|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

3 kịch bản tiềm năng sau khi ông Trump ngừng đàm phán về gói cứu trợ COVID-19

15:03 | 07/10/2020
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngừng đàm phán về gói kích thích kinh tế tiếp theo cho tới sau khi ông tái đắc cử. Forbes đã vạch ra một số kịch bản có thể xảy ra sau động thái mới nhất của ông Trump.

Ngày 6/10, Tổng thống Trump chính thức quyết định ngừng đàm phán về gói cứu trợ COVID-19.

Qua mạng xã hội Twitter, ông Trump cho hay: "Tôi đã chỉ thị cho cấp dưới ngừng đàm phán cho đến sau cuộc bầu cử, ngay sau khi tôi giành chiến thắng, chúng tôi sẽ thông qua Dự luật Kích thích lớn nhất tập trung vào người dân lao động và doanh nghiệp nhỏ".

Dưới đây là ba khả năng có thể xảy ra sau quyết định gây tranh cãi của ông Trump:

Kịch bản 1: Đàm phán bị hủy bỏ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống

Trong trường hợp này, các cuộc đàm phán về gói cứu trợ kinh tế mới thực sự chỉ có thể bắt đầu lại sau Ngày bầu cử (3/11).

Tổng thống Trump cho biết Đảng Cộng hòa nhiệt tình đề xuất gói cứu trợ trị giá 1.600 tỉ USD nhưng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi "không thương lượng một cách thiện chí" và chỉ tập trung vào các chi tiêu chính phủ không liên quan trực tiếp đến COVID-19.

Do đó, nếu diễn dịch đúng theo đoạn tweet của ông Trump thì Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows sẽ tạm ngừng đàm phán cho đến sau cuộc bầu cử. Theo đó, người lao động Mỹ sẽ không nhận thêm cứu trợ tiền mặt hay trợ cấp thất nghiệp bổ sung nào.

Vòng đàm phán mới có thể bắt đầu vào tháng 11 hoặc tháng 12, hoặc thậm chí là vào năm 2021 sau khi nhiệm kì Quốc hội mới bắt đầu. Hoặc cũng có thể nền kinh tế Mỹ sẽ không bao giờ có thêm một gói kích thích tài khóa tiếp theo.

3 kịch bản tiềm năng sau khi ông Trump ngừng đàm phán về gói cứu trợ COVID-19 - Ảnh 1.

Ngày 6/10, Tổng thống Trump đột ngột tuyên bố ngừng đàm phán về gói cứu trợ COVID-19 mới với Đảng Dân chủ Hạ viện. (Ảnh: Getty Images)

Kịch bản 2: Chủ tịch Hạ viện giảm giá trị dự luật cứu trợ

Đảng Dân chủ Hạ viện có thể điều chỉnh Dự luật Heroes (Dự luật Giải pháp Hồi phục Y tế và Kinh tế Khẩn cấp) trị giá 2.200 tỉ USD để đạt được một thỏa thuận trước Ngày bầu cử.

Nếu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chấp nhận phương án này, bà có một số lựa chọn nhỏ khác.

Thứ nhất, bà Pelosi có thể cắt giảm một số khoản chi tiêu trong dự luật để đưa tổng giá trị gói cứu trợ xuống gần con số 1.600 tỉ USD của Đảng Cộng hòa, từ đó chốt thỏa thuận cuối cùng.

Thứ hai, bà Pelosi có thể liên lạc với Bộ trưởng Mnuchin và Chánh văn phòng Nhà Trắng Meadows để lôi kéo họ tham gia vào đàm phán một gói kích thích tiềm năng trước Ngày bầu cử. Tuy nhiên, có thể sau loạt tweet của ông Trump thì hai cấp dưới này sẽ không gật đầu đàm phán.

Kịch bản 3: Đảng Cộng hòa gây áp lực để ông Trump thông qua gói kích thích

Khả năng thứ ba là Đảng Cộng hòa Thượng viện (chủ yếu là các thượng nghị sĩ ôn hòa đang tái tranh cử) có thể vận động ông Trump nối lại đàm phán, bất chấp loạt tweet thông báo của ông chủ Nhà Trắng.

Tuy nhiên, khả năng này khá thấp. Dù Quốc hội có thể thông qua bất kì dự luật cứu trợ nào, Tổng thống Trump lại có quyền phủ quyết. Do đó, ông Trump và Đảng Cộng hòa Thượng viện phải có cùng tiếng nói về dự luật cứu trợ mới.

Hầu hết các thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện không thực sự muốn tung ra nhiều kích thích kinh tế hơn. Một số khác ủng hộ các yếu tố nhỏ hơn của gói cứu trợ như khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, trợ cấp thất nghiệp và tài trợ cho trường học.

Tuy nhiên, có rất ít hoặc thậm chí là không có thành viên Đảng Cộng hòa Thượng viện nào ủng hộ đề xuất 2.200 tỉ USD của Đảng Dân chủ Hạ viện. Hầu hết họ muốn đưa bà Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao trước Ngày bầu cử hơn là chốt thỏa thuận cứu trợ.

Đảng Cộng hòa Thượng viện có thể đạt được cả hai mục tiêu trên, song khả năng có gói cứu trợ mới mà không cần sự ủng hộ của ông Trump là gần như bằng 0.

Tuy nhiên, Forbes nhận định bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong một năm bầu cử tổng thống. Nếu Quốc hội và ông Trump muốn gói kích thích tài khóa trước thềm bầu cử, họ sẽ hành động. 

Nói một cách đơn giản, ông Mnuchin và bà Pelosi có thể nối lại đàm phán vào bất kì thời điểm nào. Ngược lại, gói cứu trợ COVID-19 (nếu có) có thể bị lùi sang cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Một điểm đáng chú ý là ông Trump vẫn muốn có một thỏa thuận cứu trợ và một đợt phát tiền mặt mới cho người dân Mỹ như nội dung điều trần của ông Mnuchin trước Quốc hội Mỹ hồi cuối tháng 9.

Yên Khê