|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội Mỹ cần suy nghĩ giống như ngân hàng trung ương về gói cứu trợ COVID-19

06:41 | 18/08/2020
Chia sẻ
Lựa chọn các nghị sĩ cần đưa ra không phải là tăng hay giảm qui mô dự luật cứu trợ, mà là làm cách nào để giảm thiểu sự hối tiếc trong tương lai và tránh gây tổn hại tới trình phục hồi.
Quốc hội Mỹ cần suy nghĩ giống như ngân hàng trung ương về gói cứu trợ COVID-19 - Ảnh 1.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Doanh số bán lẻ tháng 7 mới được công bố hôm 14/8 giúp những người tin vào mô hình hồi phục chữ V thở phào nhẹ nhõm. Với việc tăng thêm 1,2% sau khi đi lên 8,4% trong tháng 6, doanh số bán lẻ của nước Mỹ đã được khôi phục hoàn toàn sau đợt lao dốc từ tháng 3 đến tháng 4, hoàn tất hình chữ V ấn tượng.

Do tiêu dùng chiếm tới gần 70% GDP Mỹ, rất nhiều chuyên gia Phố Wall hi vọng đầu tư sẽ sớm đi lên mạnh mẽ nhằm củng cố sự hồi phục của hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, những người khác thì lại thấy dữ liệu trên là minh chứng cho triển vọng tiêu cực hơn về nền kinh tế Mỹ. Mức tăng doanh số bán lẻ của tháng 7 thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 18,3% của tháng 5 và 8,4% của tháng 6.

Khi thấy rằng đà tăng trưởng của doanh số bán lẻ chậm lại, nhiều người lo rằng nước Mỹ đã đi qua giai đoạn phục hồi mạnh mẽ nhất. Một số chỉ báo tần suất cao nhất cũng chỉ ra rằng hoạt động kinh tế đang chững lại.

Rủi ro ở đây là các báo cáo kinh tế tiếp theo cũng sẽ không thống nhất được các quan điểm trái chiều về tương lai kinh tế Mỹ. Sự khác biệt càng kéo dài, kinh tế Mỹ càng có nguy cơ sụt giảm. Các cuộc tranh luận tại Washington minh chứng rất rõ ràng cho nguy cơ này.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa thuộc nhóm tin tưởng vào cách diễn giải lạc quan hơn về dữ liệu kinh tế. Theo họ, miễn là có tăng trưởng, dù ít hay nhiều, thì số liệu cũng chứng minh rằng kinh tế đang phục hồi tốt đẹp và không cần nhanh chóng thông qua số tiền kích thích khổng lồ mà Đảng Dân chủ đề nghị.

Hồi tháng 5, Đảng Dân chủ đề xuất một gói cứu trợ COVID-19 trị giá 3.000 tỉ USD. Nội dung của gói cứu trợ này bao gồm 900 tỉ USD viện trợ cho các chính quyền địa phương và tiểu bang đang thiếu tiền.

Theo Bloomberg, một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa thậm chí còn cho rằng việc rót nhiều tiền vào nền kinh tế sẽ làm suy yếu sự tăng trưởng bền vững theo ba cách khác nhau. 

Thứ nhất, trợ cấp thất nghiệp cao khiến người lao động mất động lực làm việc. Thứ hai, cứu trợ nhiều sẽ giúp cho các công ty không hiệu quả sống sót, làm méo mó việc phân bổ nguồn lực và tổn hại tới tăng trưởng năng suất. Cuối cùng, cấp tiền cho các bang sẽ khuyến khích họ thực hiện các hành động can thiệp vô bổ vào hoạt động kinh tế.  

Trong khi đó, khi nhìn vào cùng một dữ liệu doanh số bán lẻ giống với Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ lại có quan điểm tiêu cực hơn. Đối với họ, đà phục hồi chậm lại có nguy cơ biến các vấn đề tạm thời thành những rắc rối lâu dài, khắc sâu vào cấu trúc nền kinh tế, gây thêm tổn hại và khó giải quyết hơn.

Các nghị sĩ Đảng Dân chủ tin rằng số liệu kinh tế thể hiện sự cần thiết của việc tiếp tục khoản hỗ trợ đặc biệt cho những người mất việc làm và doanh nghiệp có rủi ro phá sản. Không những thế, chính quyền bang và địa phương cũng cần trợ giúp, một phần do các bang cũng có nhiều nhân viên trong biên chế.

Khác với Quốc hội, các ngân hàng trung ương quan trọng được dẫn dắt bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rõ ràng, nhất quán trong những tình huống tương tự suốt hơn 10 năm qua.

Trên thực tế, các ngân hàng trung ương đã áp dụng và gắn bó với "tư duy bảo hiểm" và đi xa hơn bất cứ thứ gì mà Quốc hội Mỹ có thể tưởng tượng. 

Thay vì sa lầy vào các cuộc tranh luận về hai giả thuyết mà khó có thể được làm rõ bởi dữ liệu kinh tế, các nhà lập pháp nên xem xét rủi ro gắn liền với việc lựa chọn sai lầm.

Trong thế giới đầy bất ổn của COVID-19, cách tiếp cận kiểu bảo hiểm nhằm "giảm thiểu sự hối tiếc" sẽ cho thấy rằng trong tương lai, khắc phục sai lầm của việc trợ giúp quá nhiều sẽ dễ hơn việc sửa chữa hậu quả gây ra bởi việc cung cấp quá ít viện trợ. Nói ngắn gọn, Quốc hội Mỹ cần ủng hộ và thống nhất về gói cứu trợ lớn hơn càng nhanh càng tốt.

Quốc hội Mỹ nên nhanh chóng áp dụng tư duy giảm thiểu hối tiếc. Đây là cách duy nhất để đảm bảo rằng sự bế tắc của chính họ không dẫn đến kết quả mà không bên nào mong muốn là nền kinh tế một lần nữa lại xuống dốc sau khi hồi phục đôi chút.

Giang