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 đã vượt 300.000 người, cụ thể là 326.326 ca, cao thứ 5 trên thế giới, trong đó, tổng số ca tử vong tại nước này là 11.870.

Đây là một trong những nước Mỹ Latinh đầu tiên phong tỏa từ giữa tháng 3 nhưng đã cho phép nối lại hoạt động sản xuất vào tháng 5.

Indonesia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm nCoV tăng cao

Nước này 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 1.681 ca nhiễm nCoV, nâng tổng ca nhiễm cả nước lên 75.699., trong đó có 3.606 ca tử vong, tăng 71 trường hợp, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.

Thống kê cho thấy số ca nhiễm mới mỗi ngày của Indonesia đang trên đà tăng nhanh. Tuy nhiên theo AFP, đây vẫn chưa phải là những con số chính xác, thực tế được cho là cao hơn nhiều. Giới chuyên gia giải thích rằng khả năng xét nghiệm hạn chế của Indonesia không đủ bao quát qui mô thực sự của cuộc khủng hoảng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây cũng kêu gọi Indonesia tăng cường xét nghiệm.

Indonesia phát hiện ổ dịch tại một trường quân sự: Gần 1.300 người liên quan tới Trường Sĩ quan Lục quân ở thành phố Bandung, tỉnh Tây Java dương tính với nCoV. Hầu hết ca nhiễm không có triệu chứng. Học viện quân sự này đã bị phong tỏa.

Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho rằng ca nhiễm mới tăng nhanh do nhiều người không đeo khẩu trang khi đất nước mở cửa trở lại và nới lỏng phong tỏa.

Trung Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận thêm bảy ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.594 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.634 bệnh nhân được chữa khỏi. Như vậy, theo thống kê, số ca nhiễm mới của nước này đang có xu hướng giảm mạnh.

Giới chức Bắc Kinh, nơi bùng phát ổ dịch mới, thông báo thủ đô đã kiềm chế được ổ dịch mới và dỡ hầu hết hạn chế đi lại từ 4/7.

Theo SCMP,  chính quyền Bắc Kinh của Trung Quốc tuyên bố nới lỏng các hạn chế đi lại nhằm ngăn COVID-19 lây lan, sau 5 ngày không phát hiện ca nhiễm mới. Theo đó, mọi người dân ở khu vực ngoài thủ đô đều được phép ra vào thành phố mà không cần xét nghiệm bằng cách lấy mẫu dịch.

Giới chức y tế Hong Kong cảnh báo thành phố đang đối diện làn sóng COVID-19 lần ba nghiêm trọng nhất, khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng.

"Làn sóng lây nhiễm lần ba là tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, thậm chí còn tệ hơn tình hình hồi tháng Ba", Chuang Shuk-kwan, lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe về các bệnh truyền nhiễm Hong Kong, cho biết hôm 11/7.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 13/7: Thế giới đã vượt mốc 13 triệu ca nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Người dân Hong Kong đeo khẩu trang trên đường phố hôm 10/7. (Ảnh: AFP).

Theo AFP, Hong Kong đã đóng cửa toàn bộ trường học

Lãnh đạo cơ quan giáo dục Hong Kong Kevin Yeung hôm 10/7 cho biết chính quyền thành phố đã yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học từ ngày 13/7 sau khi ghi nhận ca nhiễm mới nCoV "tăng cấp số nhân" trong những ngày gần đây.

Như Ý

Năm 2025: Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8%, GRDP các địa phương bình quân tăng 8 - 10%
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá để đề xuất, xem xét việc kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%.