|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 8/10: Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại sau kì nghỉ Tết Trung thu

08:04 | 08/10/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 8/10, thế giới đã vượt 36 triệu ca nhiễm COVID-19. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại sau kì nghỉ Tết Trung thu. Trường học Mỹ đóng cửa. Việt Nam dự kiến hoàn thành nghiên cứu lâm sàng vắc xin trong 1 năm tới.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 9/10

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (8/10) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 36 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.099 trường hợp.

Với mục tiêu để Việt Nam có thể tiếp cận được sớm nhất có thể với vắc xin COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tiếp cận theo 2 con đường chính. 

Thứ nhất là đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin trên thế giới. Hướng tiếp cận thứ hai của Bộ Y tế là thúc đẩy, hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để có thể cho ra đời vắc xin COVID-19 "made in Vietnam" sớm nhất có thể.

Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất trong nước đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19. Trong đó, có hai nhà sản xuất tiềm năng gồm Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang với công nghệ phôi trứng gà và công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen với công nghệ tái tổ hợp.

Hiện 2 vắc xin trên đang ở giai đoạn test thử thách, tức là tạo ra một vắc xin hoàn chỉnh tiêm thử trên động vật, sau đó cho động vật này tiếp xúc với SARS-CoV-2 để thử thách hiệu quả bảo vệ. 

IVAC đã chuyển vắc xin cho phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ để test. Nanogen đang test thử thách vắc xin tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu đơn vị này gửi mẫu test qua phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc để thử thách song song.

Các nhà sản xuất dự kiến khoảng tháng 12 năm nay sẽ có kết quả test thử thách. Trong 1 năm tới, Việt Nam dự kiến hoàn thành 3 giai đoạn nghiên cứu lâm sàng vắc xin.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 14.250.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 8/10: Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại sau kì nghỉ Tết Trung thu - Ảnh 1.

Tình hình các trường hợp cách li tại Việt Nam. (Nguồn: Bộ Y tế).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.023/1.099 bệnh nhân COVID-19.

Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 5 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 8 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 8/10, toàn thế giới có tổng cộng hơn 36,36 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,05 triệu người tử vong và 27,38 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 75,3%).

Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang ngày càng trở nên phức tạp khi nhiều quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày, như Ukraine, Séc, Bulgaria, Ba Lan, Hà Lan.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 7,77 triệu ca nhiễm COVID-19, (chiếm hơn 1/5 tổng số ca nhiễm toàn cầu dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới), sau khi ghi nhận thêm 43.103 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 800 ca, nâng tổng số lên 216.652. Tổng số người phục hồi là hơn 4,97 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 63,9%).

Số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới cao, với 1.245 ca ở California, 3.821 ca ở Texas, và 2.582 ca ở Florida, Georgia ghi nhận thêm 1.492 ca, Illinois 2.630 ca.

Fox dẫn lời bác sĩ Nhà Trắng Conley cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump "không còn triệu chứng" COVID-19 sau khi xuất viện và trải qua đêm nghỉ ngơi thoải mái đầu tiên tại nhà.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 8/10: Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại sau kì nghỉ Tết Trung thu - Ảnh 2.

Nhân viên nhà trường giúp trang trí mặt tiền của một trường tiểu học ở khu phố Roxbury của Boston vào tuần trước. (Ảnh: AP).

Các trường học ở Boston hôm qua đã tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại khi số ca nhiễm mới gia tăng. New York cũng đã trì hoãn việc mở cửa trở lại theo kế hoạch và đóng cửa một số trường học sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng đột biến ở một số vùng lân cận, theo Politico.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 6,83 triệu ca nhiễm và 105.554 ca tử vong, tăng lần lượt 78.809 và 963 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 85,2% với tổng 5,82 triệu người đã khỏi bệnh.

Số ca mắc mới và tử vong trong một ngày qua của nước này cao nhất thế giới, các số liệu thực tế được cho là cao hơn nhiều so với con số được công bố chính thức. Ấn Độ hiện xếp thứ 3 về tổng số người tử vong vì COVID-19, chỉ thấp hơn Mỹ, Brazil.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 29.741 và 657 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 5,0 triệu và 148.228 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 4,39 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 87,8%. 

Số ca nhiễm mới báo cáo mỗi ngày tại nước này đang có xu hướng giảm. Giới chuyên gia Brazil nhận định rằng các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 11.115 ca mắc và 202 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,24 triệu trường hợp, trong đó 21.865 trường hợp tử vong, và 995.275 người hồi phục (đạt 80,3%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang tăng dần và trong 24 giờ qua ghi nhận con số theo sát mức tăng kỉ lục của nước này là 11.656 ca hôm 11/5.

Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết tình hình dịch bệnh tại Moskva đang "trở nên thách thức và khó khăn hơn sau mỗi ngày".

Tây Ban Nha hôm nay đã vượt Peru trở thành vùng dịch lớn thứ 6 thế giới. Nước này hiện đã ghi nhận 865.631 ca nhiễm, trong đó có 32.486 ca tử vong. Nước này đang đối mặt với sóng lây nhiễm thứ hai nghiêm trọng hơn đợt một hồi tháng 3.

Các thành phố Leon, Palencia và San Andrés del Rabanedo sẽ bị phong tỏa một phần trong vòng 2 tuần như đã từng xảy ra với thành phố Madrid và 9 quận ngoại vi của thành phố này kể từ ngày 2/10. Người dân tại những thành phố này không được đi ra ngoài, trừ những lí do thiết yếu như đi làm, đi học hoặc gặp bác sĩ, theo The New York Times.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã 52 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.489 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.650 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 114 ca mắc mới, trong đó có 94 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 24.353 ca, trong đó có 425 trường hợp tử vong và 22.334 người đã hồi phục (91,7%).

Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc đã tăng trở lại lên mức 3 con số sau 6 ngày chỉ ghi nhận ở mức 2 con số. Các cơ quan y tế đã cảnh báo các trường hợp COVID-19 có thể gia tăng sau kì nghỉ lễ Tết Trung thu kéo dài 5 ngày đến chủ nhật qua. Chính phủ ước tích khoảng 30 triệu người đi du lịch để thăm gia đình và họ hàng trong kì nghỉ này, theo Yonhap.

Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới có hiệu lực từ ngày 8/10 và kéo dài trong 30 ngày, theo đó bắt buộc người dân phải luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, ngoại trừ một số trường hợp như đang chơi hoặc thi đấu thể thao.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã đề xuất lên Quốc hội để tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp cho đến cuối tháng 1/2021.

Italy hiện đã báo cáo 333.940 ca nhiễm, trong đó có 36.061 trường hợp tử vong. Số ca mắc mới hàng ngày tại nước này đang tăng trở lại.

Như Ngọc